MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

The Economist: TPP sẽ hồi sinh ở Hà Nội, vào cuối tháng 5?

11-05-2017 - 16:41 PM | Tài chính quốc tế

Tuần trước, 11 nước còn lại đã nhóm họp tại Toronto để bàn về cách tiếp tục triển khai TPP mà không Mỹ. Và cuối tháng này, các nước sẽ 1 lần nữa họp tại Hà Nội, trong cuộc họp mà Economist nhận định là có thể giúp hồi sinh TPP.

Khi, chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương (TPP) – thứ mà người tiền nhiệm của ông là Barack Obama muốn sẽ trở thành “di sản” của mình ở châu Á, đó đơn giản chỉ là hành động biến lời hứa khi tranh cử thành hiện thực. “Điều tuyệt vời cho người lao động Mỹ”, ông Trump đã nói như vậy khi chính thức quay lưng lại với một loạt thị trường mới mà các công ty ô tô, nông nghiệp và dược phẩm Mỹ có thể tiếp cận, cũng như quay lưng lại với triển vọng 100.000 việc làm mới sẽ được tạo ra cho người Mỹ.

Đối với 11 nước còn lại, đây là điều đáng buồn. Nó thể hiện vị Tổng thống mới không còn muốn đất nước của ông duy trì vai trò là nước tiên phong ủng hộ trật tự thương mại cởi mở và tuân theo nguyên tắc mà Mỹ đã duy trì suốt bấy lâu nay. Châu Á – Thái Bình Dương lại chính là khu vực hưởng lợi lớn nhất từ trật tự này. Giống như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói, nếu như không có Mỹ, quốc gia chiếm tới 3/5 GDP của khu vực, TPP sẽ trở nên “vô nghĩa”.

Nhưng theo tạp chí The Economist, rất có thể 3 tháng sau mọi chuyện đã khác. Tuần trước, 11 nước còn lại là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã nhóm họp tại Toronto để bàn về cách tiếp tục triển khai TPP mà không Mỹ. Và cuối tháng này, các nước sẽ 1 lần nữa họp tại Hà Nội, trong cuộc họp mà Economist nhận định là có thể giúp hồi sinh TPP.

Sau cùng thì, mặc dù ông Trump quan niệm TPP không có lợi cho Mỹ, các thành viên khác mới chính là những nước phải thỏa hiệp nhiều nhất nếu xét trên góc độ mở cửa thị trường. Các thành viên còn lại sẵn sàng làm vậy bởi khả năng tiếp cận thị trường Mỹ là một phần thưởng xứng đáng để đánh đổi. Một số nước (trong đó có Nhật Bản) còn coi TPP là một dấu ấn quan trọng để khẳng định cam kết xoay trục châu Á của Mỹ. Bởi vậy họ sẵn sàng hạ thấp rào cản thuế quan, mở tung thị trường dịch vụ chào đón dòng vốn đầu tư và cả sự cạnh tranh, chấp nhận tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và siết chặt các quy định về môi trường.

Tuy nhiên, theo Deborah Elms, chuyên gia đến từ Asian Trade Centre (1 nhóm cố vấn thương mại ở Singapore), 11 nước còn lại chắc chắn vẫn sẽ hưởng lợi lớn từ TPP dù không có Mỹ. Ông lấy ví dụ về ngành may mặc và da giày của Việt Nam. Với lợi thế lao động giá rẻ, ngành này vẫn hưởng lợi khi có thể tiếp cận những thị trường giàu có trong khu vực. Hiện ở mức 9,5%, mức thuế mà Australia đánh vào quần áo bơi nhập khẩu sẽ giảm xuống và đây sẽ trở thành thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.

Cho đến nay, chưa có nước nào sẵn sàng đứng ra làm đầu tàu để hồi sinh TPP. Đối với một số nước (như Singapore hay Malaysia), mối lo ngại lớn nhất là TPP có thể hồi sinh nhưng không thể đối chọi với Trung Quốc. Trong khi đó Nhật Bản ở thế tiến thoái lưỡng nan vì không muốn phản đối Tổng thống Trump quá lộ liễu.

Tuy nhiên, Economist cho rằng có lẽ buổi chơi golf của ông Abe cùng ông Trump ngay tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago đã đem lại kết quả. Trong thông báo chung được phát đi sau đó, 2 nước ám chỉ Nhật Bản “sẽ tiếp tục thực hiện những cam kết ở khu vực trên cơ sở những sáng kiến sẵn có”. Và cuộc họp ở Hà Nội chính là 1 sáng kiến của Nhật Bản. Các nước khác, sau khi đã xác định rằng TPP sẽ được hồi sinh theo hướng chẳng chống Trung Quốc mà cũng chẳng chống Trump, sẽ tiếp bước.

Bên cạnh TPP, có một hiệp định song phương khác đang trên đường đàm phán để đẩy mạnh tự do thương mại ở châu Á: RCEP. Một số người đã nhầm lẫn khi gọi đây là 1 sáng kiến do Trung Quốc đứng đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Bilahari Kausikan, đại sứ lưu động, cố vấn chính sách tại Bộ Ngoại giao Singapore, đây là sáng kiến được dẫn dắt bởi 10 nước thành viên ASEAN với dự định gộp chung tất cả các hiệp định tự do thương mại mà ASEAN đang có với 6 nước khác. Tất nhiên 1 trong số đó là Trung Quốc, nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand là đồng minh của Mỹ. Nước còn lại là Ấn Độ.

Một số người còn nghĩ đến viễn cảnh TPP và RCEP gộp chung thành một, khi mà 2 “tổ hợp” này có chung nhau tới 7 thành viên. Nhưng RCEP không được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” cho các hiệp định tự do thương mại như TPP.

Còn rất nhiều việc phải làm để TPP có thể sống lại. Trước tiên, 11 nước còn lại phải tìm ra tiếng nói để đối mặt với 1 vấn đề là thỏa thuận được thông qua năm 2015 là sự đồng thuận của 12 chứ không phải 11 thành viên. Trong Bên cạnh đó, đối với một số người, vẫn còn niềm hi vọng là nội các tương lai ở Washington (sau khi nhận thấy uy tín của Mỹ bị ảnh hưởng bởi việc rút khỏi TPP) sẽ quan tâm trở lại đến châu Á.

Ở thời điểm hiện tại, các nước có thể tự an ủi bản thân rằng nếu như không có sức ép của Mỹ trong những vòng đàm phán ban đầu thì sẽ chẳng có thỏa thuận nào để họ cố gắng làm sống lại.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên