Thêm Vietjet lên sàn, cổ phiếu hàng không có khiến NĐT săn đón giống như Warren Bufett?
Sau gần 3 thập kỷ né tránh đầu tư vào ngành hàng không, trong 2 quý cuối năm 2016, Warren Bufett đã mua vào cổ phần của 4 công ty đầu ngành tại Mỹ.
Berkshire Hathaway - công ty của Warren Buffet mới đây đã liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty hàng không hàng đầu tại Mỹ, điều này có vẻ như đi ngược lại triết lí đầu tư của "huyền thoại xứ Omaha" từng chia sẻ.
Hiện tại, công ty của Buffet đang nắm giữ cổ phiếu tại 4 hãng hàng không lớn là Delta Airlines, American Airlines, United Continental Holdings và Southwest Airlines. Tổng tỷ trọng ngành này hiện chiếm 6,33% danh mục đầu tư của quỹ
Bên cạnh hàng không, dịch vụ công cộng, giao thông và tài chính là những lĩnh vực "nặng cân" nhất trong danh mục của Berkshire Hathaway.
Nửa cuối năm 2016, Buffet bắt đầu "ngó ngàng" đến cổ phiếu hàng không
Kể từ năm 1989 sau khi khoản đầu tư 358 triệu đô vào cổ phiếu ưu đãi của US Airways bốc hơi, Warren Buffett đã né tránh ngành này gần 3 thập kỷ. Ông từng nhận định: "Hàng không là ngành nghề kinh doanh tồi tệ nhất thế giới này là kiểu tăng trưởng nóng, cần vốn khủng để thúc đẩy phát triển, và sau cùng chẳng kiếm bao nhiêu".
Thậm chí, trong đại hội cổ đông của Berkshire năm 2013 - lúc thị giá của Delta Airlines chỉ khoảng 20$ (bây giờ là 50$), ông đã gọi cổ phiếu hàng không là "cú lừa chết người". Do đó, việc chuyển hướng đầu tư qua các công ty hàng không của Warren Buffett là một quyết định gây sốc đối với nhiều người theo dõi ông.
Một trong những câu nói nổi tiếng của Buffet
Tại sao Buffet thay đổi?
Một vài lý do quan trọng khiến Buffet phản ứng tích cực với nhóm cổ phiếu ngành hàng không được giới đầu tư đưa ra.
• Một là, nhà tỷ phú đặt nhiều niềm tin vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu đi lại bằng máy bay sẽ khiến cho cổ phiếu hàng không trở nên hấp dẫn.
• Hai là, giá dầu thấp. Đặc thù ngành hàng không có chi phí nhiên liệu và chi phí nhân công là 2 loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, khi giá dầu giảm, lợi nhuận sẽ tăng. Giá dầu năm vừa qua "dặt dèo" mức 50$ một thùng nên nhiều người dự đoán sắp tới sẽ là thời kỳ của nhiên liệu rẻ.
Bằng chứng cho thấy Buffett tin rằng giá dầu thấp sẽ còn tiếp diễn càng rõ thêm trong quyết định bán đi toàn bộ 22,3 triệu cổ phiếu công ty Suncor Energy - một nhà sản xuất dầu và khí gas tại Canada trong quý 3/2016 vừa rồi.
• Ba là, mức định giá hấp dẫn. Nếu nhìn vào mức P/E của 4 cổ phiếu này, chỉ có 1 trong số đó được giao dịch tại P/E lớn hơn 10 là cổ phiếu của Southwest Airlines hiện có mức P/E 13. Mức trung bình của 4 cổ phiếu hàng không mà Buffet mua xấp xỉ 8,5 - bằng 1/3 so với P/E trung bình các cổ phiếu trên S&P 500.
• Bốn là, Buffet dự đoán rằng giá cổ phiếu, đặc biệt là ngành hàng không, sẽ tăng phi mã trở lại sau những lộn xộn của Brexit. Thị trường đã phản ứng thái quá đối với những gì mà Brexit có thể ảnh hưởng thực sự.
Còn quá sớm để kết luận liệu khoản đầu tư vào hàng không này của Buffet có thông thái hay không nhưng những gì "nhà đầu tư đại tài" này hành động đã thu hút rất nhiều chú ý của giới truyền thông cũng như đầu tư. Từng có câu chuyện hài về Buffet, khi được hỏi làm thế nào để trở thành một triệu phú. Ông đã trả lời: "Hãy trở thành tỷ phú và mua một chiếc máy bay". Nhưng đó là câu chuyện của những thập kỷ trước, giờ đây, Buffet đặt nhiều niềm tin hơn vào ngành công nghiệp tăng trưởng này.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hội tụ đủ các "anh tài" ngành hàng không
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây cũng rộn ràng quá trình lên sàn của nhiều doanh nghiệp lớn ngành hàng không. Tiếp bước Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines (HVN), Vietjet cũng sẽ lên sàn HoSE vào ngày 28/2 tới đây.
Sự góp mặt của Vietjet Air đã khiến cho sàn chứng khoán Việt Nam giờ đây đã hội tụ đủ các anh tài ngành hàng không. Bên cạnh hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, hãng hàng không tư nhân Vietjet và Tổng công ty Cảng hàng không ACV, trên sàn chứng khoán hiện còn nhiều doanh nghiệp dịch vụ hàng không với hoạt động kinh doanh rất đa dạng như: CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài – NoiBai Cargo (NCT), CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng – Masco (MAS), CTCP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất – Sasco (SAS), CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài – NoiBai Catering Services (NCS), CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN)...
Hoạt động trong lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, lại sở hữu nhiều lợi thế "độc quyền" nên các doanh nghiệp hàng không đều có kết quả kinh doanh rất tốt. Họ nổi tiếng với tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt rất cao. Giá cổ phiếu cũng có quá trình tăng giá khá tích cực. Ví dụ, giá cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) hiện tại đã tăng gấp đôi so với khi IPO năm 2014. Giá ACV thậm chí tăng gấp 3 lần so với khi IPO.
Đợt chào bán cổ phần ra ngoài của Vietjet mới đây đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước. Một số tổ chức tài chính lớn đã rót hàng chục triệu USD vào Vietjet như Quỹ GIC của Chính phủ Singapore, Dragon Capital, Chứng khoán HSC... Với giá tham chiếu chào sàn 90.000 đồng chỉ nhỉnh hơn chút so với giá bán ra ngoài, cổ phiếu Vietjet được nhiều công ty chứng khoán dự báo có thể tiếp tục tăng mạnh sau khi lên sàn.
Tuy nhiên điểm hạn chế của cổ phiếu ngành này là thanh khoản thấp do lượng cổ phiếu trôi nổi rất thấp, nhiều cổ phiếu độc lạ nhưng giao dịch trên UPCoM nên không được sử dụng margin. Bên cạnh đó, rủi ro về giá nhiêu liệu tăng, rủi ro tỷ giá luôn là những điều khiến người ta e ngại.
Trí Thức Trẻ