MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm 2 "ông lớn" bất động sản Trung Quốc trên đường thành "bom nợ"

06-10-2021 - 06:54 AM | Tài chính quốc tế

Hai công ty bất động sản của Trung Quốc là Sinic Holdings và Fantasia Holdings đang gặp rắc rối về tài chính sau khi không thể trả các khoản tiền lãi.

Đài BBC đưa tin vào ngày 5-10, Sinic Holdings trở thành công ty bất động sản mới nhất của Trung Quốc bị cơ quan xếp hạng toàn cầu Fitch Ratings hạ cấp.

Trước đó, Sinic Holdings thông báo họ không thể trả các khoản tiền lãi cũng như không chắc chắn về khoản hoàn trả trái phiếu trị giá 246 triệu USD vào cuối tháng này.

Ông chủ Zhang Yuanlin của nhà phát triển bất động sản đặt trụ sở tại TP Thượng Hải này hồi tháng trước bị mất hơn 1 tỉ USD do những lo ngại về tập đoàn Evergrande - đang được ví như "bom nợ" với khoản nợ hơn 300 tỉ USD.

Theo tạp chí Forbes, tài sản của ông Zhang giảm mạnh từ 1,3 tỉ USD xuống chỉ còn 250,7 triệu USD vào ngày 20-9 sau khi Sinic Holdings buộc phải đình chỉ giao dịch cổ phiếu tại Hồng Kông vì sụt giảm gần 90% giá trị cổ phiếu từ ngày 9-9.

Thêm 2 ông lớn bất động sản Trung Quốc trên đường thành bom nợ - Ảnh 1.

Fantasia Holdings ngày 4-10 thừa nhận họ không thể hoàn trả số trái phiếu trị giá 205,7 triệu USD. Ảnh: Bloomberg

Một công ty bất động sản khác, Fantasia Holdings, ngày 4-10 cũng thừa nhận họ không thể hoàn trả số trái phiếu trị giá 205,7 triệu USD, dẫn tới việc mệnh giá trái phiếu bằng đồng USD của công ty này giảm gần 50% giá trị.

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2021 của Fantasia Holdings tiết lộ tổng nợ phải trả của công ty này hiện là 82,9 tỉ nhân dân tệ (12,8 tỉ USD). Fitch Ratings đã hạ cấp Fantasia Holdings từ mức "B" xuống "CCC", có nghĩa là gặp phải "rủi ro tín dụng đáng kể".

Mối lo ngại về khả năng trả nợ của Sinic Holdings và Fantasia Holdings được chú ý giữa thời điểm tập đoàn Evergrande phải vật lộn để thanh toán các khoản tiền lãi trong những tuần gần đây.

Cho đến nay, Bắc Kinh không nhận xét trực tiếp về các vấn đề tài chính của Evergrande. Các vấn đề của tập đoàn này đã ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây tác động đến thị trường tài chính toàn cầu.

Đài CNBC nhận định cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande cho thấy những dấu hiệu căng thẳng trong thị trường bất động sản của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

Nhiều nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã vất vả tìm cách huy động tiền mặt. Chẳng hạn, Guangzhou R&F hồi tháng trước huy động 2,5 tỉ USD bằng cách vay tiền từ các cổ đông lớn và bán một công ty con, theo Reuters.

Theo Phạm Nghĩa

Người Lao động

Trở lên trên