The Economist: Thời điểm Fed hạ lãi suất đã cận kề, thị trường có thể sẽ thất vọng với quyết định vào ngày 18/9 của Fed
Economist chỉ ra, Fed vẫn có thể hạ lãi suất trong cuộc họp sắp tới mà vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn. Điều này có thể sẽ khiến nhà đầu tư thất vọng.
Khoảnh khắc thị trường mong đợi đã gần kề. Trong suốt 2 năm rưỡi, kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu đợt tăng lãi suất nhanh nhất kể từ những năm 1980, các nhà đầu tư đã kỳ vọng rất nhiều vào bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thời điểm ngân hàng trung ương sẽ đảo ngược lộ trình.
Hiện tại, thị trường sẽ rất bất ngờ nếu Chủ tịch Jerome Powell không thực hiện đợt cắt giảm sâu như mong đợi ở cuộc họp ngày 18/9. Nhà đầu tư không còn tranh luận rằng liệu Fed có hạ lãi suất hay không mà là cắt giảm bao nhiêu. 40% đang cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất ở mức 0,25% và 60% là 0,5%.
Dựa trên phản ứng của các nhà đầu tư trước những thông báo của ông Powell trong vài năm qua, có thể đó là tin tốt với họ. Nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ phần lớn lao dốc khi cho rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài và lại tăng vọt khi có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chi phí đi vay có thể sớm giảm xuống.
Song, câu thần chú “mua tin đồn, bán sự thật” không phải à điều vô cớ trên thị trường tài chính. Dù triển vọng hạ lãi suất khiến nhà đầu tư hồi hộp, nhưng sự thực tế lại thường mang đến nỗi thất vọng.
Thị trường chứng khoán đã phản ứng như thế nào với các chu kỳ nới lỏng trong quá khứ? Dù 3 đợt hạ lãi suất vào những năm 1990 đã giúp thị trường ghi nhận những đợt tăng giá liên tiếp, song diễn biến ở thế kỷ này lại ảm đạm hơn.
Việc hạ lãi suất vào đầu những năm 2000 diễn ra trong thời kỳ bong bóng dotcom vỡ. Đợt cắt giảm vào năm 2007 đi kèm với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quan điểm ôn hoà của Fed được đưa ra vào năm 2019 ban đầu đã thúc đẩy thị trường nhưng sau đó lại bị “nhấn chìm” do dịch Covid-19.
Như nhiều lĩnh vực khác trong ngành tài chính, việc hạ lãi suất không có tác động quá tích cực đến giá cổ phiếu, thường dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Chi phí đi vay thấp hơn giúp các doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn, khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm của họ. Nếu lợi suất trái phiếu giảm, thì lợi nhuận dự phóng của cổ phiếu cũng hấp dẫn hơn.
Vậy yếu tố gây áp lực ở lần này là gì? Yếu tố dài hạn là sự lo ngại của ngân hàng trung ương về việc nền kinh tế yếu đi và muốn ngăn chặn rủi ro này. Hiện tại, điều này dường như không quá đáng lo. Thị trường lao động Mỹ đã hạ nhiệt nhưng nền kinh tế chỉ chậm lại chứ không bước vào suy thoái. Do đó, lợi nhuận doanh nghiệp và thị trường chứng khoán vẫn ở mức an toàn khi Fed bắt đầu hạ lãi suất.
Vấn đề đáng lo ngại hơn là “độ trễ và sự thay đổi” - điều được nhà kinh tế đạt giải Nobel, Milton Friedman, giữa những thay đổi trong chính sách tiền tệ và tác động đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Ngay cả khi Fed chuẩn bị nới lỏng, thì nhiều người đi vay sẽ phải trả mức lãi suất cao hơn. Tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có lãi suất cố định trong thời kỳ tiền rẻ, sẽ cần phải tái cấp vốn. Vì rất ít khả năng Fed đưa lãi suất về gần mức 0 trong thời gian tới, nên chi phí trả nợ của các doanh nghiệp như vậy sẽ còn tăng lên. Người đi vay cũng ở tình thế tương tự.
Tuy nhiên, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Fed có thể khiến nhà đầu tư thất vọng đó là chính sự kỳ vọng của thị trường. Nhà đầu tư hiện kỳ vọng mức cắt giảm là 1,25 điểm phần trăm trong năm nay, sau đó là 1,25 điểm phần trăm trong năm tới. Trên thực tế, những động thái như vậy chỉ được thực hiện trong thời kỳ suy thoái hoặc khủng hoảng.
Economist nhận định, nhìn chung, rất nhiều khả năng Fed sẽ gây bất ngờ với bước đi cứng rắn hơn ngay cả khi vẫn hạ lãi suất. Điều này sẽ thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao và khiến cổ phiếu kém hấp dẫn hơn.
Tham khảo Economist
Nhịp sống thị trường