Thị trường cà phê có tín hiệu lạc quan trở lại
Xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê trong nửa đầu tháng 3/2018 ở mức 1.929,9 USD/tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng trước.
- 14-03-2018Niên vụ cà phê 2017- 2018 có khả năng mất mùa
- 09-03-2018Xuất khẩu cà phê “bắt tay” vượt khó
- 06-03-2018Dự báo thị trường cà phê sắp sôi động trở lại, giá tích cực hơn
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, thời tiết hiện nay khá thuận lợi đối với người trồng cà phê tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù chưa chính thức vào mùa mưa, nhưng theo kinh nghiệm của người trồng cà phê, các trận mưa trên Tây Nguyên sẽ kích thêm mưa tại nhiều vùng khác nhau. Theo đó, niên vụ cà phê 2017/2018 được dự báo sẽ tốt cả về sản lượng và chất lượng, đồng thời giúp người nông dân tiết kiệm chi phí.
Theo Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, ước lượng xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ 2017/2018 sẽ chỉ đạt từ 30 - 40%. Trước đó, do nhu cầu tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, tồn kho hiện chỉ còn 50% và người dân chỉ bán cầm chừng cho đến hết niên vụ. Hiện lượng mua xuất khẩu không tăng mạnh, chủ yếu giao về các kho chế biến nằm gần cảng xuất khẩu.
Giá cà phê trong nước trong 10 ngày giữa tháng 3/2018 giảm theo giá cà phê toàn cầu. Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê giảm từ 0,8 – 1,3%, xuống còn 36.600 – 36.700 VNĐ/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê giảm từ 1,1 – 1,3%, xuống còn 36.800 – 36.900 VNĐ/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 3/2018 đạt 95,2 nghìn tấn, trị giá 183,74 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ tháng trước, tăng 18,3% về lượng và tăng 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 3/2018, xuất khẩu cà phê đạt 424,9 nghìn tấn, trị giá 825 triệu USD, tăng 16,2% về lượng, nhưng giảm 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê trong nửa đầu tháng 3/2018 ở mức 1.929,9 USD/tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng trước, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 3/2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.941,6 USD/tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, nhập khẩu mặt hàng cà phê của nước này trong tháng 1/2018 đạt 446,8 triệu USD, giảm 11,7% so với tháng 12/2017, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 5,8% so với tháng 1/2016. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung mặt hàng lớn thứ 4 tại thị trường Mỹ với tốc độ nhập khẩu tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần mặt hàng cà phê của Việt Nam tại Mỹ chiếm 7,8% tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 1/2018, cải thiện so với 6,3% thị phần trong tháng 1/2017.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) năm 201cho thấy, nhập khẩu cà phê của Đức đạt 1,177 triệu tấn, trị giá 3,79 triệu USD, giảm 1,7% về lượng, nhưng tăng 12,7% về trị giá so với năm 2016. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng cà phê của Đức trong năm 2017 ở mức 3,2 USD/kg, tăng 14,6% so với giá nhập khẩu bình quân trong năm 2016.
Tại thị trường thế giới, trong 10 ngày giữa tháng 3/2018, giá cà phê toàn cầu giảm. Giá cà phê giảm do đồng Real Brazil mất giá so với đồng USD. Trong khi đồng Euro và đồng Bảng Anh cũng giảm trước mâu thuẫn ngoại giao giữa Anh với nước Nga và áp lực của Brexit.
Giá cà phê còn chịu áp lực bởi Rabobank nâng ước tính dư cung trong báo cáo mới nhất. Rabobank đã nâng ước tính dư cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2017/2018 từ mức 1,5 triệu bao lên mức 2,6 triệu bao và cũng nâng ước tính dư cung cà phê toàn cầu niên vụ 2018/2019 từ mức 900 ngàn bao lên 3,2 triệu bao. Nguyên nhân thay đổi ước tính do sản lượng cà phê phục hồi từ các nước như Ethiopia và Nicaragua.
Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê sẽ ổn định và tăng trở lại, sự suy giảm lần này chủ yếu do tác động từ thị trường tài chính toàn cầu. Hiện nguồn cung cà phê Robusta cho thị trường thế giới chủ yếu từ Việt Nam, tuy nhiên giao dịch diễn ra cầm chừng.
Trong khi cà phê Robusta của Indonesia và Uganda phải nửa cuối năm nay mới ra thị trường, còn cà phê Conilon Robusta của Brazil phải đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của ngành công nghiệp trong nước rồi mới xuất khẩu.
Trong khi đó, tồn kho cà phê lại giảm. Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến ngày 12/3/2018 đã giảm thêm 4.590 tấn, tức giảm 5,3 % so với tuần trước đó, xuống còn 81.990 tấn. Đây là tuần sàn London có số tồn kho giảm đáng kể trong quý đầu năm 2018. Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Hoa Kỳ cũng báo cáo tồn kho tháng 2/2018 giảm thêm 88.613 bao, giảm 1,34%, xuống còn 6.524.867 bao vào cuối tháng. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp GCA báo cáo giảm.
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 2/2018 giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 141.300 tấn, trong đó trên 90% là cà phê Arabica.
Nhịp sống kinh tế