MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới lo lắng khi nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất dừng xuất khẩu

31-05-2021 - 08:41 AM | Tài chính quốc tế

Thế giới lo lắng khi nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất dừng xuất khẩu

Khi Uddhab Gautam tiêm liều vắc xin đầu tiên hồi tháng 2, số bệnh nhân COVID-19 ở Nepal khá thấp. Giờ đây, sau ba tháng, số ca nhiễm ở quốc gia Himalaya này đã vượt tầm kiểm soát. Nepal thiếu giường bệnh và ôxy, và phần lớn quốc gia bị phong tỏa.

Dù lo ngại hai mũi tiêm cách nhau quá xa, Gautam, chủ ngân hàng đã nghỉ hưu ở thủ đô Kathmandu, không biết khi nào ông có liều Covishield thứ hai.

Covishield là loại vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất.

"Tôi già rồi, sợ nhiễm nên toàn ở nhà," ông Gautam, 67 tuổi, nói với CNN. Gautam đang ở tình trạng giống như hàng triệu người trên khắp thế giới: Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 leo thang ở Ấn Độ, SII - nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất thế giới - đã dừng xuất khẩu từ tháng 3.

Thế giới lo lắng khi nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất dừng xuất khẩu - Ảnh 1.

Các nhân viên quân đội Nepal đưa thi thể một người chết vì COVID-19 đến lò hỏa táng ở Kathmandu, ngày 5/5/2021.

Tuần trước, SII cho biết họ sẽ không khởi động lại việc giao hàng cho COVAX trước cuối năm nay. COVAX là một cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin công bằng và hiệu quả.

Trong khi quyết định của SII sẽ là cứu cánh cho Ấn Độ, quốc gia đang ghi nhận khoảng 200.000 ca bệnh mới mỗi ngày, nó đặt ra một vấn đề lớn cho các nước đang phát triển phụ thuộc vào COVAX để kiểm soát các đợt bùng phát lớn.

Theo số liệu của Bloomberg, mới chỉ hơn 1,81 tỷ liều vắc xin được tiêm, tương đương 11,8% dân số thế giới được tiêm đầy đủ.

Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), một trong những đối tác trong COVAX, nói không biết khi nào tình trạng này được giải quyết.

Đây là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ đối với các quốc gia có dịch bùng phát nhưng ít có khả năng tiếp cận vắc xin, mà còn đối với toàn thế giới.

"Chúng tôi lo ngại tình trạng dịch bệnh tai hại ở Ấn Độ…Cái giá mà trẻ em và các gia đình phải hứng chịu sẽ không thể đo đếm được", Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF nói.

Năm ngoái, SII - đơn vị sản xuất Covishield, tên gọi của vắc xin AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ - hứa cung cấp 200 triệu liều cho COVAX.

Dữ liệu từ Gavi, cơ quan y tế công-tư toàn cầu và là một trong những đối tác chủ chốt trong COVAX, cho biết theo kế hoạch hơn 111 triệu liều được phân phối từ tháng 2 đến tháng 5 năm nay, chủ yếu đến các quốc gia ở châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng tính đến giữa tuần này, chỉ có 30 triệu liều SII được phân phối qua COVAX.

Vì sao vắc xin COVAX bị giao chậm?

Theo UNICEF, sự chậm trễ của SII là nguyên nhân chính khiến công tác phân phối vắc xin qua COVAX bị chậm tiến độ. Chủ nghĩa dân tộc trong vắc xin, năng lực sản xuất hạn chế và thiếu kinh phí là các nguyên nhân khác.

Lẽ ra COVAX đã phân phối xong 170 triệu liều. Nhưng tính đến giữa tuần này, sáng kiến chỉ cung cấp được 71 triệu liều tới 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 42% đến từ SII và 56% từ AstraZeneca, theo dữ liệu của Gavi.

SII bắt đầu phân phối vắc xin ra nước ngoài từ đầu năm nay, khi số ca bệnh ở Ấn Độ giảm trong khi các quốc gia khác "khao khát được hỗ trợ", Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của SII cho biết.

Nhưng khi số ca bệnh ở Ấn Độ vút lên, SII đã giữ nguồn cung ở lại Ấn Độ bởi nhu cầu tăng quá nhanh. Chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ thông tin báo chí rằng họ cấm xuất khẩu vắc xin.

Tính đến thứ Ba tuần này, mới chỉ 3% trên tổng 1,4 tỷ dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ.

"Chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và ưu tiên Ấn Độ. Chúng tôi hy vọng sẽ nối lại việc giao hàng cho COVAX và các quốc gia (ngoài Ấn Độ) từ cuối năm nay", ông Poonwalla nói.

Người phát ngôn của Gavi cho biết Gavi đang liên hệ chặt chẽ với SII và chính phủ Ấn Độ, và hy vọng việc giao hàng có thể tiếp tục từ công suất nhỏ hơn trong quý 3 năm nay.

Thế giới lo lắng khi nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất dừng xuất khẩu - Ảnh 2.

Một nam thanh niên được tiêm vắc xin Covid-19 ở Guwahati, Ấn Độ, ngày 8/5/2021.


Các nước đang phát triển "ngồi trên lửa" 

Các quốc gia ở châu Phi đang lo ngại họ có thể trở thành "Ấn Độ thứ hai" khi nguồn cung vắc xin cạn kiệt. 

Còn ở Nepal, dọc biên giới nước này, nơi các ca COVID-19 và số ca tử vong đang tăng vọt, thông báo của SII khiến các nhà chức trách đau đầu. Nước này mới tiêm chủng đầy đủ 1,9% dân số và gần như đã hết vắc xin.

Nepal hiện ghi nhận hơn 500.000 ca bệnh và 6.700 ca tử vong. Nhưng Nepal có tỷ lệ dương tính trên tổng xét nghiệm cao thứ ba trên thế giới - khoảng 40% xét nghiệm cho kết quả dương tính. Con số này cũng cho thấy khả năng có nhiều ca bệnh không được phát hiện.

Người phát ngôn của Bộ Y tế và Dân số Nepal, Tiến sĩ Jageshwor Gautam, cho biết tuần trước: "Cả nước chỉ có khoảng 50.000 đến 60.000 liều Covishield của SII được lưu trữ cho mục đích khẩn cấp".

Bộ trưởng Y tế Nepal Hridayesh Tripathi nói Nepal dự kiến sử dụng chúng trong vài ngày tới để tiêm liều thứ hai cho người cao tuổi.

Quốc gia này đã hy vọng nhận được thêm 1 triệu vắc xin vào cuối tháng 4, nhưng con số này đã không cập bến. Tổng cộng, Nepal chỉ nhận được 348.000 liều trong số 1,9 triệu liều AstraZeneca được phân bổ qua COVAX.

Theo Bộ trưởng Tripathi, COVAX ban đầu hứa 14,8 triệu liều - đủ cho khoảng 1/4 dân số nước này.

Hàng triệu người Nepal đã không được tiêm liều nào và 1,5 triệu người - hầu hết 65 tuổi hoặc hơn - đã nhận được một liều vắc xin, nhưng vẫn chưa nhận được liều hai, vì vậy họ lo ngại không biết khả năng miễn dịch của họ sẽ kéo dài bao lâu.

Durga Kaumari Paudel, 66 tuổi, một bà nội trợ sống cùng chồng và con trai ở Kathmandu, cho biết: "Tôi không nghe thấy thông tin gì về liều tiếp theo kể từ liều đầu tiên. Một trong những người hàng xóm của tôi ra đi trong tháng này vì COVID-19 khiến tôi thêm lo lắng".

Paudel sợ đến mức không bước ra khỏi nhà một tháng nay.

Thế giới lo lắng khi nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất dừng xuất khẩu - Ảnh 3.

Một nhân viên y tế được tiêm Covishield, vắc-xin của AstraZeneca-Oxford do SII sản xuất, tại Bệnh viện Patan gần Kathmandu, Nepal, ngày 27/1/2021.


Số ca bệnh đang tăng vọt ở Nepal, gây lo ngại dịch bệnh ở nước này sẽ leo thang giống Ấn Độ.

Theo Bộ trưởng Tripathi, Nepal đang đàm phán với một số quốc gia để có vắc xin. Ông cho biết ông đã nói chuyện với các quan chức từ Mỹ, Anh và các quốc gia khác về vắc xin AstraZeneca, và gửi thư cho các bộ trưởng y tế của Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga thứ Tư vừa rồi để cập nhật nhu cầu của Nepal. "Chúng tôi sẽ sớm nhận được vắc xin cần thiết. Tôi tin là thế", ông nói.

Nepal không phải trường hợp duy nhất. Bangladesh dự kiến nhận được hơn 10 triệu liều Covishield vào cuối tháng 5, theo phân bổ của Gavi. Nhưng chưa rõ số vắc xin này đã đến nơi chưa.

Bangladesh hiện đã hết vắc xin, theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC). Đất nước này mới chỉ tiêm chủng đầy đủ 2,4% trên tổng 164 triệu dân và các ca bệnh dường như đang gia tăng trở lại.

Sau đề nghị của Bangladesh, Trung Quốc mới đây tặng thêm cho nước này 600.000 liều vắc xin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Dhaka cho biết. Papua New Guinea, Sri Lanka và Campuchia cũng đang mong đợi vắc xin Covishield, và tất cả đều đang có số ca tăng đột biến.

