Thế giới Di động (MWG) giảm 8.000 tỷ hàng tồn kho, tăng tiền gửi lên cao gấp 3 lần với 10.598 tỷ đồng
Trong kỳ, MWG tăng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (thường là tiền gửi ngân hàng thời hạn từ 3 tháng đến 1 năm, lãi suất dao động từ 6%-8,65%) lên cao gấp 3 lần, đạt 10.598 tỷ đồng. Thu nhập tài chính từ lãi tiền gửi trong kỳ cũng tăng hơn 52% lên 372 tỷ đồng.
Ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý 3/2020 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm mạnh khoảng 8.000 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền kinh doanh tăng lên 10.500 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần đầu kỳ. MWG cũng tăng khoản tiền gửi ngắn hạn.
Cụ thể, số dư hàng tồn tính đến thời điểm 30/9/2020 của MWG đang vào mức 17.515 tỷ đồng, con số đầu kỳ lên đến 25.745 tỷ đồng. Trong đó, đà giảm chủ yếu nằm tại thiết bị điện tử, giảm phân nửa từ mức 11.232 tỷ xuống còn 6.557 tỷ đồng, điện thoại di động giảm từ mức 7.227 tỷ về 4.017,5 tỷ đồng, phụ kiện cũng giảm hơn 25% trong kỳ.
Tương ứng, cơ cấu hàng tồn của Công ty thay đổi đáng kể. Trong đó, thiết bị điện tử từ tỷ trọng 43% hiện giảm về mức 36%, điện thoại di động cũng giảm từ mức 28% về 22% tổng hàng tồn.
Được biết, kinh doanh trong ngành điện tử, điện thoại di động, hàng tồn kho là yếu tố được quan tâm trên BCTC của các doanh nghiệp, tỷ trọng đâu đó 30-35% tổng tài sản. Thậm chí những dịp cao điểm như Tết, hàng tồn có thể tăng mạnh lên chiếm gần nửa tổng tài sản doanh nghiệp.
Hàng tồn cũng cho thấy sức khoẻ kinh doanh của doanh nghiệp điện tử điện máy. Với đặc điểm vòng đời ngắn, doanh nghiệp càng đẩy nhanh việc luân chuyển hàng tồn thiết bị điện tử, điện thoại di động đồng nghĩa với việc quản lý tốt tài sản, giảm thiểu được chi phí cũng như việc bán hàng khả quan.
Từng chia sẻ với nhà đầu tư về hàng tồn kho, đại diện MWG cho biết rằng thường tồn kho sẽ tăng nhanh theo yếu tố mùa vụ. Hầu hết các doanh nghiệp xuất thương mại thường dùng nợ ngắn hạn để tài trợ một phần cho hàng tồn kho, MWG không ngoại lệ. Ghi nhận, không gia tăng hàng tồn, 9 tháng đầu năm nay dư nợ vay ngắn hạn của MWG được tiết giảm tương đối, từ 13.031 tỷ xuống còn 11.880 tỷ.
Nhìn chung, đây là động thái điều chỉnh đáng chú ý của MWG trước áp lực dịch Covid-19 đang gây thêm lên ngành hàng điện thoại, giữa bối cảnh thị trường này cũng không còn tăng trưởng vài năm trở lại đây. Mặt khác, cuối tháng 6 năm nay, MWG cũng chính thức đóng cửa chuỗi Điện thoại Siêu rẻ do không hiệu quả. Việc thu hồi các khoản đầu tư cũng như tái cấu trúc tài sản mang về khoảng tiền "để dành" lớn cho MWG.
Trong kỳ, Công ty tăng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (thường là tiền gửi ngân hàng thời hạn từ 3 tháng đến 1 năm, lãi suất dao động từ 6%-8,65%) lên cao gấp 3 lần, đạt 10.598 tỷ đồng. Thu nhập tài chính từ lãi tiền gửi trong kỳ cũng tăng hơn 52% lên 372 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất 81.352 tỷ đồng (tăng 6%), lợi nhuận sau thuế là 2.978 tỷ đồng (tăng 0,05%). Từ sau dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3 đến nay, đây là lần đầu tiên MWG ghi nhận mức tăng trưởng LNST lũy kế dương so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả này, Công ty đã thực hiện 74% kế hoạch doanh thu và 86% kế hoạch LNST cả năm 2020.
Trong đó, mảng điện thoại iếp tục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lũy kế âm. Ngược lại, mảng thực phẩm và FMCGs đang trên đà tăng trưởng mạnh, và trở thành đà kéo tăng trưởng cho doanh nghiệp kể từ đầu năm. Dịch bệnh bùng phát, nhu cầu hàng thiết yếu không những hiện hữu mà thậm chí tăng cao, đẩy doanh thu chuỗi Bách Hoá Xanh tăng 112% sau 9 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu Bách Hoá Xanh hiện đã đóng góp đến 19% tổng doanh thu MWG, đạt 15.000 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