Chứng khoán tuần qua: Ấn tượng phiên 09/09, chờ đợi sự bùng nổ thanh khoản cuối tuần sau
Thật kỳ lạ là đa số mọi người đều thấy “ổn” và nhận thấy cú giảm điểm ngày 09/09 thật là cần thiết. Cũng trong phiên này, cả khối ngoại và tự doanh đều mua ròng rất mạnh.
Thị trường tuần qua ghi dấu ấn sâu đậm với phiên giao dịch ngày 09/09 khi VN-Index giảm tới 12,93 điểm, HNX-Index giảm 3,3 điểm và giá trị giao dịch 2 sàn hơn 6.700 tỷ. Các thành phần tham gia thị trường được phen thoải mái nhận định: một phiên thay máu, một cú lắc mạnh rũ bớt những đối tượng sử dụng margin, một phiên chốt lời đầy quyết đoán…
Nhưng thật kỳ lạ là đa số mọi người đều thấy “ổn” và nhận thấy cú giảm điểm này thật là cần thiết. Trong phiên ngày 09/09, cả khối ngoại và tự doanh đều mua ròng rất mạnh.
Sau ngày hôm đó, tiền vẫn tiếp tục rót vào thị trường, thanh khoản vẫn tốt. Cổ phiếu ngành dầu khí, bất động sản vẫn hút tiền. Và đáng chú ý, nhiều cổ phiếu Pennies trong ngành thủy sản, dầu khí tăng trần. Sự tăng giá của nhóm thủy sản được cho là nhờ những thông tin tích cực đến từ cơ hội xuất khẩu thủy sản sang Nga.
Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy một số mã riêng lẻ có xu hướng tăng giá sau thông tin thoái vốn của các cổ đông lớn như PVC, VDS, SAM, HAI… Riêng HAI – cổ phiếu của CTCP Nông dược H.A.I – vốn giao dịch khá “tẻ” thì sau thông tin SCIC hoàn tất thoái gần 8,7 triệu cổ phiếu tương đương 49,96% vốn điều lệ, đã tăng trần 6 phiên liên tục.
Với những động thái thoái vốn này, hoạt động giao dịch thỏa thuận cũng vẫn rất sôi động.
Thị trường tuần tới (15/09 – 19/09) được các công ty chứng khoán nhận định rằng sự hưng phấn vẫn duy trì. Đây cũng là tuần cuối cùng để hai quỹ ETF hoàn thành việc tái cơ cấu và phiên giao dịch cuối tuần có thể lại bùng nổ về thanh khoản.
Biến động chỉ số và thanh khoản
Chỉ một phiên giảm sâu tới 12,93 điểm trong ngày 09/09, mặc dù VN-Index tăng 4/5 phiên trong tuần nhưng tính chung, chỉ số vẫn giảm 6,2 điểm tương đương gần 1%, kết thúc tuần tại 632,5 điểm.
Cũng trong phiên 09/09, khối lượng giao dịch tăng đột biến lên 242,6 triệu cổ phiếu tương đương 4.149,5 tỷ đồng. Nhưng những phiên sau đó, khối lượng giao dịch đã giảm nhẹ so với tuần trước đó nên khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt 160 triệu đơn vị/ngày - tăng 1,1% so với tuần trước và giá trị giao dịch tăng 3%, đạt 2.737 tỷ đồng.
KBC tiếp tục được thỏa thuận tới 11,5 triệu đơn vị tương đương 173,3 tỷ đồng. Tuần trước, cổ phiếu này đứng đầu danh sách giao dich thỏa thuận trên HOSE với 20,6 triệu cổ phiếu tương đương 315 tỷ được trao tay. Trước đó, ông Đặng Thành Tâm - chủ tịch HĐQT của KBC đã đăng ký bán 41 triệu cổ phiếu để giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ 101.250.000 cổ phiếu tương đương 25,98% còn 60.250.000 cổ phiếu tương đương 15,46% trong thời gian từ ngày 20/8 đến 18/9.
SAM cũng không kém cạnh khi được thỏa thuận 15,5 triệu đơn vị tương đương 171,3 tỷ trong 2 ngày 09/09 và 10/09. Đây có lẽ vẫn là số cổ phiếu thỏa thuận do việc thoái vốn của VNPT.
(Đv: tỷ đồng)
Tương tự như sàn HOSE, sàn Hà Nội giảm mạnh 3,3 điểm tương đương 3,7% trong phiên ngày 09/09. Tuy nhiên trong các phiên sau, HNX-Index đã tăng trở lại khá mạnh và chốt tuần tại 89,5 điểm – tăng gần 1 điểm tương đương 1,1% so với cuối tuần trước.
Thanh khoản cũng tăng cao. KLGD khớp lệnh trung bình của sàn Hà Nội đạt gần 90 triệu đơn vị/ngày – tăng 16,3% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 1.182 tỷ/ngày – tăng 7,2%.
Đứng đầu danh sách thỏa thuận tuần này là VCS với việc được thỏa thuận liên tục từ ngày 09/09 – 12/09, khối lượng thỏa thuận gần 3,5 triệu đơn vị tương đương giá trị 126,7 tỷ. Trước đó, VCS công bố mua cổ phiếu quỹ với khối lượng tối đa là 10,6 triệu cổ phiếu, thực hiện từ ngày 09/09 – 08/10/2014 để hỗ trợ giá cổ phiếu và phục vụ tái cơ cấu trong ngắn hạn, dài hạn.
(Đv: tỷ đồng)
Giao dịch của khối ngoại
Trên sàn HOSE, tính chung cả tuần, khối ngoại bán ròng 9,7 triệu cổ phiếu tương đương bán ròng 72 tỷ đồng trong đó, vào phiên ngày 09/09, khối này mua ròng mạnh, đạt 118 tỷ đồng. Nhưng ngay phiên sau đó, khi nhà đầu tư nội hào hứng giúp thị trường tiếp tục tăng điểm thì khối ngoại bán ròng 144 tỷ và tiếp tục bán ròng 2 phiên cuối tuần.
Giống như tuần trước, VIC và FPT đứng đầu trong cả danh sách bán và mua của khối ngoại và giá trị mua bán khá cân bằng khiến cho lượng mua bán ròng không đáng kể.
Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:
Tại sàn Hà Nội, khối ngoại mua ròng cả tuần nhưng với giá trị không đáng kể. Tính chung cả tuần, họ mua ròng 11,3 triệu cổ phiếu tương đương 7,6 tỷ đồng.
PVS đứng đầu top mua bán của khối ngoại, tính ra cổ phiếu này bị bán ròng 55 tỷ. Còn PVC được mua 6,2 tỷ nhưng bị bán tới 23,1 tỷ.
Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:
Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE
Hành động khá tương đồng với khối ngoại trên HSX, vào ngày 09/09, tự doanh mua ròng 244 tỷ đồng. Trong tuần, họ chỉ bán ròng 44 tỷ vào ngày 11/09. Vì vậy tính chung cả tuần, họ đã mua ròng gần 3,7 triệu đơn vị tương đương 244 tỷ đồng.
>>> Câu chuyện về các cổ phiếu tăng trần
Hải Long