Thế giới chưa hết vui mừng với thỏa thuận khí hậu lịch sử, các sếp lớn ngành dầu mỏ dội gáo nước lạnh: Từ bỏ nhiên liệu hóa thạch là chuyện "viễn tưởng"
Bất chấp thỏa thuận khí hậu toàn cầu mang tính lịch sử, nhu cầu về dầu vẫn đang bùng nổ.
- 01-04-2024Huyền thoại đầu tư Warren Buffett: Đây là cổ phiếu vượt trội hơn cả S&P 500, ít rủi ro vì có 'hệ thống chống cháy' khổng lồ
- 01-04-2024Cánh đồng lầy lội trở thành nhà máy Intel: Đối thủ của Việt Nam trong ngành bán dẫn có sức hút thế nào?
- 01-04-2024Hàn Quốc chi gần 100 tỷ USD xây tàu điện ngầm cao tốc để tránh nguy cơ... “tuyệt tự giống nòi”
Khi các quốc gia đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào mùa thu năm ngoái, đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ lúc bấy giờ là John F. Kerry đã rất phấn khởi.
“Chúng ta đang rời xa nhiên liệu hóa thạch – và chúng ta sẽ không quay lại,” ông Kerry tuyên bố tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc ở Dubai.
Nhưng một số công ty dầu khí lớn nhất thế giới tỏ ra không đồng tình. Tại một hội nghị năng lượng diễn ra vào giữa tháng trước tại Houston, các sếp ông lớn trong ngành đã có quan điểm khác hẳn khi dự đoán rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục cung cấp năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Amin Nasser, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty dầu khí tích hợp lớn nhất thế giới là Saudi Aramco, nói: “Chúng ta nên bỏ ngay ảo tưởng xóa sổ dần dầu khí”.
Wael Sawan – CEO công ty kinh doanh LNG lớn nhất thế giới là Shell, cho rằng “sẽ có một hệ thống năng lượng đa chiều trong tương lai, và dầu khí sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định hệ thống đó trong một thời gian rất, rất lâu nữa”.
Còn Patrick Pouyanné – CEO tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp, cho biết ông “khá hài lòng” rằng thỏa thuận tại Dubai đã công nhận “rằng chúng ta cần một số nhiên liệu chuyển tiếp và khí đốt là một trong số đó”.
Không có gì ngạc nhiên khi các sếp ông lớn ngành dầu mỏ tiếp đề cao vai trò của nhiên liệu hóa thạch này, ngay cả khi thế giới chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn để chống biến đổi khí hậu. Nhưng nhận xét của họ đem đến một thực tế khó chịu đối với những nhà hoạt động chống biến khí hậu và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu, đó là nhu cầu về dầu liên tục tăng.
Tuyên bố của các lãnh đạo trong ngành được củng cố bởi sản lượng dầu khí kỷ lục và sự nghi ngờ của người tiêu dùng đối với việc mua xe điện. Đồng thời, các công ty điện lực đang gấp rút bổ sung thêm khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ từ các trung tâm dữ liệu vốn rất tốn điện.
Các quan chức khí hậu hàng đầu của Tổng thống Biden phải đối mặt với một thực tế khó chịu khác: Mỹ hiện đang bơm nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt trung bình 12,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, phá kỷ lục trước đó là 12,3 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019.
Big Oil và các nhà đầu tư đang gặt hái thành quả. ExxonMobil và Chevron, hai công ty năng lượng lớn nhất của Mỹ, đã báo cáo lợi nhuận hàng năm cao kỷ lục trong một thập kỷ vào năm ngoái. Exxon thu về 36 tỷ USD, trong khi Chevron thu về 21,4 tỷ USD.
CEO Nasser dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới 104 triệu thùng/ngày trong năm nay, bất chấp sự tăng trưởng của xe điện, năng lượng gió và mặt trời. Ông bác bỏ dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế rằng mức tiêu thụ dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030.
Sultan Al Jaber, giám đốc điều hành công dầu khí quốc gia Adnoc, cho biết đã có nhiều ý kiến thừa nhận rằng thế giới không thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch chỉ sau một đêm.
Al Jaber nói với CERAWeek: “Chúng ta đang chứng kiến với hơn 260 triệu thùng dầu, khí đốt và than đá được tiêu thụ mỗi ngày. Vì thế, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất rất nhiều thời gian”.
Thỏa thuận ở Dubai đặc biệt kêu gọi thế giới “chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng” để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng David Victor, giáo sư chính sách công tại Đại học California ở San Diego, cho biết thỏa thuận vẫn chưa được giải quyết một số chi tiết quan trọng.
Victor nói: “Đó là về việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và mọi người đều biết điều đó, nhưng họ không biết lộ trình ra sao hay ai sẽ thực hiện việc chuyển đổi. Đó có phải là các công ty dầu mỏ hay các công ty khác không? Đó là những câu hỏi thực sự và không câu hỏi nào trong số này được giải quyết”.
Ngoài việc từ chối nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, ngành dầu mỏ còn tích cực chống lại những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy doanh số bán xe điện.
Viện Dầu khí Hoa Kỳ, cơ quan vận động hành lang hàng đầu của ngành dầu mỏ, đã lên kế hoạch khởi kiện quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường yêu cầu các nhà sản xuất ô tô tăng cường bán ô tô điện và xe hybrid.
Mike Sommers, giám đốc điều hành của viện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn quy định này.
Theo Washington Post
Nhịp Sống Thị Trường