"Thế giới bên kia' của những chiếc smartphone bị vứt bỏ ngoài bãi rác
Những chiếc smartphone mà con người sử dụng ngày nay sẽ có số phận ra sao sau khi bị vứt bỏ?
Lỗi thời hoặc bị hỏng hóc, hàng vạn chiếc smartphone đã bị con người vứt bỏ mỗi năm. Cụ thể, chúng sẽ được xử lý ra sao sau khi kết thúc một vòng đời?
Kho báu ẩn giấu bên trong những smartphone bị vứt ngoài bãi rác
Điện thoại thông minh chứa rất nhiều các loại vật liệu có thể tái chế. Lượng vàng bạc ẩn, các nguyên liệu đất hiếm, hoặc kim loại có bên trong phế thải điện thoại chiếm số lượng không hề nhỏ, tương đương với 1/3 lượng nguyên liệu mà các công ty điện thoại phải sử dụng hàng năm.
Chẳng hạn, một chiếc iPhone có chứa khoảng 0,034 g vàng, 0,34 g bạc, 0,015 g palladium, gần 1/1.000 g bạch kim (platinum) và một vài kim loại thông dụng khác như nhôm (25 g) và đồng (15 g). Đó là chưa kể đến nhựa, kính và một số phần tử đất hiếm như yttrium, lanthanum, terbium, neodymium, gadolinium và praseodymium.
Với 1 triệu chiếc iPhone cũ nát được thu hồi và tái chế, chúng ta sẽ thu về tới 16 tấn đồng, 350 kg bạc, 34 kg vàng và 15 kg palladium - một con số thật sự đáng kể.
Bên cạnh đó, hàm lượng vàng và bạc chứa trong smartphone cao hơn rất nhiều so với quặng thô. Theo tính toán, 1 tấn iPhone cũ có chứa hàm lượng vàng cao hơn 300 lần so với hàm lượng vàng chứa trong 1 tấn quặng vàng thô và 6,5 lần so với 1 tấn quặng bạc thô.
Rác thải smartphone chứa bên trong lượng vật liệu đầy giá trị.
Chính vì vậy, tái chế và tận dụng nguồn phế thải smartphone là điều tất yếu mà mọi tổ chức đều nghĩ tới. Thông thường, có những cách khác nhau để xử lý loại rác thải giá trị này.
Cách thứ nhất, các công ty smartphone trực tiếp thu gom đồ hỏng từ người tiêu dùng. Họ tự lập ra các nhà máy tái chế công nghệ cao, thân thiện với môi trường để thu hồi lại nguồn nguyên liệu. Mặt khác, các công ty cho sửa sang lại những chiếc smartphone chưa bị hỏng nặng, dồn chúng thành các bộ sưu tầm và bán lại cho khách hàng có nhu cầu mua.
Cách thứ hai là xử lý chất thải hỗn hợp. Các smartphone cũ bị tập trung vào các khu phân loại và tiêu hủy rác thải số lượng lớn. Tại đây, chúng bị thiêu hủy thẳng tay như các loại rác thải kém lợi ích khác.
Cách thứ ba, rác thải smartphone sẽ được các tổ chức ngầm thu gom không chính thức trước khi bán chúng sang các nước đang phát triển.
Hầu hết việc tái chế rác thải smartphone sẽ diễn ra tại các nước đang phát triển.
Sự thật về quá trình tái chế
Có những cách thức tái chế rác thải smartphone phổ biến nói trên nhưng thực tế gần 80 % lượng rác được xử lý theo cách thứ ba, thu gom và bán sang các nước đang phát triển. Nguyên nhân vì sao?
Về lí thuyết, các hãng sản xuất smartphone đều rất mong muốn thu hồi phần nào lượng nguyên liệu để tái sử dụng cho việc chế tạo các sản phẩm mới. Tuy nhiên, để có thể thực hiện chuẩn mực công việc tái chế, họ cần phải duy trì được các xưởng tái chế đòi hỏi công nghệ cao và mức đầu tư lớn.
Nhân công làm việc trong các xưởng này phải chấp nhận điều kiện làm việc độc hại trong suốt quá trình thiêu đốt rác thải. Nhân công các nước phát triển thường rất coi trọng vấn đề sức khỏe và ô nhiễm môi trường. Hoặc nếu đồng ý nhận công việc, họ cũng sẽ đòi hỏi một mức lương rất cao để bù đắp cho những thiệt hại về sức khỏe.
Các nhân công tại các nước đang phát triển lại sẵn sàng làm việc trong môi trường độc hại để kiếm thêm thu nhập.
Mặt khác, cách thức xử lý rác thải hỗn hợp lại là một sự lãng phí nguồn tài nguyên bên trong các smartphone cũ. Với những lí do như vậy, các tổ chức sẽ chọn giải pháp thu gom không chính thức, bán lại nguồn rác điện tử sang các nước đang phát triển, để lực lượng nhân công giá rẻ bậc thấp tại các quốc gia đó tái chế và cân nhắc mua lại nguồn vật liệu sau khi đã được sàng lọc.
Xét về lợi ích tài chính, các bên đều cùng có lợi theo cách thức này. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường và nhiều hậu quả nghiêm trọng về con người đang gây ảnh hưởng lên các quốc gia nhận tái chế.
Trí thức trẻ