MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán: Nội sát sao theo dõi ngoại

Quỹ ETF VNM lần đầu tiên kể từ đầu năm xuất hiện trạng thái chiết khấu giữa giá chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng.

Cùng với những biến động lớn về giá, tuần qua thị trường đón nhận thông tin mới: quỹ ETF VNM lần đầu tiên kể từ đầu năm xuất hiện trạng thái chiết khấu giữa giá chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng.

Cùng với đó là hiện tượng rút vốn khỏi quỹ này.

Thị trường đang bám sát các biến động của nhà đầu tư nước ngoài, khi mà trọn tháng 3, khối này đã rút ròng khỏi thị trường chừng 1.970 tỷ đồng, chưa tính các giao dịch bán thỏa thuận lớn khác. Nhìn vào quá khứ thì đợt hút vốn mạnh nhất của các quỹ ETF thường là trong quý đầu năm.

 Tháng 3 sắp kết thúc và rất có thể “quý trăng mật” của dòng vốn này mua ròng trên thị trường cũng chấm dứt.

Cũng là lần đầu tiên trong tuần, quỹ VNM có mức chiết khấu khoảng 1,3%. Biến động nguồn vốn của quỹ này đến ngày 27/3 cũng ghi nhận xuất hiện hai ngày rút vốn liên tục, khoảng  8,51 triệu USD, khiến mức vốn biến động trong 4 ngày đầu tuần này là -5,3 triệu USD. Tuy nhiên tính trong cả tháng 3, quỹ này vẫn huy động thêm được 26,87 triệu USD.

Nhìn vào chuỗi phiên bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 3, có thể thấy giao dịch tập trung lớn nhất vào hoạt động tái cân bằng danh mục của hai quỹ ETF.

Quỹ FTSE thực hiện bán ra trước trong tuần đầu tháng 3. Tiếp đến là quỹ VNM bán dồn dập vào trung tuần tháng 3 và “lân” sang hai phiên đầu tuần này. Sau các đợt bán đó, giao dịch bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã hạ nhiệt đáng kể.

Chẳng hạn trong tuần này, hai phiên đầu tuần ghi nhận mức rút vốn khoảng 388,5 tỷ đồng, chưa kể gần 439,5 tỷ đồng bán ròng qua phương thức thỏa thuận với MSN ngày 25/3. Trong 3 phiên cuối tuần, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hoảng 15,3 tỷ đồng.

Theo quy định, khi quỹ ETF huy động được vốn mới, quỹ sẽ phải giải ngân vào thị trường. Ngược lại, khi bị rút vốn, quỹ sẽ phải bán bớt cổ phiếu để cân bằng. Việc quỹ VNM bị rút vốn trong tuần này có vẻ mới mẻ khi nhà đầu tư quen nhìn vào chuỗi ngày mua ròng liên tục kể từ đầu năm 2014. Thực tế sau những đợt tái cân bằng danh mục, biến động vốn của quỹ ETF xảy ra thường xuyên và đi kèm với mức chênh lệch giá và giá trị tài sản ròng.

Chẳng hạn hai phiên quỹ VNM bị rút vốn ròng giữa tuần này là hai phiên xuất hiện tình trạng chiết khấu và giá giao dịch của chứng chỉ quỹ này giảm. Đến ngày 28/3, giá chứng chỉ tăng 1,45% và chứng chỉ lại xuất hiện mức thặng dư nhẹ (0,02%) thì có khả năng sẽ không bị rút vốn nữa. Thực tế các năm trước, có những tháng liên tục mức vốn của quỹ VNM hầu như không biến động.

Điều quan trọng hơn đằng sau việc quỹ VNM bị rút vốn là mức độ vốn chảy ra lớn như thế nào? Nếu dòng vốn bị rút đi càng lớn thì sức ép lên thị trường càng cao do quy mô bán ra tương ứng ở rổ cổ phiếu trên thị trường Việt Nam.

Chẳng hạn từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2013, quỹ VNM bị rút chừng 43,2 triệu USD và khi đó, thị trường trong nước đã chứng kiến một đợt sụt giảm khá mạnh. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài nói chung trong hai tháng này là bán ròng 2.019 tỷ đồng. Về mặt lý thuyết, khả năng bị rút vốn càng cao khi mức chiết khấu của chứng chỉ quỹ càng lớn và kéo dài.

Trong ngắn hạn, ảnh hưởng của việc rút vốn từ các quỹ ETF không lớn do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là xu thế rút vốn chưa rõ ràng và mức chiết khấu chưa rộng. Thứ hai, nguồn lực của nhà đầu tư trong nước đang rất tốt. Trong tháng 3, trung bình giá trị khớp lệnh mỗi ngày của thị trường khoảng 3.841 tỷ đồng. Hai tuần gần đây, quy mô này còn tăng lên 4.663 tỷ đồng mỗi phiên. Thứ ba thị trường đang trong một xu thế tăng giá với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 1 của các công ty niêm yết tích cực. Kỳ vọng này ít nhất còn kéo dài trong tháng 4.

Một điểm cũng cần lưu ý là hoạt động bán ra ghi nhận hàng ngày là tổng hợp của tất cả các vị thế của nhà đầu tư nước ngoài. Phần lớn các giao dịch bán trong tháng 3 thuộc về hai quỹ ETF, nhưng vài phiên gần đây, có dấu hiệu cơ cấu danh mục của nhà đầu tư nước ngoài khác.

Các giao dịch bình thường của tổ chức nước ngoài này (không phải quỹ ETF) hướng đến các cổ phiếu cụ thể và có thể trùng hoặc không trùng với một số cổ phiếu trong danh mục của quỹ ETF. Chẳng hạn DPR, VCF là hai cổ phiếu bị bán khá nổi bật trong tuần qua là mang tính cá biệt. Hoặc như HAG không chỉ đơn thuần là việc quỹ VNM mua vào.

Các giao dịch này có thể tác động đến giá của một số cổ phiếu cụ thể, hơn là đại diện cho một xu hướng.

Theo Người Quan sát

thanhhuong

BizLive/Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên