MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế khó của các ngân hàng trong đại dịch

17-09-2021 - 07:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh hoạ: Nguyễn Nguyễn

Ảnh minh hoạ: Nguyễn Nguyễn

Những con số lợi nhuận khủng hàng nghìn tỷ đồng được các ngân hàng báo cáo đang tạo ra ‘thế khó’ cho chính họ khi phải hài hòa giữa vai trò ‘bệ đỡ’ cho nền kinh tế trong đại dịch, vừa phải đảm bảo quyền lợi của cổ đông và quản trị rủi ro.

Khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp ‘kiệt sức’ sau khi trải qua nhiều đợt giãn cách do đại dịch Covid-19 bùng phát, các hiệp hội liên tục có văn bản ‘cầu cứu’ Chính phủ. Gần đây nhất, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội trực tiếp đưa ra bản kiến nghị trong cuộc họp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và cộng đồng doanh nghiệp.

Hiệp hội này đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm từ 3 – 5%/năm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù, trước đó một tháng, vào tháng 7/2021, 16 ngân hàng lớn nhất đều công bố những gói hỗ trợ lãi suất cho vay giảm từ 0,5 – 3%/năm, ước tính số tiền hỗ trợ gần 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, nhưng vẫn ‘chưa thỏa mãn’ được nhiều doanh nghiệp. Khi có trường hợp một doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây tự nguyện không nhận sự hỗ trợ giảm lãi suất của ngân hàng vì mức giảm "rất ít".

Áp lực phải tiếp tục hạ lãi suất cho vay đang ngày càng đè nặng lên vai các ngân hàng.

Đặc biệt, trong nghị quyết mới nhất của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 ban hành ngày 9/9, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới; trong tháng 9/2021, hoàn thành chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng.

Lợi nhuận của các ngân hàng liên tục tăng cao ở mức mấy chục phần trăm, thậm chí có ngân hàng tăng tới 60% trong quý II vừa qua, biên thu nhập lãi ròng (NIM – mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) cao, cùng với vai trò ‘bệ đỡ’ của nền kinh tế cần được phát huy hơn bao giờ hết, đều đã trở thành lý do để ngân hàng phải hạ lãi suất sâu hơn nữa.

Tuy nhiên, việc quản trị rủi ro, đảm bảo quyền lợi của cổ đông và thực hiện kế hoạch năm đã đề ra cũng là những điều mà mỗi ngân hàng cũng cần phải làm. Nếu nhìn vào bản chất hoạt động, việc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản nợ sẽ mang đến cho ngân hàng rủi ro thị trường tiềm ẩn trong thời gian tới do hệ quả của dịch bệnh.

Nhiều công ty chứng khoán đều có chung nhận định, NIM của nhiều ngân hàng trong thời gian tới sẽ bị tác động tiêu cực từ các gói hỗ trợ lãi suất vừa qua. Muốn giảm lãi suất sâu hơn, các ngân hàng sẽ phải tìm cách hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ khiến áp lực huy động lớn hơn do dòng tiền sẽ chuyển sang kênh khác.

Theo báo cáo tài chính quý II, chỉ số NIM trung bình của các ngân hàng vào khoảng 4,6%, mức cao trong nhiều năm qua, do chi phí vốn giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Tuy nhiên, con số này ở từng ngân hàng có nhiều khác biệt.

Ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, cũng là những ngân hàng lớn nhất hệ thống, có chỉ số NIM quý II thấp hơn trung bình thị trường, khoảng 3,3 – 3,6%.

Còn nhóm ngân hàng tư nhân, VPBank có chỉ số NIM cao nhất với 5,8% trong quý II do hoạt động trong phân khúc tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất cho vay rất cao nhưng cũng đầy rủi ro. Đây là ngân hàng hoạt động tích cực ở các sản phẩm cho vay tín chấp – tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn sản phẩm vay thế chấp. Do đó, NIM của VPBank cao nhưng không đi liền với nhiều dư địa để giảm lãi suất khi theo nguyên tắc của ngành ngân hàng, rủi ro càng cao thì lãi suất buộc phải cao để bù đắp vào rủi ro.

Một số ngân hàng cũng có NIM cao khi có sự hỗ trợ bởi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA – vốn đi kèm với lãi suất cực thấp) rất cao như Techcombank, MB, đã mang lại giá vốn rẻ và tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, nhược điểm của dòng tiền gửi không kỳ hạn là không ổn định.

Trong nửa đầu năm 2021, huy động vốn của các ngân hàng tăng khá thấp ở mức 2,9%. Mặc dù thực trạng này phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện tại. Nhưng trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu vay tăng cao, trong khi đó, duy trì lãi suất huy động thấp sẽ khó thu hút dòng tiền nhàn rỗi. Do đó, chắc chắn, áp lực huy động sẽ tăng trở lại và lãi suất huy động cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ phải hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 40% hiện tại xuống còn 37% từ tháng 10/2021, và 30% từ năm 2023. Vì vậy, áp lực huy động vốn dài hạn có lãi suất cao hơn ở các ngân hàng cũng sẽ tăng.

Mặt khác, ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV, ước tính nếu giảm 1% lãi suất cho vay trên tổng dự nợ hiện hữu, thì lợi nhuận ngân hàng có thể giảm 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận toàn ngành năm 2020. Điều này rõ ràng khó được các cổ đông ngân hàng chấp nhận.

Việc quản trị rủi ro cũng đang tạo nên ‘cơn đau đầu’ cho ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Khoản vay của nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh không trả được từ năm ngoái nhưng đã không chuyển nhóm nợ xấu theo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước. Do đó, mức trích lập dự phòng rủi ro không được đầy đủ khi bản chất khoản vay trên đã được nâng lên nhóm nợ xấu cao hơn.

Trong quý II, giá trị ở cả ba nhóm nợ xấu ở một số ngân hàng đã tăng đáng kể. Báo cáo tài chính của các ngân hàng đều cho thấy tỷ lệ nợ xấu hiện tại ở mức rất thấp. Rõ ràng, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới mặc dù phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp và khiến báo cáo tài chính của ngân hàng đẹp hơn nhưng nhiều khoản nợ lại không được thể hiện đúng bản chất.

Nếu như hạ lãi suất cho vay tiếp thì lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm, đồng nghĩa với khả năng phòng ngừa rủi ro trong tương lai yếu đi. Trong khi đó, nền kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch bệnh kéo dài, kịch bản ‘sống chung với Covid-19’ trong thời gian tới có thể khiến doanh nghiệp chưa thể ‘bung’ mạnh trở lại như thời điểm chưa có dịch, viễn cảnh tỷ lệ nợ xấu tăng là điều dễ hiểu. Đồng thời, khả năng để một khoản nợ xấu chuyển hóa trở lại thành nợ tốt trong tương lai gần cũng rất khó. Tất cả những điều này sẽ kéo ngân hàng vào rủi ro lớn hơn.

Đến nay, nhiều ngân hàng đã tăng mức dự phòng bao phủ nợ xấu lên rất cao như Vietcombank có tỷ lệ bao phủ là 280%; Tecombank 259%; MB 311%. Điều này cho thấy nhiều ngân hàng đều đang thận trọng và tăng khả năng phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn thời gian tới.

Linh Vương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên