Thị trường chứng khoán tiềm ẩn rủi ro từ sự tăng nóng
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, dòng tiền góp phần làm nóng thị trường một phần rất ít từ các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Đây là biểu hiện của thị trường đầu cơ, ngắn hạn, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
- 04-06-2021Phó Chủ tịch UBCKNN: "Margin thị trường cuối tháng 5 hơn 112.000 tỷ đồng, mặt bằng chứng khoán đã lên cao, tạo ra rủi ro khi điều chỉnh"
- 04-06-2021Tăng bằng lần từ đầu năm, cổ phiếu ngành chứng khoán có còn hấp dẫn?
-
Có lẽ Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách giảm lãi suất lúc này dựa trên dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ giảm mà không quá quan tâm tới việc FED sẽ tăng bao nhiêu điểm % trong kỳ họp tới, bởi vì mục tiêu trợ giúp cho nền kinh tế quan trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát trong nước có dấu hiệu giảm dần
-
Giả sử với biên lãi suất khoảng 3% thì các ngân hàng thương mại ước chừng có 6.000 tỷ đồng lợi nhuận từ dòng tiền KBNN gửi
Giữa đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ tư với diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán cũng đang chứng kiến dòng tiền ồ ạt tham gia. Điều này khiến thanh khoản tăng vọt trong những phiên gần đây, đặc biệt là sau khi VN-Index vượt 1.300 điểm. Trước sự tăng trưởng đột biến này, có rủi ro nào cho thị trường, nhà đầu tư và cả nền kinh tế? Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS).
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS)
- Thưa PGS.TS, sự tăng mạnh của thị trường chứng khoán ngay trong lúc nền kinh tế còn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh bùng phát, các nhà máy đóng cửa và phải tăng cường giãn cách xã hội, cho thấy điều gì?
PGS.TS. Phạm Thế Anh: Trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay, vẫn có một số ngành nghề, doanh nghiệp có sự xoay sở tốt, như ngành ngân hàng là một ví dụ. Nhìn vào con số tăng trưởng trong năm 2020 và quý 1/2021 sẽ thấy, ngân hàng tăng trưởng mạnh và có nhiều thuận lợi như lãi suất đầu vào giảm, lãi suất đầu ra giảm chậm hơn đã đưa lợi nhuận của các ngân hàng lên cao.
Đây là một phần hiệu ứng của chính sách tiền tệ mở rộng, khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng bằng cách hạ lãi suất, thì lãi suất huy động giảm theo, còn lãi suất cho vay do các ngân hàng quyết định giảm chậm hơn. Tuy nhiên, khi giảm lãi suất đầu ra, các ngân hàng cũng phải tính đến rủi ro trong tương lai, nếu gặp phải vấn đề nợ xấu, nhất là thời kỳ Covid bùng phát, quá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, xin khoanh nợ, giãn nợ.
Sự tăng nóng của thị trường chứng khoán gần đây đã phần nào phản ánh diễn biến nền kinh tế, không chỉ đối với lĩnh vực ngân hàng, mà một số doanh nghiệp khác có giá đầu ra tăng, khiến họ kiếm được lợi nhuận cao. Hoặc những doanh nghiệp tận dụng được lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do FTA cũng có sức tăng trưởng tốt. Chính vì dịch bệnh đã phân hoá nền kinh tế rõ rệt, người được hưởng lợi thì làm ăn tốt, người gặp khó khăn thì phải rút lui.
Và có lẽ, thị trường chứng khoán đang ở trong giai đoạn phân kỳ, nghĩa là nó đang đi nhanh hơn so với kết quả thực của doanh nghiệp, với 2 nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất là do dòng tiền đầu cơ trong thời kỳ bệnh dịch, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, nhiều ngành nghề đi xuống. Do vậy, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp gặp khó khăn có thể đi vào thị trường.
Thứ hai là các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, tiền gửi trong ngân hàng lãi suất thấp, thì người dân sẽ có động thái dịch chuyển một phần tiền tiết kiệm của họ vào những kênh sinh lời tốt hơn. Đó cũng là quy luật tất yếu của thị trường.
- Với đà tăng này, nhà đầu tư, thị trường và cả nền kinh tế phải đối mặt với những rủi ro gì, thưa ông?
PGS.TS. Phạm Thế Anh: Về bản chất, nhà đầu tư cần phải nhận thức được cả cơ hội cũng như rủi ro khi xác định đầu tư chứng khoán. Họ cần có kiến thức tài chính, quản trị tốt tài sản, đo lường rủi ro và đối mặt với những mất mát có thể gặp phải. Khi thị trường tăng nóng, giá cổ phiếu lên cao quá so với giá trị thực, sẽ đến giai đoạn đổ vỡ về giá.
