Hàn Quốc chi gần 100 tỷ USD xây tàu điện ngầm cao tốc để tránh nguy cơ... “tuyệt tự giống nòi”
Mạnh tay đầu tư gần 100 tỷ USD, Hàn Quốc kỳ vọng “siêu công trình” này sẽ góp phần giúp giải quyết vấn đề nan giải trong nhiều năm qua.
- 01-04-2024Vận chuyển 1/5 số container toàn cầu, doang nghiệp 120 năm tuổi đang liên tiếp gặp “vận hạn”: Liệu gã khổng lồ có thể vượt bão ngoạn mục?
- 01-04-2024Tuần đầu tiên quý 2, toàn bộ thị trường đổ dồn chú ý vào báo cáo việc làm tháng 3: Đà tăng của TTCK và nền kinh tế Mỹ còn tùy thuộc vào kết quả này
- 31-03-2024'Bài toán khó' của Bắc Kinh: Thu hút các nhà đầu tư Mỹ, đồng thời làm suy yếu sức mạnh của Washington
"Siêu công trình" này là dự án tàu điện ngầm cao tốc Great Train eXpress (GTX). Theo Reuters đưa tin, ngày 29/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã khánh thành đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc nối liền khu Suseo (Seoul) với thành phố vệ tinh Dongtan. Tuyến đường này giúp cắt giảm thời gian di chuyển bằng xe buýt từ 80 phút xuống còn 19 phút.
Tuyến cao tốc này thuộc dự án GTX, với trị giá 99,5 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Dự án có 6 tuyến tàu nối thủ đô Seoul với những khu vực ngoại ô ở Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc cho biết, tuyến cao tốc này sẽ giúp quãng đường đi làm ngắn hơn và sẽ giúp người trẻ Hàn có nhiều thời gian hơn cho gia đình vào buổi sáng và buổi tối.
Tuyến tàu điện ngầm cao tốc này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/3. Dự án GTX sẽ là một trong những hệ thống tàu điện ngầm nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ của các tàu lên tới 180 km/h.
Dự án gần 100 tỷ USD được kỳ vọng giúp Hàn Quốc giải quyết bài toán gì?
Theo các chuyên gia, việc sở hữu một ngôi nhà ở Hàn Quốc rất tốn kém. Giá nhà ở Hàn Quốc năm 2021 từng tăng tới 45% sau 5 năm. Các nhà phân tích cho rằng, bất động sản ở Hàn Quốc rất đắt đỏ, đặc biệt là ở Seoul. Giá bất động sản bị thổi phồng so với giá trị thực tại thành phố này được đánh giá là tồi tệ hơn so với bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào. Do đó, đây là một trở ngại đối với nhiều người trẻ ở đất nước này, khiến họ vừa phải đi lại mất thời gian vừa lo ngại về chuyện lập gia đình, sinh con.
Ông Park Sang Woo, Bộ trưởng Đất đai Hàn Quốc cho biết, dự án GTX sẽ cho phép những người trẻ tuổi của nước này cân nhắc về việc mua nhà ở xa thủ đô Seooul mà lại không cần phải mất tới hàng giờ để đi lại mỗi ngày. Từ đó, việc này còn thúc đẩy những người trẻ lập gia đình và sinh con, góp phần cải thiện về tình trạng tỷ lệ sinh thấp tại Hàn Quốc.
"Chẳng hạn, với quãng đường đi làm kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ trên đường về nhà thì làm sao họ có thể dành thời gian cho con nhỏ? Dự án GTX là giúp mọi người có nhiều thời gian thư giãn hơn sau giờ làm việc", ông Park Sang Woo nói thêm.
Trên thực tế, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới và giới trẻ tại quốc gia này thường coi việc đi lại xa và nhà ở chật chội, đắt đỏ tại Seoul, nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số, là những lý do chính khiến họ không kết hôn hôn và sinh con.
Đặc biệt, tỷ lệ sinh tại thủ đô Seoul thậm chí còn thấp hơn so với mức trung bình toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng tăng tỷ lệ sinh thông qua trợ cấp, nhưng không mấy thành công.
Tỷ lệ sinh quá thấp dẫn tới cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học tại Hàn Quốc và trở thành rủi ro hàng đầu với nền kinh tế, hệ thống phúc lợi xã hội và an ninh tại quốc gia này. Vấn đề nan giải này buộc giới chức Hàn Quốc phải tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia. Theo dự báo của các chuyên gia, nếu xu hướng này vẫn tiếp tục kéo dài, Hàn Quốc sẽ bị giảm một nửa dân số vào cuối thể kỷ 21.
Trong khi Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng dự án này góp phần vào việc bảo vệ giống nòi, thì một số nhà phân tích lại cho rằng, dự án tàu điện ngầm cao tốc GTX trị giá gần 100 tỷ USD có thể góp phần làm suy thoái các vùng nông thôn ở Hàn Quốc, bằng cách thu hút thêm nhiều người đến thủ đô vốn đã quá đông đúc.
Ông Kim Jin Yoo, GS Quy hoạch Đô thị và Kỹ thuật Giao thông tại ĐH Kyonggi, nhận định: "Để hồi sinh những khu vực đang đối mặt với "nguy cơ tuyệt chủng", điều quan trọng nhất là phải phát triển được hạ tầng công cộng tương xứng tại những khu vực đó, thay vì việc chỉ chú trọng vào vùng thủ đô".
Trước đó, vào ngày 28/2, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc đã công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ ở Hàn Quốc giảm từ 0,78 vào năm 2022 xuống mức thấp kỷ lục là 0,72 năm 2023. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc bị suy giảm. Từ năm 2006, Hàn Quốc đã chi tới hơn 286 tỷ USD cho công tác khuyến sinh, nhưng vẫn không thể đảo ngược được xu hướng không sinh con tại quốc gia này.
Việc có chênh lệch lớn về mức lương theo giới tính cũng là một trong những trở ngại khiến phụ nữ ngại kết hôn hoặc đã lập gia đình nhưng trì hoãn sinh con.
GS Jung Jae Hoon tại ĐH Phụ nữ Seoul chia sẻ: "Những người phụ nữ thường không thể dựa vào kinh nghiệm để thăng tiến, bởi họ thường xuyên là người duy nhất chăm sóc con cái cũng như cần có thời gian để tái hòa nhập lực lượng lao động sau một thời gian nghỉ phép dài".
Với những áp lực trong phát triển sự nghiệp, gánh nặng về tài chính cùng sự bất bình đẳng giới khi nuôi dạy con cái là những nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ tại Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân và không sinh con.
Bài viết tham khảo nguồn: Reuters, AFP
Đời sống pháp luật