MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BVSC: Khi có sự lệch pha lớn giữa hai sàn, thị trường sẽ giảm điểm

Trong giai đoạn như hiện nay yếu tố lan tỏa dòng tiền không thực sự mạnh. Đà tăng giá của các bluechips khó kéo dài và do đó nhà đầu tư cần cảnh giác với thị trường giai đoạn này.

Tại hội thảo “Nhìn lại triển vọng TTCK Việt Nam 2013: Tín hiệu từ các chính sách vĩ mô” do CTCP Chứng khoán Bảo Việt tổ chức ngày 24/7, ông Nguyễn Xuân Bình, đại diện phòng phân tích của BVSC cho rằng khi có sự lệch pha lớn giữa hai sàn như ở thời điểm hiện tại, thị trường sau đó ắt sẽ giảm điểm.

Điều này được hàm ý rằng ở thời điểm hiện tại VN-Index tăng chủ yếu do ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi HNX-Index liên tục giảm điểm và không theo kịp Vn-Index về đà tăng điểm số cũng như khối lượng giao dịch. Điều này đã xảy ra vào khoảng tháng 5/2009, tháng 5/2011 và ở thời điểm hiện tại.

Trong giai đoạn như hiện nay yếu tố lan tỏa dòng tiền không thực sự mạnh. Theo nhận định từ phía BVSC, các mã bluechips có PE xấp xỉ 25 lần trong khi PE thị trường chỉ 13-14 lần, tức là các mã có yếu tố cơ bản tốt đã tăng giá mạnh và ở thời điểm hiện tại không hấp dẫn như thời gian trước. Đà tăng giá của các bluechips khó kéo dài và do đó nhà đầu tư cần cảnh giác với thị trường giai đoạn này.

Theo chuyên gia của BVSC, diễn biến của VN-Index sắp tới có thể giao dịch quanh điểm cân bằng khoảng 485 – 500 điểm và còn phải phụ thuộc vào diễn biến trên TTCK thế giới. Tuy nhiên để thị trường thực sự có tính hấp dẫn nhà đầu tư thì thị trường phải chiết khấu khoảng 10% so với thời điểm hiện tại, tức là nếu Vn-Index giảm về vùng 440-500 điểm sẽ hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn và các quỹ đầu tư.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực, PE của Thái Lan đang ở mức 16 lần, PE của Nhật Bản khoảng 25 lần (do Nhật thời gian qua thay đổi chính sách kinh tế bơm tiền mạnh và kích thích kinh tế), đối với Việt Nam mức PE sàn HoSE đạt 14 lần và sàn Hà Nội đạt 20 lần. Đánh giá tương quan thì PE của Việt Nam đang ở mức hợp lý chứ không rẻ nữa.

Tuy vậy không hẳn TTCK nào có PE thấp thì hấp dẫn bởi thực tế cho thấy nhiều nước có PE cao thị trường vẫn tăng mạnh, bởi đánh giá thị trường còn hấp dẫn hay không phải phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết từng năm.

Đánh giá về triển vọng TTCK Việt Nam 6 tháng cuối năm 2013, BVSC cho rằng sẽ không có nhiều chính sách vĩ mô mới được ban hành trong nửa cuối năm 2013 trong khi những chính sách đã ban hành cần thêm thời gian để phát huy tác dụng (tác dụng của các chính sách mới phản ánh chủ yếu trên khía cạnh đầu vào, đặc biệt là chi phí tài chính của các doanh nghiệp giảm mạnh).

Thứ hai, TTCK có thể chịu tác động từ biến động bất lợi của thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là khi hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang xuất hiện những yếu tố bất ổn. Thứ ba, quyết định của FED có thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng vào cuối năm nay hay không sẽ tác động rất lớn đến động thái của dòng vốn ngoại.

Về kỳ vọng mở room 10% cho khối ngoại thông qua cổ phiếu không có quyền biểu quyết, theo BVSC Bộ Tài chính sẽ cần phải cân nhắc nhiều trước khi thông qua chính sách này. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài nếu mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết chỉ muốn hưởng lợi về mặt tài chính, và họ chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp lớn đã hết room chứ không phải toàn bộ các doanh nghiệp trên thị trường. Do đó tác động của chính sách này không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi.

Thứ hai, việc mở room thông qua cổ phiếu không có quyền biểu quyết có thể gây ra tình trạng tại các doanh nghiệp gia đình trị, họ khống chế lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết và phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết, gây ra tình trạng cổ đông đóng góp tài chính lớn không có tiếng nói trong doanh nghiệp trong khi nhóm nắm ít hơn lại đưa ra quyết sách, tạo lợi ích cho công ty sân sau..

BVSC dự báo thời điểm cuối năm 2013 VN-Index sẽ trong khoảng 480-520 điểm, tăng truởng GDP ở mức 5,2%, lạm phát ở mức 6,1%, tăng trưởng tín dụng đạt 11-12%, tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết khoảng 5%.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên