MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế khó của doanh nghiệp dệt may, xơ sợi Việt Nam trong căng thẳng tiền tệ

12-08-2019 - 17:00 PM | Thị trường

Cung cầu hàng hóa các ngành thâm dụng lao động như dệt may, xơ sợi, giày dép... sẽ ảnh hưởng do chiến tranh thương mại.

Mất đơn hàng do căng thẳng tiền tệ

Sở hữu doanh nghiệp với 15.000 lao động, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên (UPCoM: HUG), kể thông thường vào tháng 8 các năm, hàng hoá đã được ký đến hết tháng 10, công ty chuẩn bị vốn cho năm sau. Nhưng hiện nay, hàng tháng 10 thậm chí còn chưa đủ. 

Là chủ doanh nghiệp song cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Dương cho biết, đây là tình trạng chung của ngành và rất đáng lo ngại. Hầu hết doanh nghiệp đều thiếu hàng và phải chấp nhận hạ giá để giữ đơn hàng.

Thế khó của doanh nghiệp dệt may, xơ sợi Việt Nam trong căng thẳng tiền tệ - Ảnh 1.

Đơn hàng doanh nghiệp dệt may đang giảm. Ảnh: Eco-business.

Bên cạnh các yếu tố về thuế, mức lương lao động, thời gian qua, tỷ giá của các đồng tiền xung quanh cuộc căng thẳng thương mại cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả hàng hóa ngành dệt may. Trong khi các đối thủ của Việt Nam như Bangladesh, Ấn Độ đều hạ giá đồng tiền, đồng Việt Nam vẫn cơ bản vẫn ổn định, giá giảm không đáng kể. Khi tiền Việt Nam không hạ giá so với USD, hàng Việt Nam sẽ đắt hơn và dẫn tới mất các đơn hàng. Trong một tháng qua, các đồng tiền khác trong khu vực như won của Hàn Quốc, NDT của Trung Quốc cũng đều giảm giá.

Bà Vũ Phương Diệp, Phó Tổng giám đốc CTCP Damsan (HoSE: ADS) - doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi cung cấp 1.400 tấn sợi cho Trung Quốc mỗi tháng - cho biết trước đây, giá sợi 2,8 USD/kg, nay còn 2,4 USD/kg. "Giá giảm mạnh không bù được chi phí sản xuất do đối tác Trung Quốc ép giá để bớt thiệt hại từ biến động tỷ giá giữa NDT và USD. Thậm chí, không có đơn hàng nào trong tháng 9", bà chia sẻ trên VTV. Vị này chia sẻ thêm đang rất mơ hồ khi không rõ phía Trung Quốc và Mỹ  sẽ có những động thái gia tăng căng thẳng gì tiếp theo. "Hiện tại, mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc không thể đảm bảo được nữa", bà Diệp nói.

Thực tế, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chững lại. Hàng hoá sang thị trường Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ trong khi đó, những năm trước, tăng trưởng thường ở mức 2 con số. Xuất khẩu sang EU giảm, sang Mỹ nhìn chung vẫn tăng trưởng nhưng Bộ Công Thương lo ngại có thể chịu biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu từ nước này. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Bộ dự báo Việt Nam không thuận lợi để gia tăng xuất khẩu trong những tháng còn lại trước tình hình kinh tế, thương mại thế giới suy giảm hiện nay.

'Thà ăn cháo còn hơn nhịn đói'

Chấp nhận hạ giá 10-20% theo các đối tác, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng "thà ăn cháo còn hơn nhịn đói" để giữ đơn hàng và công việc cho người lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp dệt may chia sẻ đầu tư nhà máy hàng trăm tỷ đồng nếu bỏ không cũng mất chi phí khấu hao.

Trước mắt, doanh nghiệp dệt may cho biết sẽ cải tổ để tăng năng suất lao động và mong chờ những diễn biến tiếp theo như tiền tệ có thể hạ giá để hỗ trợ xuất khẩu.

Còn với công ty cổ phần Damsan, bà Diệp cho biết, sản xuất sợi xuất sang Trung Quốc tạm chững, doanh nghiệp này tìm hướng kinh doanh sang bất động sản khu công nghiệp bởi doanh nghiệp có sẵn quỹ đất. Về lâu dài, Damsan sẽ thành lập chuỗi dệt nhuộm phụ vụ nhu cầu trong nước.

"Chúng tôi cũng kỳ vọng cái định hướng mới này có thể giải quyết đáp ứng được chi phí trang trải cho hoạt động bộ máy kinh doanh công ty", bà Diệp nói.

Hiện hàng dệt may của Việt Nam hơn 40% xuất khẩu sang Mỹ, 20% sang EU còn lại là các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Về lý thuyết, Việt Nam có thể mở rộng thị trường nhưng theo ông Dương, "chiếc bánh thị phần" đã được chia. Để có thể chiếm được thị phần, giá hàng hóa của Việt Nam phải thấp hơn song điều này khó. Để có thể hưởng thuế tư EU theo hiệp định EVFTA, Việt Nam phải chủ động được nguồn nguyên vật liệu thay vì nhập khẩu 45% từ Trung Quốc như hiện nay. "Nếu không, không có cớ gì để mở rộng thị trường. Việc mở rộng thị trường chỉ là định hướng sắp tới khi Việt Nam thay đổi được cơ cấu nguyên phụ liệu", Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may bày tỏ.

Ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng cuộc chiến thương mại căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới cung cầu trên phạm vi cùng thế giới của nhóm ngành có thâm dụng lao động cao như sợi, dệt may, da giày... Những nước liên quan nhiều đến căng thẳng như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản.. lại là những thị trường chủ đạo của Việt Nam. Khi đó, sức mua những hàng hóa này cũng sẽ giảm đi. "Nỗi lo lớn nhất với các ngành này hiện nay là tình hình kinh tế thế giới liệu có lâm vào khủng hoảng hay không", ông Thắng nói.

Theo Minh Tâm

Người Đồng Hành

Trở lên trên