Theo IFRC, "đa phần" các nước châu Á đang phải vật lộn với tình trạng thiếu vắc xin.

Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IRFC cho biết: "Châu Á hiện là tâm chấn của đại dịch toàn cầu. Dịch bệnh đang cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng mỗi tuần và vắc xin phải có sẵn để ngăn chặn những thiệt hại khủng khiếp về con người trong những tuần và tháng tới".

Ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu

COVAX chông chênh không chỉ là vấn đề đối với các quốc gia ở Châu Á mà còn là khó khăn của toàn thế giới.

"Chúng tôi đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không được tiếp cận công bằng với vắc xin, chẩn đoán và điều trị", ông Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, nói.

"Virus tiếp tục lây lan nhưng không được kiểm soát. Tình trạng này càng để lâu thì nguy cơ xuất hiện thêm các biến thể mới có khả năng lây nhiễm và nguy hiểm hơn càng lớn".

Tháng này, COVAX, đồng lãnh đạo của Liên minh Sáng kiến Ứng phó dịch (CEPI), đã thành lập một nhóm đặc nhiệm sản xuất COVAX để giải quyết các thách thức về nguồn cung, ví dụ vấn đề thiếu nguyên liệu.

Bất bình đẳng về vắc xin

Người phát ngôn của Gavi cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu của tổ chức này hiện nay là làm việc với các chính phủ có nguồn cung lớn nhất để có thêm nguồn vắc xin thông qua COVAX.

"Mục tiêu là để giải quyết tức thì tình trạng gián đoạn nguồn cung ngắn hạn này". Gavi không nói những nước họ nói chuyện là nước nào.

Nhưng, như ông Fore của UNICEF chỉ ra, SII không phải là nơi duy nhất có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu vắc xin.

Chỉ những vắc xin được WHO phê duyệt mới có thể được triển khai thông qua COVAX. Đầu tháng này, WHO đã đưa Sinopharm của Trung Quốc vào danh sách sử dụng khẩn cấp, tức loại vắc xin thứ sáu được phép sử dụng trong COVAX.

Gavi cho biết từ đầu tháng này họ đàm phán với các nhà sản xuất, trong đó có Sinopharm, để có nhiều vắc xin cho COVAX hơn, theo Reuters.

Trong khi một số quốc gia tuyệt vọng vì thiếu vắc xin, những quốc gia khác đang tiêm chủng cho những nhóm người dân ít có khả năng bị tổn thương hơn, ví dụ người trẻ - một tình trạng mà Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, tuần trước đã mô tả là "nạn phân biệt chủng tộc trong vắc xin".

Trong bài phát biểu khai mạc tại Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm thứ Hai vừa rồi, ông lưu ý rằng 10 quốc gia hiện chiếm tới hơn 75% tổng số vắc xin có trên thế giới.

"Cuộc khủng hoảng vắc xin đang diễn ra là một sự bất bình đẳng đầy tai tiếng, khiến đại dịch kéo dài," ông nói.

"Số liều đã được sử dụng trên toàn cầu cho đến nay đủ để cung cấp cho tất cả nhân viên y tế và người lớn tuổi, nếu chúng được phân bổ công bằng. Chúng ta lẽ ra đã có thể ở trong một tình huống tốt hơn nhiều".

UNICEF cho biết trong một email gần đây họ đang kêu gọi các quốc gia có vắc xin dư thừa chia sẻ với phần còn lại của thế giới như một biện pháp thu hẹp khoảng cách ngay tức thì.

IFRC cũng đang kêu gọi các bang ở Mỹ và các công ty dược phẩm tiến hành nhanh chóng việc phân phối vắc xin.

Hơn 1/2 dân số Mỹ, tức khoảng 166 triệu người, đã nhận được ít nhất 1 liều vắc xin, và khoảng 40% dân số đã được tiêu đầy đủ, theo số liệu chính thức của Mỹ.

Chủ tịch IFRC Francesco Rocca cho biết: "Chúng ta không thể sa lầy vào các cuộc đàm phán trong sáu tháng tới. Các chính phủ cần chia sẻ vắc xin, đặc biệt là với các quốc gia đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 mạnh.

Tedros, Tổng giám đốc WHO, kêu gọi các nhà sản xuất trao cho COVAX quyền được mua trước tiên đối với các vắc xin sản xuất tới đây hoặc cam kết cung cấp 50% số vắc xin họ sản xuất cho COVAX trong năm nay.

"Thực tế, một nhóm nhỏ các quốc gia sản xuất và mua được phần lớn vắc xin của thế giới đang kiểm soát số phận phần còn lại của thế giới," ông cảnh báo.

(Theo CNN, Bloomberg, Reuters)

Theo Kim Ngân

Nhà đầu tư

Trở lên trên