MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường cà phê tại nước tỷ dân chỉ tăng chứ không có giảm, Trung Nguyên Legend có cơ hội đấu lại ông lớn Starbucks?

25-10-2022 - 06:00 AM | Thị trường

Thị trường cà phê tại nước tỷ dân chỉ tăng chứ không có giảm, Trung Nguyên Legend có cơ hội đấu lại ông lớn Starbucks?

Không giống nhiều thị trường khác, ngành công nghiệp cà phê của Trung Quốc ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Điều này khiến cuộc chiến tranh giành thị phần của các thương hiệu cà phê ngày càng khốc liệt.

Xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh

Các chuyên gia cho rằng, Starbucks đã thúc đẩy văn hoá cà phê ở Trung Quốc kể từ khi nó xuất hiện vào năm 1999, thiết lập tiêu chuẩn ngành về giá cả và sản phẩm.

Tuy nhiên, sau hai thập kỷ, gã khổng lồ chuỗi đồ uống toàn cầu hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trước các đối thủ cả trong và ngoài nước.

Các thương hiệu cà phê trong nước như Manner Coffee, SeeSaw và M Stand được sự hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm, đã ghi nhận mức tăng trưởng “thần tốc” trước khi dịch bệnh bùng phát.

Các thương hiệu ngoại như Tim Hortons của Canada, Lavazza của Italia và Blue Bottle từ Mỹ đã tham gia thị trường lần lượt vào các năm 2019, 2020 và 2022. Ông Bernie Gao, một nhà phân tích thực phẩm và đồ uống tại Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu thị trường Mintel, cho biết, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng tiện lợi có lợi thế bán cà phê cao nhờ mạng lưới cửa hàng rộng lớn của họ.

Thị trường cà phê tại nước tỷ dân chỉ tăng chứ không có giảm, Trung Nguyên Legend có cơ hội đấu lại ông lớn Starbucks? - Ảnh 1.

Theo Mintel, ngành công nghiệp cà phê của Trung Quốc sẽ tăng gấp ba lần lên 189 tỷ nhân dân tệ (khoảng 26,3 tỷ USD) vào năm 2027 (Ảnh: Jingdaily)

Vào tháng 9, Starbucks đã mở cửa hàng thứ 6.000 tại Trung Quốc. Hiện chuỗi này đang chiếm 4,4% tổng số cửa hàng cà phê ở Trung Quốc, đứng sau chuỗi K-coffee của KFC với 8.500 cửa hàng, chiếm 6,2%. Các cửa hàng tiện lợi Lawson và Family Mart's Par Cafe cũng nằm trong số 5 chuỗi cà phê hàng đầu.

Các nhà đầu tư cho rằng thị trường đã qua thời kỳ đỉnh cao, phần lớn nguyên nhân là do đại dịch. Ông Mario Zaccagnini, Giám đốc bán lẻ của CBRE East China cho biết: “Tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc tiếp tục tăng, mặc dù nó đã mất đi một số động lực ban đầu mà nó được hưởng từ hơn 20 năm qua”.

"Các đợt phong toả đã có tác động tiêu cực đến tất cả các đơn vị bán lẻ. Các cửa hàng cà phê cũng không khác gì năm ngoài, trừ khi mô hình kinh doanh chủ yếu dựa vào dịch vụ mang đi và giao hàng”.

Vào năm 2019, Starbucks đã giới thiệu một mô hình cửa hàng bán lẻ nhanh, Starbucks Now, cho phép khách hàng và người đi giao hàng nhận các sản phẩm đã đặt trước. Đầu năm nay, công ty đã hợp tác với Meituan để cung cấp dịch vụ giao hàng và đặt hàng trên thiết bị di động. Nó cũng vẫn vận hành ứng dụng đặt hàng và khách hàng thân thiết của riêng mình.

Trong một thị trường ngày càng bão hòa, các thương hiệu lớn có thể có lợi thế thương lượng so với các đối thủ cạnh tranh độc lập.

Ding Zhenwei, một chủ sở hữu có 5 năm kinh nghiệm trong ngành, đang cân nhắc đóng cửa Fate Coffee, cửa hàng nhỏ bên đường của ông ở Thượng Hải, do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm các hạn chế của COVID-19, tiền thuê trong thời gian phong toả, chiết khấu hoa hồng cao trên các nền tảng giao đồ ăn và không có khả năng tiếp thị trên mạng xã hội.

Starbucks cho biết họ có kế hoạch thâm nhập 70 thành phố mới và mở thêm 3.000 cửa hàng ở Trung Quốc vào năm 2025. Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks về số lượng cửa hàng, vượt qua thị trường Mỹ - vốn chỉ có dưới 9.000 cửa hàng thuộc sở hữu trực tiếp vào năm 2021.

Trung Quốc chiếm khoảng 12,7% trong tổng doanh thu 2,9 tỷ USD năm 2021 của Starbucks, trong khi Mỹ đóng góp hơn 70%. Điều này cho thấy Starbucks tại Trung Quốc đang cố gắng trở thành thị trường lớn trên thế giới.

Sự thâm nhập của thương hiệu Việt 

Ngày 21/9 cửa hàng đầu tiên của Tập đoàn Trung Nguyên tại thị trường Trung Quốc đã chính thức khai trương. Đây là cửa hàng Thế Giới Cà Phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại thị trường quốc tế, tọa lạc tại Trung tâm thương mại Taikoo Hui, 699 đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải, Trung Quốc.

Thị trường cà phê tại nước tỷ dân chỉ tăng chứ không có giảm, Trung Nguyên Legend có cơ hội đấu lại ông lớn Starbucks? - Ảnh 2.

Cửa hàng đầu tiên của Trung Nguyên Legend tại thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Để cạnh tranh ở bất kỳ lĩnh vực nào tại thị trường tỷ dân này cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản cho các doanh nghiệp tới từ quốc gia khác, bao gồm Việt Nam.

Tuy nhiên, sức cạnh tranh của thương hiệu Việt là hoàn toàn khả thi với nhiều lợi thế. Theo xếp hạng từ Chnbrand (Trung Quốc), thương hiệu cà phê G7 của Trung Nguyên Legend đã trở thành thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng tại thị trường tỷ dân, giữ thị phần lớn thứ hai trên thị trường thương mại điện tử.

Theo số liệu từ Tập đoàn Trung Nguyên, tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend được bán ra tại Trung Quốc, và trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra trên toàn Trung Quốc thì có 1 ly cà phê đến từ thương hiệu Trung Nguyên Legend.

Thị trường Trung Quốc cũng có nguồn cung đa dạng từ gần 80 quốc gia tập trung chính từ Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil… Trong đó, thống kê từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn đầy tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt từ năm 2018 đến nay. Từ vị trí thứ 12 vào năm 2018, đến 2021 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 8 của Việt Nam.

Có thể thấy, Trung Nguyên đang có những cơ hội rõ ràng để bứt phá tại thị trường cà phê tỷ dân, đặc biệt là khi một trong những thương hiệu của tập đoàn đang được ưa chuộng tại đây.

Tham khảo: SCMP

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên