Thế giới đang "nín thở" chờ hành động của hai người này
Trong tuần này, Fed và BOJ, Chủ tịch Janet Yellen và Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ là hai nhân vật chính. Sau đây là 3 điều cần biết trước khi 2 cuộc họp quan trọng diễn ra.
- 19-09-2016Trước thềm cuộc họp của Fed, các quỹ đua nhau bán vàng
- 16-09-2016Donald Trump: Tổng thống Obama đã ép Fed giữ lãi suất thấp
- 16-09-2016Cựu Chủ tịch Fed lo nước Mỹ bị "nhấn chìm" bởi những thứ điên rồ
1.S&P 500 đang ở đâu?
S&P 500 – chỉ số chứng khoán được theo dõi nhiều nhất trên thế giới sau 43 ngày "ngủ mơ" đã thức tỉnh với 3 ngày giao dịch biến động trên 1% trong tuần trước. Sang đến tuần này, thị trường bắt đầu nín thở chờ hành động của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và NHTW Nhật Bản (BOJ). Chỉ số S&P 500 về cơ bản là đi ngang – giảm 0,04% xuống 2139,12 điểm.
Nếu Fed tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất nhưng không đưa ra những đánh giá tiêu cực về nền kinh tế, thị trường chứng khoán có thể sẽ giữ được thế ổn định cho đến mùa báo cáo lợi nhuận quý III vào tháng 10.
2.Thị trường trái phiếu
Trong tuần trước, lợi suất trái phiếu tại nhiều nền kinh tế phát triển đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi Anh quyết định rời khỏi EU. Nghi vấn xung quanh khả năng duy trì kế hoạch kích thích của NHTW đã đẩy tăng lợi suất trên thị trường trái phiếu
Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tại Anh, Mỹ và Nhật Bản đã tăng 20 đến 30 điểm cơ bản, lợi suất trái phiếu Đức chuyển từ âm sang dương, các nhà phân tích tại Bank of America Merrill Lynch và JPMorgan đều đồng thuận cho rằng thị trường trái phiếu dài hạn có vẻ như đang quay trở lại giai đoạn trước khi sự kiện taper tantrum xảy ra năm 2013.
Vào mùa xuân năm 2013, chủ tịch Fed khi đó là ông Ben Bernanke nói rằng Fed có thể sẽ kết thúc gói nới lỏng định lượng QE3, lo sợ nền kinh tế Mỹ sẽ gặp bất ổn ngay khi QE3 bị đóng lại, nhà đầu tư đồng loạt bán ra trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt. Người ta gọi hiện tượng đó là taper tantrum.
3.BOJ sẽ làm gì?
Fed và BOJ sẽ thi nhau tỏa sáng trong ngày thứ tư tuần này khi mà cả hai ngân hàng lớn nhất nhì mỗi khu vực đưa ra quyết định cuối cùng về chính sách tiền tệ.
Trong khi khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp ngày mai là rất yếu ớt sau khi Mỹ đưa ra một bộ số liệu kinh tế không mấy tích cực, nhà đầu tư vẫn chưa nắm bắt được quyết định của ông Haruhiko Kuroda - Thống đốc NHTW Nhật Bản sẽ là gì.
Theo kế hoạch, ông Kuroda sẽ công bố kết quả bài khảo sát về chính sách tiền tệ được NHTW Nhật Bản (BOJ) thực hiện kể từ khi chương trình Abenomics bắt đầu.
Tuần trước, tờ Nikkei nhận định chính sách lãi suất âm sẽ là trọng tâm của chương trình nới lỏng tiền tệ trong tương lai. Trước đó, BOJ đã xem xét cắt giảm mua vào trái phiếu chính phủ thời hạn trên 25 năm.
Các nhà phân tích cho biết chính sách cắt giảm mua vào trái phiếu kỳ hạn dài giúp nâng độ dốc của đường cong lãi suất - một nỗ lực nhằm làm giảm chi phí cắt giảm lãi suất sâu hơn.
Lãi suất âm thường "ăn" vào lợi nhuận của các NHTM, tuy nhiên một đường cong lãi suất dốc hơn sẽ hạn chế thiệt hại xảy ra bằng cách cho phép các ngân hàng vay tiền rẻ và cho vay với lãi suất cao.