MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm một tin vui nữa từ Thủ tướng, doanh nghiệp háo hức đón chờ trong 1 tuần tới

Sẽ có khoảng 300 DN dân doanh tham dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Doanh nghiệp vào ngày 29/4 tới và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo gửi giấy mời thân thiện và trang trọng tới doanh nghiệp.

Đó là thông tin được ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đưa ra tại cuộc họp báo Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016.

Theo ông Hà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tổ chức hội nghị với tên gọi "Doanh nghiệp Việt Nam động lực phát triển kinh tế đất nước tại TPHCM. Mục tiêu của sự kiện này là Thủ tướng, Chính phủ đưa ra thông điệp DN sẽ là động lực phát triển kinh tế Chính phủ, tạo thuận lợi lớn nhất cho phát triển kinh doanh, tạo môi trường cho DN kinh doanh và giải quyết khó khăn vướng mắc.

Hình thức tổ chức sẽ là trực tiếp tại TPHCM có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo của tất cả các bộ ngành cùng lãnh đạo của ba thành phố lớn là Hà Nôi, TPHCM và Đà Nẵng; chính quyền địa phương liên quan...

Tham dự sự kiện này sẽ có 300 doanh nghiệp dân doanh; các FDI và các hiệp hội gồm 50 đại biểu; DN cổ phần hóa và DNNN có khoảng 20 đại biểu và thành phần HTX có khoảng 10 đơn vị. Ông Hà cho rằng, qua tỷ lệ tham gia của các DN, sẽ tập trung là hướng về các doanh nghiệp tư nhân, DN vừa và nhỏ sẽ là số lượng chính.

Nội dung của Hội nghị đối thoại này sẽ là đưa ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, xác định rào cản do cơ chế chính sách và có biện pháp khắc phục.

Thứ hai, giải quyết kiến nghị khó khăn của DN trong sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào vấn đề thực thi như nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN, tạo nên những rào cản do chính sách do bộ máy chính quyền gây nên.

Ông Hà cũng thông tin thêm là trong buổi sáng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ báo cáo về tình hình DN đặc biệt là hiến kế tạo thuận lợi cho DN, môi trường kinh doanh bình đẳng; kiến nghị khó khăn vướng mắc của DN.

Thứ hai, DN trực tiếp tham gia tại hội trường và các điểm cầu sẽ có ý kiến, hiến kế và kiến nghị giải quyết các khó khăn. Sau đó, các bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố sẽ trực tiếp trả lời các vấn đề liên quan và giải quyết ngay tại Hội nghị. Trong buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận về Hội nghị.

Trong buổi chiều, Thủ tướng sẽ họp với các bộ và địa phương giải quyết các kiến nghị chưa được giải quyết trước hội nghị và sau hôi nghị. Ngay sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về DN, được trình Chính phủ thảo luận và thông qua vào tháng 5.

Được biết, hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM sẽ ký cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Theo đó, cam kết này sẽ mang tính định lượng, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, chứ không nói chung chung.

Cho rằng cuộc đối thoại này như một hội nghị Diên Hồng tìm biện pháp phát triển DN, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cả nước, cộng đồng DN cần tham gia hiến kế cho Chính phủ phát triển DN, giải pháp phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển trong thời gian tới.

"Tôi mong đây là sự kiện toàn dân, mong Thủ tướng cho phép VCCI kêu gọi ý kiến DN để tập hợp về, cả động đồng DN hiến kế thì đó là điều rất tốt" - Chủ tịch VCCI khuyến nghị,

Được biết, hiện VCCI đang nhận nhiều ý kiến kiến nghị của DN nhưng vẫn còn nhiều DN chưa có đủ thời gian hiến kế. Do đó, việc phát động phong trào hiến kế trong toàn tháng 5 để phát triển DN và cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa rất lớn.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên