Thế giới mất gì khi Huawei mất Google?
Cứ cho là ngay bây giờ lệnh cấm từ phía Mỹ được dỡ bỏ, điều tồi tệ nhất vẫn đã xảy đến với Huawei.
Nhìn vào thị trường smartphone 5 năm qua, chắc chắn bất cứ ai cũng sẽ phải dành những lời khen ngợi cho Huawei: từ một công ty gắn chặt với thị trường nội địa, gã khổng lồ Trung Quốc đã vươn lên trở thành một tên tuổi được biết đến trên phạm vi toàn cầu. Thậm chí, Huawei thậm chí đã có lúc đánh bại Apple để chiếm ngôi vị thứ 2 thế giới về thị phần di động.
Mọi thứ chấm dứt vào tháng 5, khi tổng thống Donald Trump ra lệnh cho các công ty Mỹ phải ngừng hợp tác cùng Huawei. Trong phút chốc, hãng smartphone số 2 thế giới đã mất đi một vũ khí quan trọng giúp họ bớt phụ thuộc vào thị trường quê nhà: Android-của-Google. Cả Google lẫn Huawei đều xác nhận rằng Mate 30 chưa được chứng nhận Google Play Services, buộc công ty Trung Quốc phải lựa chọn giữa Android tự xây dựng (cũng là bản đang dùng tại Trung Quốc) hay HarmonyOS mới ra mắt.
Kể từ nay, smartphone Huawei phải dùng hệ điều hành của Huawei.
Cả 2 đều thua kém Android-của-Google. Mất quyền hợp tác với Google, Huawei mất luôn cả Gmail, Maps, YouTube, Play Store, Search..., những cái tên không thể thiếu được trong cuộc sống số ngày nay.
Lên như vũ bão
Nhưng thực tế là trong suốt 12 năm qua, những ứng dụng/dịch vụ Google này chẳng phải là của riêng Huawei. Đến cả iOS còn có hệ sinh thái Google đầy đủ không thua gì hệ điều hành đối thủ. Huawei vươn lên mạnh mẽ đến vậy là bằng cách mài dũa chính vũ khí đã được Apple và Samsung sử dụng nhằm vươn lên đỉnh cao thế giới: marketing. Cũng như Samsung, Huawei chọc ngoáy Apple với hy vọng được coi đứng cùng một đẳng cấp. Như OPPO và Vivo, Huawei phủ sóng dày đặc các chuỗi bán lẻ, các cửa hàng cửa hiệu đều có quảng cáo Huawei. Cũng lại bắt chước Samsung, Huawei chọn một thành phố Tây Âu để ra mắt sản phẩm, chứ không bó buộc tại quê nhà.
Quan trọng nhất, Huawei biết chọn thông điệp để tung hô. Năm ngoái, cả sự kiện Mate 20 được dành để nói về các tính năng AI, khiến người dùng mang cảm giác rằng đó là một tuyệt phẩm về AI mặc dù rằng những gì Huawei "khoe" là mượn của Microsoft hay "học" từ Apple. Năm nay, mặc dù cảm biến RYYB khiến cho màu sắc sai lệch, gã khổng lồ Trung Quốc vẫn khiến một bộ phận không nhỏ người dùng tin rằng P30 là ông vua ảnh chụp, bỏ xa các đối thủ khác.
Huawei mất Google, thế giới sẽ mất đi công nghệ ảnh chụp đỉnh cao nhất?
Dần dần, người xem bắt đầu bị kéo vào một "thực tại" khác xa với thực tế: muốn điện thoại thông minh là phải mua Mate, muốn chụp ảnh đẹp là chắc chắn phải mua P. Khi có lệnh cấm xảy ra, Huawei thậm chí còn lớn tiếng đe dọa: đừng để chúng tôi từ đồng minh trở thành đối thủ của Android... Cứ như thể, Huawei là thành viên không thể thiếu được của gia đình Android.
