MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm nạn nhân mất 1 tỷ đồng sau cuộc điện thoại: Kịch bản thao túng bị hại cực kỳ tinh vi, có liên quan đến 1 ứng dụng giả mạo

30-03-2023 - 07:44 AM | Kinh tế số

Thêm nạn nhân mất 1 tỷ đồng sau cuộc điện thoại: Kịch bản thao túng bị hại cực kỳ tinh vi, có liên quan đến 1 ứng dụng giả mạo

Sau cuộc điện thoại của người lạ, thầy giáo một trường tiểu học ở Hà Tĩnh đã bị lừa mất gần 1 tỷ đồng. Nạn nhân cho biết quá trình sự việc xảy ra quá nhanh, bản thân ông như bị thôi miên vì bị đánh đòn tâm lý, không làm chủ được bản thân.

Mất tiền tỷ sau cuộc gọi doạ "khoá SIM"

Sáng 29/3, ông Chu Văn S giáo viên 1 trường tiểu học ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết đã có đơn trình báo gửi các cơ quan chức năng về việc bị kẻ xấu lừa đảo gần 1 tỷ đồng sau cuộc điện thoại từ người lạ.

Theo ông S, sáng 27/3, ông nhận được điện thoại từ 1 người phụ nữ lạ, tự xưng là tổng đài viễn thông, thông báo số thuê bao của ông sẽ bị khóa trong 2 tiếng đồng hồ để cơ quan chức năng xử lý vụ việc. Ông S được hướng dẫn nhấn phím 1 để biết thêm chi tiết lý do.

Thêm nạn nhân mất gần 1 tỷ đồng sau cuộc điện thoại: Thao túng bị hại bằng kịch bản tinh vi, có liên quan đến 1 ứng dụng - Ảnh 1.

Sau cuộc điện thoại của người lạ thông báo "thuê bao quý khách sẽ bị khóa" và làm theo hướng dẫn, ông S đã bị lừa mất gần 1 t đồng (Ảnh minh hoạ: Getty)

Khi thực hiện theo hướng dẫn, ông được 1 người đàn ông "tiếp chuyện" và thông báo số điện thoại đã phát tán một lượng thông tin quấy rối rất lớn. Tiếp đến, ông được nối máy với người tự nhận là "Công an TP Đà Nẵng", yêu cầu ông trực tiếp vào Đà Nẵng để làm việc. Nhưng xét thấy hoàn cảnh ở xa, ông S được tạo điều kiện cho làm việc gián tiếp, song phải đảm bảo giữ bí mật.

Theo người giới thiệu bản thân đội trưởng đội điều tra, ông S có liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng, và hướng dẫn giáo viên này tải một phần mềm Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (giả mạo). Khi mở ra, ông S tá hỏa khi thấy trong đó có thông tin của cá nhân mở tài khoản rửa tiền tại Đà Nẵng cùng quyết định bắt tạm giam, thời hạn tạm giam 90 ngày để phục vụ điều tra.

Khi thấy ông S hoàn toàn tin tưởng, người xưng cán bộ công an hướng dẫn ông S. lấy các giấy tờ cá nhân, giấy mở tài khoản,... để giúp ông tìm cách minh oan. Người này yêu cầu ông S xóa một số ứng dụng đã cài đặt trên điện thoại như Vietcombank, Messenger để đỡ nặng máy, dễ nói chuyện.

Nghe theo lời dụ dỗ nếu huy động được nhiều tiền trong tài khoản để đảm bảo khả năng tài chính của mình thì sẽ sớm được minh oan, ông S đã vay mượn được số tiền 965 triệu đồng từ anh em, bạn bè người thân để chuyển vào tài khoản của mình.

Các đối tượng tiếp tục hướng dẫn ông S mang xe ô tô đi cầm cố, tuy nhiên đã được con gái lớn phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Lúc này, ông S kiểm tra tài khoản ngân hàng thì số tiền gần 1 tỷ đồng mọi người vừa chuyển vào đã không cánh mà bay.

Dựng kịch bản tinh vi để thao túng nạn nhân, lừa bị hại tải về phần mềm giả mạo

Trước ông S, nhiều trường hợp bị mất tiền tỷ sau khi nghe cuộc điện thoại lạ tự xưng là cán bộ công an, nhân viên ngân hàng hay những tin nhắn điện thoại, Facebook chứa đường link giả mạo, tuyển dụng nhân viên, cũng từng được ghi nhận.

Đầu tháng 8/2022, chị N.T.H.T (SN 1983, trú tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nhận được cuộc gọi từ số 02471098935 với nội dung thông báo chị có liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại giao lộ Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương.

Thêm nạn nhân mất gần 1 tỷ đồng sau cuộc điện thoại: Thao túng bị hại bằng kịch bản tinh vi, có liên quan đến 1 ứng dụng - Ảnh 2.

Điểm chung của những vụ án này đều do các đối tượng sử dụng những thủ đoạn tinh vi để khiến bị hại mất cảnh giác (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Khi chị T. trả lời không biết gì đến vụ việc thì được thông báo thông tin cá nhân của chị đã bị lộ nên sẽ được chuyển máy đến Công an TP Đà Nẵng để được hỗ trợ.

Sau khi chuyển máy, một người tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng thông báo chị T. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và hướng dẫn chị tải phần mềm "ứng dụng bảo mật" về để khai báo.

Chị T. làm theo hướng dẫn và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên phần mềm vừa tải. Chỉ sau 2 giờ, tài khoản ngân hàng của chị T. bị trừ 7 lần với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Điểm chung của những vụ án này đều do các đối tượng sử dụng những thủ đoạn tinh vi để khiến bị hại mất cảnh giác. Đặc biệt, các đối tượng là những kẻ có khả năng thao túng tâm lý, có thể khiến bị hại - dù là những người có học thức cao, có vị trí trong xã hội - song vẫn mắc bẫy để rồi bị chiếm đoạt số tiền lớn.

Bên cạnh đó, phần mềm gián điệp giả danh ứng dụng điện thoại mang tên "Bộ Công an" cũng được các đối tượng sử dụng.

Thêm nạn nhân mất gần 1 tỷ đồng sau cuộc điện thoại: Thao túng bị hại bằng kịch bản tinh vi, có liên quan đến 1 ứng dụng - Ảnh 3.

Ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an (Ảnh: Bộ Công an)

Theo đó, phần mềm gián điệp này được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại mang tên "Bộ Công an", "Cổng thông tin điện tử Bộ Công an",... Nếu người dùng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.

Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là dùng công nghệ VOIP tạo lập các số điện thoại ảo, giả mạo số điện thoại công khai của cơ quan thực thi pháp luật (chỉ khác ở đầu số như +0096, +884), để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị điều tra vì có liên quan đến một vụ án, chuyên án, nếu không hợp tác sẽ bị bắt giữ, khởi tố.

Đồng thời yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Chúng làm giả các lệnh bắt, khởi tố, giấy triệu tập của cơ quan công an để đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân thay đổi điện thoại đang dùng sang sử dụng điện thoại hệ điều hành Android.

Sau đó lấy lý do "nhằm bảo mật thông tin tài khoản, bảo vệ các nạn nhân bởi các đối tượng lừa đảo", các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an cung cấp có hình ảnh hiển thị là công an hiệu và mang tên "Bộ Công an". 

Sau khi nạn nhân cài đặt ứng dụng mang tên "Bộ Công an" nói trên, theo hướng dẫn của các đối tượng, nạn nhân sẽ phải điền thêm các trường thông tin hiển thị trên ứng dụng giả mạo này như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân)... Các thông tin này sẽ được chuyển về máy chủ do các đối tượng quản lý.

Các tin nhắn chứa mã OTP, các cuộc điện thoại xác nhận của nhân viên ngân hàng cũng đều bị phần mềm gián điệp chuyển trực tiếp cho các đối tượng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc các đối tượng rút tiền của chủ thẻ mà nạn nhân không nhận ra.

Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm mạng; tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống; không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho người lạ. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho công an nơi gần nhất.

Công an cũng lưu ý, người dân khi được cơ quan công an, VKSND, các cơ quan chức năng khác mời làm việc thì sẽ có giấy mời, giấy triệu tập để trực tiếp làm việc và không làm việc qua điện thoại.

Theo Huỳnh Duy

Thể thao & Văn hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên