Thị trường bánh kẹo Tết 2017: Nội - ngoại cùng đua
Trong khi ở các siêu thị lớn, hàng Việt lấn lướt hàng ngoại thì ở các siêu thị mini, cửa hàng bán lẻ, hàng Việt chưa tạo được sức mua áp đảo.
- 12-12-2016Thị trường bánh kẹo: Hàng ngoại “át vía” hàng nội
- 16-08-2016Kiểm tra thủ phủ bánh kẹo “nhái”... La Phù
- 07-05-2016Bánh kẹo nhập khẩu hết “date”: Chỉ 1 giây thành hàng... mới sản xuất
Theo nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết trên địa bàn Hà Nội, năm nay, người tiêu dùng sẽ sắm Tết sớm hơn so với các năm trước. Nếu ở các siêu thị lớn, bánh kẹo Việt chiếm thế áp đảo (trên 80%) thì ở các cửa hàng bán lẻ, siêu thị mini lại đang diễn ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa hàng nội và hàng ngoại.
Đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở kinh doanh ở Hà Nội đã cơ bản nhập lượng hàng đủ cung ứng trong dịp Tết Đinh Dậu. Thị trường bánh kẹo, mứt năm nay rất đa dạng về chủng loại, nhãn hiệu, giá thành và cả nguồn gốc xuất xứ với các thương hiệu lớn như Bibica, Hải Hà, Kinh Đô, Hữu Nghị…
Dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất đầu tư nên không thua kém hàng nhập ngoại.
Trong khi đó, hàng nhập ngoại không chỉ bó hẹp ở một vài thương hiệu truyền thống từ châu Âu như Nga, Bỉ, Đan Mạch mà còn nở rộ các thương hiệu từ Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… Tại các siêu thị Co.opmart, VinMart, Big C chiếm phần lớn là những sản phẩm có xuất xứ từ các thương hiệu Việt. Những mặt hàng này được trưng bày tại các khu vực bắt mắt và tiện lợi cho người tiêu dùng lựa chọn.
Bà Dương Quỳnh Trang, đại diện siêu thị Big C cho biết, các loại bánh kẹo đóng hộp hàng Việt mà siêu thị chuẩn bị cho dịp Tết chiếm 90%, trong đó có 130 tấn các loại mứt, kẹo truyền thống. Đây là những nhóm hàng được siêu thị đặt trực tiếp từ những nhà sản xuất có uy tín, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, nhất là các chủng loại hàng hóa thực phẩm như bánh kẹo, sữa...
“Mặt hàng bánh kẹo, mứt tăng 300% so với các tháng khác và có đến 80% là hàng Việt Nam. Bên cạnh tập trung cải tiến mẫu mã, bánh kẹo Việt cũng chú ý nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau. Nhiều nhà sản xuất tung ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí Xuân. Đặc biệt, dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất như Kinh Đô, Bibica đầu tư nên không thua kém các nhãn hàng từ châu Âu”, bà Trang cho biết.
Theo khảo sát, các dòng sản phẩm làm quà biếu được các hãng sản xuất trong nước tung ra dịp này nhận được sự quan tâm của khách hàng. Bánh hộp thiếc Korento, Cananga, Salvia của Kinh Đô được nhiều khách hàng chọn mua với mức giá dao động từ 120.000-200.000 đồng/hộp.
Điểm nhấn năm nay của Bibica là sản phẩm kẹo mềm trái cây ngũ quả, phúc lộc thọ, kẹo cứng Phát Tài, Phát Lộc, với mức giá dao động từ 19.000-72.0000 đồng/sản phẩm. Ngoài ra, 2 dòng bánh cao cấp chủ lực của Bibica là Goody và Lạc Việt với bao bì sang trọng cũng được nhiều khách hàng lựa chọn.
Đang tham khảo mua hàng tại Siêu thị Co.opmart, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, ở quận Hoàn Kiếm cho biết, bánh kẹo năm nay có rất nhiều chủng loại, mẫu mã và giá thành cũng hợp lý. “Bánh kẹo Việt Nam nhiều mẫu rất bắt mắt, giá cũng hợp lý nên là lựa chọn số 1 của gia đình tôi”, chị Hằng cho biết.
Trong khi ở các siêu thị lớn, hàng Việt lấn lướt hàng ngoại thì ở các siêu thị mini, cửa hàng bán lẻ, hàng Việt chưa tạo được sức mua áp đảo. Từ khi thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng bánh kẹo giảm xuống mức 0% thì giá các loại bánh kẹo ngoại nhập không quá cao nên đây là một bất lợi cho hàng Việt.
Những sản phẩm nhập ngoại giá cao hơn từ 10-15% so với hàng nội nhưng đối với nhiều người, mức giá này có thể chấp nhận được nếu sản phẩm tốt. Hiện nay, bánh kẹo có xuất xứ từ Thái Lan xuất hiện khá nhiều tại các cửa hàng bánh kẹo trên các tuyến phố như Hàng Buồm, ngõ Gạch.
Bánh kẹo Thái Lan giá khá mềm, lại đa dạng về khẩu vị nên cũng được nhiều người tìm mua. Giá bánh kẹo Tết nhập ngoại năm nay không cao, dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.
Một chủ cửa hàng bán lẻ bánh kẹo tại phố Hàng Buồm cho biết, để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, cửa hàng nhập cả hàng nội và hàng ngoại với tỷ lệ tương đương nhau. Nếu mua về để thưởng thức, tiếp khách, đa số khách hàng chọn hàng nội. Nếu làm quà biếu thì hàng ngoại vẫn được ưu tiên hơn.
“Gần đây nhà sản xuất cũng có chế độ chăm sóc người bán chu đáo như tăng chiết khấu, giao hàng ngay nhưng hàng nhập ngoại nếu bị hư, lỗi gì người bán phải chịu hết. Hiện nay giá bánh hộp ngoại nhập tăng 20-25% so với năm ngoái, trong khi các thương hiệu bánh nội tăng khoảng 10-15% nên hàng nội bán rất chạy”, chủ cửa hàng cho biết.
Tuy thị trường bánh kẹo có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm nội, ngoại nhưng với tâm lý sắm Tết an toàn, cùng với sự chuyển biến trong nhận thức từ cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đã tác động trực tiếp và rõ nét đến xu hướng, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các thương hiệu tin cậy những ngày Tết.
Các sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc hay sản phẩm của các cơ sở coi nhẹ chất lượng, sức khỏe người tiêu dùng không còn được lựa chọn. Các nhà cung ứng vẫn hy vọng về sự thắng thế của hàng Việt trong mùa mua sắm năm nay./.
VOV