Tất cả đã thay đổi
Cũng giống như những thông điệp quảng cáo, lời đe dọa của Huawei chẳng có chút trọng lượng nào cả. Trái lại, như Windows Phone/Mobile, BlackBerry BB10 và cả FireFox OS đã chứng minh, chỉ có một công ty duy nhất nắm quyền sinh sát trong thế giới smartphone , và đó là Google. Không có một chiếc smartphone nào đủ tốt để người dùng Ấn Độ, Việt Nam hay Indonesia lại sẵn sàng chấp nhận sử dụng khi không thể mua ứng dụng từ Google Play hay định tuyến qua Google Maps. Khi lệnh cấm của tổng thống Trump được đưa ra, Huawei đã buộc phải nghĩ đến một tương lai không có Google. Khi Huawei không có Google, người dùng phải nghĩ đến cuộc sống không có Huawei.
Không, Huawei biến mất thì Samsung vẫn có thể đưa ảnh chụp lên tầm cao mới.
Cho đến sát sự kiện vén màn Mate 30 Pro (8h tối nay theo giờ Việt Nam), cuộc sống ấy vẫn tỏ ra hoàn toàn... bình thường. Khi ra mắt vào đầu tháng 8 với điểm số DXOMark lên tới 113, Galaxy Note10 đã chính thức vượt qua P30 Pro và Galaxy S10 (cùng có điểm số 112) để trở thành mẫu smartphone chụp ảnh đẹp nhất thế giới. iPhone 11 Pro mới ra mắt có chế độ Night Mode đẹp ngang ngửa P30 Pro dù không hề chấp nhận những đánh đổi đi kèm cảm biến RYYB . Tức là, vắng Huawei, thế giới vẫn không thiếu smartphone chụp ảnh đẹp.
Vẫn là những con số: hiện tại điểm số sức mạnh của bất kỳ một mẫu smartphone Huawei nào cũng đều thua xa Snapdragon của Qualcomm và Exynos của Samsung. Cách đây vài ngày, tổ chức nghiên cứu IHS Markit cũng đã đưa ra kết luận rằng chip modem Balong 5000 của Huawei "có kích cỡ quá lớn, sử dụng điện năng kém hiệu quả" (lớn hơn 50% so với X50 của Qualcomm và Exynos 5100 của Samsung) nhưng lại không có hiệu năng 5G kém ổn định.
Khi Apple và Qualcomm còn đang vướng vào kiện tụng, Huawei còn lớn tiếng "mời" Apple mua chip 5G về dùng. Giờ thì điện thoại Huawei chắc chắn sẽ thua iPhone về tốc độ kết nối.
Cạnh tranh với đồng hương
Huawei gặp nạn, 3 hãng lớn còn lại của Trung Quốc ngay lập tức lập liên minh...
Trên tất cả, các hãng Trung Quốc còn lại sẽ giúp thế giới quên Huawei đi. Doanh số Huawei phần lớn là do smartphone giá hời làm ra, nhưng OPPO hay Xiaomi giá cũng đều "hời". Khi smartphone Huawei không còn các dịch vụ của Google, người tiêu dùng hạn hẹp chi phí vẫn có thể mua Xiaomi A3, OPPO K3, Vivo V17 và tận hưởng một hệ sinh thái Google đầy đủ.
Thế nên, cuối cùng thì, khi Huawei mất Google, thế giới chẳng mất gì cả. Huawei không có lợi thế đặc biệt về giá, không có trải nghiệm riêng, không có chip (hay modem) vượt mặt đối thủ, cũng chẳng có hệ sinh thái phần cứng/phần mềm đủ mạnh để người dùng phải nuối tiếc. Lệnh cấm của Tổng thống Trump coi như đã kết liễu Huawei, bởi ông đã ép buộc người toàn cầu dùng phải nghĩ đến một cuộc sống không có Huawei. Và họ hoàn toàn có thể nhận ra rằng, không có Huawei, thị trường smartphone vẫn cứ sôi động và hấp dẫn như thế.
Trí thức trẻ