MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tuần qua: Những ngôi sao của dòng bất động sản – xây dựng lóe sáng

Dòng tiền thể hiện sự chuyển dịch từ khối ngân hàng và vốn hóa lớn sang các mã cổ phiếu bất động sản và midcap nhưng có vẻ hơi thiếu các cổ phiếu để giữ nhịp cho thị trường. Loại bỏ những thỏa thuận đột biến, cả khối ngoại và tự doanh đều đã mua ròng mạnh trong tuần qua

Tiếp đà hưng phấn từ tuần trước, VN-Index khởi đầu tuần bằng việc tiếp tục tăng điểm. Dòng cổ phiếu ngân hàng và GAS vẫn dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, thông tin chính thức của NHNN về việc không hoãn thông tư 36 được phát đi, thị trường đã bị cản bước. Tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng và cẩn thận chốt lời ở các mã cổ phiếu đã tăng điểm khá trong thời gian qua.

Đáng mừng là dòng tiền vẫn luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu khi có những dòng khác vụt sáng.  Đáng kể nhất trong số đó là các cổ phiếu Bất động sản – xây dựng khi duy trì được thanh khoản, thể hiện dòng tiền vào đều đặn, thậm chí đột biến tại nhiều mã. Có thể điểm qua những “ngôi sao” như OGC, CII, DLG.

Cổ phiếu OGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương gây chú ý ngay từ đầu tuần. Sau những thông tin xấu về việc phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của cơ quan điều tra, ngày 12/01, OGC tiếp tục giảm điểm mạnh kèm theo thanh khoản đột biến cực cao với 32,2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương 193,4 tỷ đồng - đứng đầu thị trường. Phiên “giải cứu” này đã hãm đà rơi của OGC và thậm chí tăng trần trong ngày hôm sau.

Cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM vào ngày 14/01 bất ngờ tăng mạnh 800 đồng, khối lượng giao dịch vọt lên 4,4 triệu cổ phiếu sau khi có thông tin tại Tp.HCM đã diễn ra buổi ký kết hợp đồng bán 30 triệu cổ phiếu LGC (CII B&R) và phát hành 1.020 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi cũng với cổ phiếu LGC. Đối tác ký hợp đồng với CII là Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC) – đối tác đến từ Philippines. Tổng giá trị của thương vụ đạt trên 1.950 tỷ đồng.

Cổ phiếu DLG trong ngày cuối tuần đã giao dịch đột biến hơn 9,5 triệu cổ phiếu, chốt phiên tăng 600 đồng lên mức giá sát trần 11.600 đồng với thông tin khả quan về các dự án BOT, tái cấu trúc. Công ty này đã đặt mục tiêu năm 2015 sẽ đạt 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, những thỏa thuận đột biến tại KBC, DBC do khối ngoại thực hiện cũng là những điểm gây chú ý và gây nhiễu cho dữ liệu mua bán ròng của khối này.. Nếu loại trừ những giao dịch tại các cổ phiếu này, khối ngoại đã mua ròng gần 150 tỷ trong tuần qua.

Biến động chỉ số và thanh khoản

Sau 2 phiên đầu tuần tăng điểm tốt, VN-Index đã đi chậm lại và thậm chí giảm điểm trong 2 ngày 14/01 và 16/01. Dù vậy, trong tuần qua chỉ số này cũng tăng được 5,1 điểm và đóng cửa phiên cuối cùng tại 574,8 điểm. Thanh khoản tiếp tục tăng với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 107,5 triệu cổ phiếu/ ngày tương đương 1.734 tỷ đồng/ngày, tăng 13,6% về khối lượng và tăng 13,9% về giá trị so với tuần trước.

 

Trong tuần qua, giao dịch thỏa thuận trên sàn HSX nổi bật ở KBC. Ngày 13/01, KBC được trao tay 13,9 triệu cổ phiếu với giá trị 217,4 tỷ đồng.

Cũng trong ngày này, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động được thỏa thuận với giá trị 81,1 tỷ; FPT được thỏa thuận 80,6 tỷ…

Về phía sàn Hà Nội, HNX-Index chuyển động rất dè chừng trong tuần qua và gây ấn tượng bởi các giao dịch thỏa thuận nhiều hơn. Chỉ số đã giảm 3/5 phiên, kết thúc tuần tại 85,35 điểm – giảm 0,3 điểm so với cuối tuần trước.

KLGD khớp lệnh trung bình của sàn HNX đạt hơn 50,2 triệu đơn vị/ngày – tăng 2,9% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt gần 665  tỷ/ngày – tăng 8,7%.

Về phía giao dịch thỏa thuận, vẫn tại ngày 13/01, cổ phiếu DBC được trao tay gần 7,4 triệu cổ phiếu, tương đương 220,6 tỷ đồng. Đây là số cổ phiếu cổ phiếu Red River Holdings, tức là tổ chức này đã thoái hết vốn khỏi DBC.

Vào ngày cuối tuần, cổ phiếu PSI cũng được thỏa thuận 7,5 triệu đơn vị tương đương 51 tỷ đồng. Đây có thể là phần vốn mà Quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội đã đăng ký thoái hết trước đó.

Giao dịch của khối ngoại

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua bán đan xen và bị ảnh hưởng bởi những cổ phiếu riêng biệt, ví dụ như KBC bị bán ròng 217 tỷ đồng vào ngày 13/01.

Tính chung cả tuần, khối ngoại bán ròng 4,6 triệu cổ phiếu nhưng mua ròng hơn 100 tỷ đồng.

 

Tại đây, khối ngoại mua ròng mạnh nhất là ở MWG (142,4 tỷ đồng), HVG (43,4 tỷ đồng), VCB (24,7 tỷ đồng), MSN (24,6 tỷ đồng). Họ bán ròng chủ yếu ở KBC (173,9 tỷ đồng), PVD (49 tỷ đồng), KDC (24 tỷ đồng), DXG (19,5 tỷ đồng)...

Tại sàn Hà Nội, cũng bởi giao dịch riêng tại cổ phiếu DBC khi Red River Holdings thoái vốn nên sàn này đã có một phiên đột biến giao dịch của khối ngoại vào ngày 13/01. Tính chúng cả tuần, khối ngoại bán ròng hơn 4,6 triệu cổ phiếu tương đương 204,5 tỷ đồng.

 

Trên HNX, họ bán ròng nhiều nhất ở DBC (221,3 tỷ đồng), PVS (28,1 tỷ đồng), trong khi mua ròng chủ yếu ở KLS (19,1 tỷ đồng), VCG (14 tỷ đồng)…

Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE

Tuần qua, khối tự doanh đã trở lại với việc mua ròng mạnh liên tục trong 3 ngày giữa tuần. Tính chung cả tuần, khối này đã mua ròng hơn 90 tỷ.

 

>>> Kịch bản đẩy trụ kéo dòng tiền đang lặp lại?

Hải Long

Minh Trang

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên