Thể hiện tinh thần quyết chiến, TQ dọa "đoạn tuyệt mãi mãi" với mặt hàng chủ lực của Mỹ
Một quan chức cấp cao trong ngành nông nghiệp Trung Quốc khẳng định Mỹ không đủ khả năng chịu đựng khi đánh mất thị trường Trung Quốc.
- 02-06-2019Bị Mỹ cấm vận, Huawei xem lại tham vọng qua mặt Samsung
- 28-05-2019Hàng Trung Quốc đắt đỏ, Mỹ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam?
- 28-05-2019Ngành cao su toàn cầu ra sao trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Không lùi bước
Han Jun, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tuyên bố thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm Mỹ sẽ bao gồm "gần như toàn bộ tất cả các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu tới Trung Quốc", cảnh báo rằng nông dân Mỹ có thể sẽ mãi mãi đánh mất thị trường Trung Quốc.
"Nếu Mỹ không dỡ tất cả thuế quan [đối với sản phẩm Trung Quốc], thì giao dịch nông nghiệp song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm hạt đậu nành, sẽ không bao giờ bình thường trở lại," ông Han trả lời Xinhua.
"Nếu Mỹ đánh mất thị trường Trung Quốc, sẽ rất khó khăn để đem được thị trường này trở lại".
Theo ông Han, hai gói hỗ trợ kinh tế của tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nông dân Mỹ có thể sẽ không đủ để bù đắp những mất mát khi đánh mất thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, những người nông dân Trung Quốc vẫn có thể chống chịu được các áp lực từ thuế quan Mỹ.
Han Jun, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Về vấn đề trao đổi hạt đậu nành, mặc dù số lượng nhập khẩu của Trung Quốc đối với loại mặt hàng này của Mỹ đã giảm đáng kể, nhưng Trung Quốc vẫn có thể tìm cách để đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm khuyến khích nông dân Trung Quốc trồng nhiều hơn và mua nhiều hơn từ các quốc gia khác.
Đậu nành là nguồn cung chủ yếu cho các loại dầu ăn ở Trung Quốc, và là nguồn lương thực quan trọng cho gia súc. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 95 triệu tấn đậu nành - tương đương gần 90% nhu cầu nội địa. Quốc gia này nhập khẩu 32,8 triệu tấn đậu nành từ Mỹ vào năm ngoái, ứng với khoảng 1/3 tổng sản phẩm nhập khẩu.
Năm ngoái, lượng nhập khẩu đậu nành vào Trung Quốc đã giảm 7,9% xuống còn 88 triệu tấn, trong khi nhập khẩu từ Mỹ giảm 1 nửa còn 16,6 triệu tấn. Trong lúc đó, nhập khẩu đậu nành từ Brazil tăng 30% lên mức 66 triệu tấn - tương đương 3/4 tổng nhập khẩu của Trung Quốc, theo số liệu hải quan nước này.
Thương chiến sẽ tiếp diễn
Ông Han cho biết các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu tới Mỹ sẽ còn giảm nhiều hơn sau khi Washington tăng thuế quan đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25%. Nhưng ông cho biết Trung Quốc có thể kiểm soát tình hình bằng cách đa dạng hóa các mặt hàng nhập khẩu tới các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Châu Âu.
"Nếu Mỹ đánh mất thị trường Trung Quốc, sẽ rất khó khăn để đem được thị trường này trở lại". Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát thực phẩm ở Trung Quốc dường như đã được gây ra bởi những yếu tố thời vụ và "không hoàn toàn trực tiếp liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" - ông Han cho hay.
Trong thời gian vừa qua, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng vọt vì dịch tả lợn Châu Phi bùng phát nhưng mọi chuyện sẽ không vượt quá tầm kiểm soát bởi Bắc Kinh đã đưa ra những chính sách mới để khuyến khích nuôi lợn.
"Nhiều quốc gia sẵn sàng xuất khẩu thịt lợn tới Trung Quốc," ông Han cho biết.
Ngoài ra, vị quan chức khẳng định chính quyền sẽ đảm bảo các công dân đều có việc làm, được đào tạo, có cơ hội phát triển kĩ năng mới và thành lập các doanh nghiệp mới.
Ngày hôm nay (2/6), Bắc Kinh đã công bố sách trắng, cáo buộc Washington vì sự đình trệ của các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khẳng định sẵn sàng mở cửa đối với những đàm phán trong tương lai.
Căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia đã tăng cao vào tháng trước sau khi các cuộc đối thoại đổ vỡ, chính quyền ông Trump tăng thuế quan và Trung Quốc trả đũa với mức thuế tương tự đối với 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Tổng thống Trump đe dọa sẽ đánh thuế lên 325 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc và có khả năng mức thuế này sẽ được áp dụng từ cuối tháng 6 năm nay.
Trí Thức Trẻ