MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán thiếu vắng “đại gia” FDI

Thị trường chứng khoán thiếu những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn.

Hiện trên 2 sàn chứng khoán chính thức tại Hà Nội và TP.HCM mới chỉ có 7 doanh nghiệp niêm yết vốn là những doanh nghiệp FDI được chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Đó là các công ty cổ phần Mirae (KMR), Mirae Fiber (KMF), Công nghiệp Gốm sứ Taicera (TCR), Gạch men Chang Yih (CYC), Tung Kuang (TKU), Dây và Cáp điện Taya (TYA) và Full Power (FPC).

Tất cả 7 công ty FDI đang niêm yết hiện nay đều là những công ty có quy mô trung bình, chưa có cổ phiếu nào trong số này được coi là “blue chips” trên sàn chứng khoán.

Nhìn vào giá hiện nay của các cổ phiếu FDI đang niêm yết, có thể dễ dàng nhận thấy, mặt bằng giá của những doanh nghiệp này cũng ở mức khá thấp. Chẳng hạn, giá 1 cổ phiếu của KMR hiện chỉ khoảng 12.000 đồng, của KMF là trên dưới 11.000 đồng, của TCR 10.000 đồng, của CYC là 11.000 đồng, của TKU xấp xỉ 11.000 đồng, của TYA hơn 10.000 đồng và của FPC chỉ trên 13.000 đồng.

Theo một số chuyên gia chứng khoán, các công ty FDI niêm yết có đặc điểm chung là phần lớn cổ phần được chi phối bởi nhóm cổ đông sáng lập hoặc công ty mẹ có vốn nước ngoài.

Do đó, những doanh nghiệp này chỉ có thể niêm yết một phần trong số lượng cổ phiếu lưu hành, khiến cho tính thanh khoản có phần bị hạn chế. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên cũng gặp không ít khó khăn trong năm 2008.

Khách hàng của nhóm doanh nghiệp này chủ yếu là khối doanh nghiệp FDI ở Việt Nam và xuất khẩu, trong khi đây lại là 2 lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Dẫu sao, các doanh nghiệp FDI cũng có những thế mạnh riêng như kinh nghiệm triển khai các dự án sản xuất mang tính quốc tế, có trình độ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, thường chú trọng và có điều kiện áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại... Các doanh nghiệp này cũng gặp thuận lợi trong xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu về quê hương của công ty mẹ.

Giới phân tích cho rằng, nếu thị trường tiếp tục đà hồi phục trong thời gian tới thì đó sẽ là cơ hội tốt cho nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô lớn hơn niêm yết trên sàn chứng khoán.

Về mặt chính sách, cơ chế cho các doanh nghiệp FDI niêm yết hiện cũng đã thuận lợi hơn và đây có thể cũng sẽ là điều kiện tốt cho việc có thêm các doanh nghiệp FDI có chất lượng thực hiện niêm yết.

Theo quy định hiện nay, khi niêm yết, những doanh nghiệp FDI mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 49% vốn, thì vẫn được quyền giữ nguyên tỷ lệ sở hữu hiện hành.

Điều này cho phép, khi niêm yết, các doanh nghiệp FDI có thể niêm yết toàn bộ cổ phiếu hiện hành mà vẫn không bị phạm luật (tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài là 49%), thay vì chỉ niêm yết một cổ phần cổ phiếu như một số doanh nghiệp đã từng làm.

Khi doanh nghiệp niêm yết khối lượng cổ phiếu lớn, cổ phiếu sẽ có cơ hội tăng tính thanh khoản, nhờ đó sẽ tăng đươc sức hấp dẫn của cổ phiếu.

Theo Chí Tín
Đầu tư

khanhhoa

Trở lên trên