Hiện nay, để nhận định về thị trường là rất khó, không thể đoán trước lúc nào nó sẽ thoái trào.Vì thị trường phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, kéo theo là hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực. Nếu mọi thứ còn khó khăn, tiền nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp chưa biết đổ vào đâu và mặt bằng lãi suất còn thấp, thì sức nóng của thị trường chứng khoán chưa thể ngừng. Còn khi lãi suất nâng lên và giá trị các cổ phiếu đã quá cao so với định giá thực, cổ phiếu sẽ chững lại hoặc đảo chiều.
Lãi suất là một yếu tố quan trọng, khi lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại thì thị trường sẽ nguội dần, bất kể thị trường nào cũng vậy.
Một điểm đáng lưu ý đó là, hiện tượng hàng nghìn nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường mỗi ngày cho thấy sự chạy theo số đông đang gia tăng không ngừng. Khi nhà đầu tư tham gia thị trường giao dịch thứ cấp, mua đi bán lại, hưởng chênh lệch giá, nên dòng vốn cũng không đi vào doanh nghiệp, vô hình chung đẩy định giá lên cao. Như vậy, dòng tiền đã góp phần vào làm nóng thị trường, mà một phần rất ít từ các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Đây cũng là biểu hiện của thị trường đầu cơ, ngắn hạn, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Hai phiên gần đây, chỉ riêng buổi sáng, giá trị giao dịch của HoSE đã lên gần 1 tỷ USD, con số mà trước đây phải giao dịch trong cả phiên mới đạt được
- Vậy các cơ quan quản lý cần có hành động gì để giảm thiểu các rủi ro đang hiện hữu trên thị trường, thưa ông?
PGS.TS. Phạm Thế Anh: Về vấn đề này, các cơ quan điều hành nên dùng chính sách vĩ mô để quản lý nền kinh tế và đưa ra cảnh báo với các nhà đầu tư tham gia thị trường. Nếu họ chấp nhận điều đó thì để họ tiếp tục, chúng ta không nên can thiệp thị trường bằng biện pháp hành chính. Sự chuyển dịch của dòng tiền là một điều tự nhiên và bình thường của quy luật kinh tế, muốn điều hành, muốn giảm nóng thì phải thận trọng với chính sách tiền tệ.
Như tôi đã nói, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang là một phần khiến dòng tiền chảy sang thị trường chứng khoán. Có một thực tế là, khi công việc sản xuất kinh doanh khó khăn, tiêu biểu như ngành du lịch, khách sạn,... dù chính sách tiền tệ có nới lỏng bao nhiêu đi nữa, thì cũng không ai tiếp tục rót tiền vào, vì nó chưa đến lúc hồi phục, thậm chí càng làm, càng thêm khó.
Cho nên chính sách linh hoạt nhưng cẩn trọng là vấn đề tiên quyết, muốn hỗ trợ thì phải hỗ trợ cụ thể từng doanh nghiệp, từng ngành nghề, không nên nới lỏng chung chung bằng cách hạ lãi suất. Mặt khác, Nhà nước còn phải quan sát áp lực lạm phát để đưa ra các quyết định đúng đắn.
- Ông có đánh giá thế nào về chính sách tiền tệ của Nhà nước trong thời gian qua và cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp?
PGS.TS. Phạm Thế Anh: Về chính sách tiền tệ của Nhà nước, tôi đặc biệt lưu ý đến vấn đề cung tiền , cần phải kiềm chế tốc độ tăng cung tiền. Khi kiểm soát được tốc độ này một cách hợp lý với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thì không cần phải can thiệp mệnh lệnh hành chính, như cái cách can thiệp khống chế trần lãi suất, áp lãi suất hạ hiện nay.
Trong những năm qua, Việt Nam tăng cung tiền rất cao, từ 15-17%, ở giai đoạn dịch bệnh là từ 13-14 %, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 6%, thậm chí năm vừa qua chưa đạt đến 3%. Nhiều khi, tốc độ tăng này trong nền kinh tế còn nhanh hơn cả mức độ tăng của hàng hóa, dịch vụ nên giá cả tài sản đều có xu hướng tăng là tất yếu.
Tăng cung tiền mạnh cộng hưởng với lãi suất thấp thì đương nhiên tiền phải đi vào các kênh đầu tư tài sản, tài chính để sinh lời. Hôm nay là thị trường chứng khoán nóng, nhưng có thể ngày mai sẽ là thị trường bất động sản. Trước đó, thị trường bất động sản đã hạ nhiệt khi các cơ quan ban ngành đưa ra nhiều cảnh báo, kiểm soát rủi ro, cập nhật thông tin quy hoạch bất động sản minh bạch hơn. Tuy nhiên, theo tôi, cũng sẽ không kéo dài được lâu, có thể trong thời gian tới nó sẽ lại tiếp tục dịch chuyển từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản.
Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn doanh nghiệp