MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm 1 công ty nổi tiếng vỡ nợ dù được chính phủ hậu thuẫn, tham vọng tách rời Mỹ của Trung Quốc bị cản trở

20-11-2020 - 08:35 AM | Tài chính quốc tế

Trong một thông báo gửi đến sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Unigroup International Holdings cho biết công ty sản xuất chất bán dẫn Tsinghua Unigroup không thể mua lại số trái phiếu trị giá 1,3 tỷ CNY (198 triệu USD) đáo hạn vào ngày 16/11, dẫn đến tình trạng vỡ nợ.

Theo Financial Times, một tập đoàn công nghệ Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn đã trở thành trường hợp vỡ nợ trái phiếu mới nhất của nước này. Đây là một trong những yếu tố ngăn cản tham vọng của Bắc Kinh trong việc xây dựng ngành bán dẫn "tự lực cánh sinh" và khiến thị trường trái phiếu lớn thứ 2 thế giới thêm phần náo loạn.

Trong một thông báo gửi đến sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Unigroup International Holdings cho biết công ty sản xuất chất bán dẫn Tsinghua Unigroup không thể mua lại số trái phiếu trị giá 1,3 tỷ CNY (198 triệu USD) đáo hạn vào ngày 16/11, dẫn đến tình trạng vỡ nợ.

Thêm 1 công ty nổi tiếng vỡ nợ dù được chính phủ hậu thuẫn, tham vọng tách rời Mỹ của Trung Quốc bị cản trở - Ảnh 1.

Tsinghua Unigroup được coi là "nhà vô địch quốc gia" trong lĩnh vực bán dẫn, công ty này được điều hành bởi Đại học Thanh Hoa có trụ sở tại Bắc Kinh – trường đại học kỹ thuật danh giá nhất Trung Quốc. Trước đó, công ty này đã nhận được hàng chục tỷ USD hỗ trợ của chính phủ, khi chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh nỗ lực tách rời lĩnh vực bán dẫn khỏi công nghệ của Mỹ.

Cơ quan quản lý thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc cũng ban hành các quy định mới đối với các tổ chức phát hành trái phiếu hôm 18/11. Theo đó, các công ty không được phép mua trái phiếu của mình và siết chặt yêu cầu công bố thông tin đối với giao dịch của các bên liên quan.

Hiệp hội Giao dịch Liên ngân hàng (NAFMII) cho biết họ đã phát hiện một số vấn đề về việc "không thực hiện đầy đủ các quy tắc, cơ chế kiểm soát nội bộ không được hoàn thiện và hoạt động kinh doanh không diễn ra thường xuyên" trong quá trình phát hành trái phiếu của các định chế thị trường. Cơ quan này cho biết thêm, một số đã quá tập trung vào kinh doanh và bỏ qua việc tuân thủ quy định.

Năm 2015, Tsinghua Unigroup đã chi 23 tỷ USD để mua lại Micron Technology, đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất kể từ trước đến nay được thực hiện bởi một công ty Trung Quốc. Kể từ đó, Micron đã vướng vào cuộc tranh chấp gay gắt về vấn đề sở hữu trí tuệ với Fujian Jinhua – công ty sản xuất chip khác của Trung Quốc đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt.

Chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm với Mỹ, chính quyền của ông Tập quyết tâm đạt dược sự tự chủ trong một loạt ngành công nghiệp quan trọng, trong đó có chất bán dẫn. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã chi hơn 300 tỷ USD hàng năm để nhập khẩu chất bán dẫn, nhiều hơn so với khoản chi nhập khẩu dầu.

Mối lo ngại về khả năng thanh toán nợ của Tsinghua Unigroup bắt đầu gia tăng vào tuần trước, sau khi một cơ quan xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc cho biết tập đoàn này có thể gặp khó khăn khi thanh toán trái phiếu và các chủ nợ không thông nhất được thời gian giãn nợ.

Hôm thứ Hai, công ty xếp hạng tín dụng China Chengxin Credit Rating đã hạ xếp hạng đối với công ty này. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng Tshinghua Unigroup đã vỡ nợ. Hiện tại, công ty này không đưa ra bình luận về việc mua lại trái phiếu.

Tsinghua Unigroup là công ty danh giá nhất Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu trong năm nay. Năm ngoái, họ đã phải trấn an nhà đầu tư rằng họ có nhiều tiền mặt và không vỡ nợ trái phiếu sau khi cổ phiếu của một công ty con cũng như một số trái phiếu ngoại biên sụt giảm mạnh

Các quỹ kền kền (tổ chức tài chính chuyên mua các chứng khoán trong tình trạng "cùng quẫn", như các trái phiếu có lãi suất cao sắp bị vỡ nợ, hoặc các cổ phần của các công ty sắp bị phá sản) hiện đã mua lại các khoản trái phiếu vỡ nợ của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Họ kỳ vọng rằng các quan chức chính quyền địa phương hoặc trung ương sẽ sớm can thiệp để thực hiện những vụ dàn xếp.

Michael Pettis, giáo sư ngành tại chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Mọi người đều cùng chơi một trò chơi. Họ mong đợi chính phủ sẽ bảo lãnh tất cả, bởi nếu không làm như vậy thì mọi thứ rất lộn xộn. Nhưng chính thái độ đó đang khiến họ tự mãn và làm tình hình trở nên tồi tệ hơn."

Gần đây, 2 công ty khác của Trung Quốc – gồm 1 công ty khai thác than ở miền Trung và tập đoàn sản xuất ô tô ở tỉnh Liêu Ninh, cũng vỡ nợ, gây ra tình trạng bán tháo mạnh trên thị trường trái phiếu Trung Quốc.

Tham khảo Financial Times

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên