Thị trường bất động sản Thanh Hóa, Nghệ An sôi động cuối năm 2019
Đây là nội dung được chia sẻ tại hội nghị Thị trường bất động sản quý III/2019 do kênh thông tin batdongsan.com.vn, tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/10.
Mặc dù thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận chững lại nhưng thời gian gần đây, tại khu vực Bắc miền Trung, đặc biệt là hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An lại đang ghi nhận lượng giao dịch ngày càng sôi động.
Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản quý III/2019 được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây, thị trường đang sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm nhấn trong quý III/2019, VARS nhận định đến từ thị trường Thanh Hóa và Nghệ An. Hai thị trường này đang sôi động với các dự án đô thị và đấu giá đất nền. Đặc biệt, tỷ lệ hấp thụ tại khu vực này đạt mức 90%. Lượng giao dịch chung cư tại hai tỉnh này đạt hơn 400 sản phẩm, giá dao động từ 10 – 16 triệu đồng/m2.
Nghệ An và Thanh Hóa cũng được nhận định sẽ là thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư trong quý IV/2019 bởi việc phát triển các dự án tại đây đang diễn ra rất mạnh.
Tại Hà Nội, thị trường trong quý III đánh dấu sự sụt giảm cả về lượng cung và giao dịch so với quý II và cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là thời điểm mà tỷ lệ hấp thụ các dự án tại Hà Nội ở mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định: “Giá cả bất động sản tại thị trường Hà Nội trong thời gian qua gần như chỉ đi ngang. Đó cũng là lý do tại sao tình trạng đầu tư lướt sóng lãi nhanh từ bất động sản ở Hà Nội giảm mạnh”.
Còn đối với TP Hồ Chí Minh, quý III/2019 ghi nhận tỷ lệ giao dịch bất động sản nhà ở đang tăng mạnh. Tuy nhiên, lượng dự án có sản phẩm mới chào bán ra thị trường hạn chế, đặc biệt là căn hộ giá thấp.
"Căn hộ giá thấp tại TP Hồ Chí Minh đã bị đẩy giá vượt mức 25 triệu đồng/m2 và trở thành phân khúc trung cấp. Bởi vậy tại TP Hồ Chí Minh trong quý này không còn căn hộ giá thấp", ông Đính đánh giá.
Điểm khác biệt so với thị trường Hà Nội trong quý III là giá bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đang tăng mạnh. Theo đó, giá căn hộ trung cấp tiếp tục tăng khoảng 5% so với quý II, phân khúc cao cấp có sự chênh lệch lớn về giá bán.
Cụ thể, các dự án tại khu trung tâm có giá từ 100 triệu đồng/m2, có những dự án lên tới 200 - 300 triệu đồng/m2; các dự án tại quận 7, quận 2 dao động ở mức 60 - 75 triệu đồng/m2.
Tại các khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, quý III ghi nhận tất cả các loại hình nhà ở đều có sự chững lại và trầm lắng, thậm chí đối diện với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các dự án đã mở bán còn tồn kho rất nhiều và không xuất hiện giao dịch.
Tại các thị trường Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, quý III cũng không ghi nhận sự xuất hiện thêm của các dự án mới. Đặc biệt có một số dự án phải dừng hoạt động xây dựng. Lượng cung bất động sản ít, toàn vùng ghi nhận hơn 900 giao dịch thành công, chủ yếu là đất nền. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ thấp do các chính sách lãi suất ngân hàng cao, giá bán không tăng, dao động trên 10 triệu đồng/m2.
Riêng thị trường đất nền Bắc Giang, Chủ tịch VARS cảnh báo, có những thời điểm tăng giá ảo, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng, dẫn tới hệ luỵ xấu, tuy nhiên tình trạng này đã được kiểm soát.
Tại Quảng Ninh, chính quyền địa phương đang quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc chào bán các sản phẩm bất động sản, lượng cung hàng hoá ra thị trường hạn chế. Trong quý III, gần 300 sản phẩm mới đến từ 2 dự án là Ka Long Center City (đất nền) Grand Bay Ha Long (biệt thự, nhà liền kề) được chào bán ra thị trường. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 50%. Tại các thị trường như Vân Đồn, Uông Bí… lượng giao dịch cũng chững lại dù thì trường có nhiều tiềm năng.
Một số thị trường mới như Hòa Bình, Yên Bái, Lâm Đồng… dành được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, hiện các dự án phát triển tại các khu vực này đều trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa có sản phẩm chào bán ra thị trường", ông Nguyễn Văn Đính cho biết.
Báo xây dựng