Chứng khoán Dầu khí: Xu hướng tăng của các cổ phiếu ngành khí vẫn đang tiếp diễn
Theo PSI, việc tăng giá gas vừa qua sẽ có tác động tới doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) song việc tăng giá này chủ yếu là để cân bằng với giá khí đầu vào
Từ ngày 1/12, giá gas trong nước tăng từ 70 - 80 nghìn đồng/bình 12kg. Người tiêu dùng đương nhiên rất bức xúc, nhưng ngược lại, cũng có không ít nhà đầu tư chứng khoán thấy vui và tăng kỳ vọng vào những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hạnh – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán dầu khí (PSI) về thông tin này.
Ông đánh giá thế nào về tác động của việc tăng giá gas bán lẻ vừa qua đến KQKD của các doanh nghiệp thuộc ngành có liên quan?
Theo đánh giá của tôi thì việc tăng giá gas vừa qua sẽ có tác động tới doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) song việc tăng giá này chủ yếu là để cân bằng với giá khí đầu vào của các doanh nghiệp này.
Thời gian trước đây, các doanh nghiệp có thực hiện đầu cơ tích trữ LPG nhưng việc này từng khiến cho một số doanh nghiệp lỗ nặng. Do đó, hiện nay việc tích trữ LPG ít được các doanh nghiệp thực hiện.
Các công ty có thể được hưởng lợi nhiều hơn theo tôi là các công ty có hệ thống kho chứa lớn như PGS, PVG, PGC, ASP. Nhờ hệ thống kho chứa lớn nên hiện tại, họ có lượng hàng tồn kho giá rẻ hơn trước khi giá nhiên liệu thế giới tăng.
Bên cạnh các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh LPG bán lẻ thì việc tăng giá trên cũng sẽ tác động tới kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS). Theo tôi thì GAS sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhất trong đợt tăng giá này bởi vì GAS là đơn vị sản xuất ra khoảng 250.000 tấn LPG hàng năm từ nhà máy chế biến khí Dinh Cố. Việc tăng giá này sẽ khiến cho lợi nhuận từ hoạt động sản xuất LPG tăng mạnh.
Một đơn vị khác cũng nhận được hưởng lợi ích đáng kể là nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (BSR) khi đơn vị này sản xuất hàng năm tới 340.000 tấn LPG.
Trong các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tăng giá đầu ra LPG thì có PGS ít được hưởng lợi hơn do lợi nhuận của PGS đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh khí CNG từ nhà máy CNG của PGS cũng như từ Công ty con – CTCP CNG Việt Nam. Các doanh nghiệp còn lại sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tăng giá khí này.
Tuy nhiên, nếu giá khí thị trường thế giới biến động liên tục thì sẽ làm cho việc kinh doanh của các công ty bán lẻ LPG tương đối bị động. Đồng thời, các doanh nghiệp không dám tồn trữ hàng quá lâu do lo sợ những đợt điều chỉnh giá liên tục của nhà cung cấp hiện nay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn chịu tác động của những yếu tố nào?
Hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ LPG hiện nay ngoài chịu ảnh hưởng của biến động giá đầu vào thì tình trạng sang chiết gas lậu đang diễn ra khắp nơi cũng là mối đe dọa không nhỏ. Các đầu nậu thực hiện việc này bằng cách sử dụng vỏ bình gas của các hãng gas uy tín và bơm các loại khí kém chất lượng hơn và thu lợi bất chính.
Tình trạng này đã gây sức ép rất lớn lên các công ty bán lẻ LPG khi phải chi trả các khoản chiết khấu ngày càng cao cho các đại lý do các đại lý có những nguồn cung cấp khí lậu giá rẻ hơn rất nhiều so với các nhà cung cấp chính thức. Có thể thấy chi phí bán hàng của các doanh nghiệp phân phối khí hóa lỏng thường rất cao. Như PGS ở mức (9,8% doanh thu), PVG ở mức (4,5% doanh thu), PGC (7,2%doanh thu), ASP (4,1% doanh thu) và bình quân chi phí bán hàng/doanh thu của các công ty phân phối LPG đang niêm yết ở mức 6,4%.
Theo phân tích của ông thì xu hướng đầu tư ngành này trong thời gian tới như thế nào?
Về cơ bản, trong xu thế của ngành thì do hoạt động chủ yếu là hoạt động thương mại với biên lợi nhuận ở mức thấp nên lợi nhuận của riêng các công ty kinh doanh LPG thuần túy sẽ khó có sự bứt phá trong tương lai.
Chỉ có PGS có hoạt động kinh doanh CNG với mức biên lợi nhuận cao thì luôn tạo ra sự cách biệt về hiệu quả kinh doanh với các công ty khác trong ngành. Trong năm 2014, theo CTCP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Bắc (PVG) công bố gần đây thì họ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) triển khai dự án CNG Thái Bình. Chúng tôi cũng có sự kỳ vọng với PVG trong tương lai khi dự án này đi vào hoạt động thì kết quả kinh doanh của PVG có thể sẽ được cải thiện đáng kể theo hướng của PGS trong giai đoạn 2009 – 2010 trước đây, tức trước khi PGS bắt đầu đưa hoạt động kinh doanh khí CNG vào hoạt động.
Các doanh nghiệp khác chỉ kinh doanh đơn thuần LPG theo tôi sẽ hoạt động ở mức như hiện nay, có chăng là chi phí tài chính với các đơn vị có giảm hơn so với năm 2011 – 2012 nên kết quả kinh doanh có thể sẽ được cải thiện phần nào.
Về mặt kỹ thuật, tôi nhận thấy nhóm cổ phiếu này đã tạo đáy thành công trong khung thời gian dài hạn từ 2010 đến nay và thể hiện xu hướng phục hồi trung và dài hạn. Mô hình tạo đáy phổ biến vẫn là hình chữ W.
Xét về thanh khoản thì thanh khoản và dòng tiền không ngừng tăng trong 3 tháng gần đây, thể hiện kì vọng của nhà đầu tư vào nhóm này vẫn rất lớn. Tính trong năm 2013, tăng trưởng bình quân số học của nhóm này xấp xỉ 70% trong khi VN-index tăng trưởng khoảng 23,3%, HNX-index tăng trưởng khoảng 15,8% .
Bên cạnh đó, xu hướng tăng đang hiện hữu khi các chỉ báo sức tăng giá luôn ở mức cao. Các kháng cự trung hạn - dài hạn trên hầu hết cổ phiếu nhóm này đều đã bị phá vỡ, vì thế những kháng cự ngắn hạn ở phía trên rất yếu và ít ý nghĩa.
Tôi cho rằng, xu hướng tăng vẫn đang tiếp diễn.
Xin cảm ơn ông.
Hải Minh
Trí Thức Trẻ