MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm 7 dự án thua lỗ ngàn tỉ, ngành công thương “è cổ” trả nợ

Ngoài 5 dự án thua lỗ ngàn tỉ đang “đắp chiếu”, mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ thêm 7 dự án thua lỗ lớn, gồm: Nhà máy đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai. Trong số này có 3 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem), 3 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và 1 dự án thuộc TCty Thép VN (VSC).

Kịch bản thua lỗ, mất vốn, đắp chiếu

Các dự án thua lỗ đang làm dày thêm bản “thành tích” của ngành công thương trong việc đầu tư kém hiệu quả, quản lý lỏng lẻo dẫn đến nhà máy vừa đi vào hoạt động đã phải đóng cửa vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, thậm chí có nhà máy chưa hoạt động một ngày nào đã phải sớm đắp chiếu vì nguy cơ thua lỗ trực chờ, càng làm, gánh lỗ càng lớn, là gánh nặng cho doanh nghiệp và đau đầu nhà quản lý.

Điển hình là dự án Đạm Ninh Bình của Tập đoàn Hoá chất VN (Vinachem) có số vốn đầu tư lên tới 12.000 tỉ đồng, công suất 560.000 tấn/năm. Sau 4 năm hoạt động, Nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ lên tới hơn 2.700 tỉ đồng. Máy móc nhà máy luôn trong tình trạng hư hỏng, hàng hóa tồn kho. Dự án do Vinachem làm chủ đầu tư, vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc thắng thầu dự án này là Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer. Nhà máy khởi công năm 2008 tại Khu công nghiệp Khánh Phú (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), hoàn thiện đi vào sản xuất năm 2012.

Theo báo cáo của Vinachem, năm 2012 - năm đầu tiên đi vào sản xuất, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỉ đồng, năm 2014 lỗ khoảng 500 tỉ đồng và năm 2015 lỗ trên 370 tỉ đồng. Tổng mức lỗ tới nay đã lên tới hơn 2.000 tỉ đồng. Từ tháng 3.2016 đến nay, Đạm Ninh Bình đã buộc phải ngừng hoạt động để sửa chữa máy móc và bán hàng tồn kho, 400 công nhân phải nghỉ việc.

Còn dự án DAP Hải Phòng cũng của Vinachem cũng thua lỗ nặng nề khiến nhà máy phải dừng hoạt động. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD, khởi công từ năm 2003, nhưng mãi đến năm 2009 mới cơ bản hoàn thành. Báo cáo của Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM cho thấy, lũy kế 9 tháng năm 2016, công ty đạt doanh thu thuần gần 842 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận sau thuế âm 324 tỉ đồng. Nguyên nhân thua lỗ theo giải trình từ phía công ty, là do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chi phí tăng cao, lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn, giá thành sản phẩm giảm sâu và không tiêu thụ được.

Đầu tư không tính toán

Chung số phận với dự án ethanol ở Dung Quất, 2 dự án ethanol Phú Thọ và Bình Phước dù đang trong quá trình xây dựng cũng chết lâm sàng. Dự án ethanol Phú Thọ được khởi công từ quý III/2008 và dự kiến hoàn thành quý III/2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.385 tỉ đồng, song đến nay qua 4 lần điều chỉnh, với số vốn lên tới 2.484 tỉ đồng, nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành.

“Có thể nói đây là dự án kém khả thi, thời gian kéo dài, rất tốn kém và nhiều khả năng “đắp chiếu”, nguy cơ phá sản cao, để lại nhiều hệ lụy, gây thất thoát lãng phí tiền của, tài chính nhà nước, làm mất an ninh trật tự, mất niềm tin của nhân dân” - Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng đã thẳng thắn chỉ ra. Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất là nhà máy do Tập đoàn Dầu khí tiếp quản từ Vinashin từ năm 2010 khi Vinashin đã bên bờ vực phá sản. Theo báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển giao về PVN (30.6.2010), Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS)có lỗ luỹ kế lên tới 1.235 tỉ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỉ đồng (70% vay bằng ngoại tệ), vì thế DQS bị mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ. Tính đến thời điểm báo cáo tài chính tại thời điểm 30.6.2016, Cty lỗ luỹ kế lên tới hơn 3.674 tỉ đồng. Trong số các dự án được bêu tên, ngoài dự án thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã lộ diện thua lỗ, TCty Thép VN cũng còn một dự án khác tuy ít được chú ý nhưng cũng cùng chung số phận thua lỗ, mất vốn là dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai.

Dự án có vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng của Cty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung. Cty này được thành lập năm 2006, là liên doanh giữa đối tác Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể là TCty Thép Việt Nam (Vnsteel), Cty Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Cty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh, Trung Quốc (KISC). Cuối 2014, nhà máy chính thức đi vào sản xuất. Nhưng phôi thép Trung Quốc ồ ạt nhập về khiến nhà máy thua lỗ hàng trăm tỉ đồng. Từ khi Bộ Công Thương áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép (3.2016), Cty đang hy vọng có thể thoát lỗ.

Thủ tướng yêu cầu xử lý tồn tại một số dự án ngành công thương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, DN theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản nhà nước, theo nguyên tắc thị trường. Phân loại từng dự án để xử lý cho phù hợp, không dùng ngân sách nhà nước, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, các Tập đoàn, TCty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả. Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm. C.THẮNG

Theo Hồng Quân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên