MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CK Bản Việt: Thị trường chứng khoán đang ở chân một con sóng dài

"Khi Chính phủ một quốc gia làm mọi cách có thể để kích thích nền kinh tế thì đó là dấu hiệu nền kinh tế đã ở đáy và là thời điểm mua vào chứng khoán. Việt Nam có lẽ đang ở thời điểm đó".

Thời gian vừa qua, dòng vốn ngoại đã ồ ạt vào Việt Nam qua cả con đường FDI lẫn FII. Thậm chí, khá nhiều công ty niêm yết (như MPC, AGD, CMX...) đã lên kế hoạch rời sàn đón vốn ngoại. Chúng tôi có trao đổi với bà Tôn Minh Phương - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích-Công ty Chứng khoán Bản Việt về vấn đề này.

Thưa bà, bà đánh giá dòng vốn ngoại ồ ạt như hiện nay tác động đến TTCK ra sao? Đến doanh nghiệp ra sao?

Thực ra chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này trong một bài phân tích về lựa chọn cổ phiếu mới hay chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết hồi đầu năm khi thị trường sôi động với đề xuất nới room cho khối ngoại.

Room ngoại khiến nhiều doanh nghiệp phải “hy sinh” cuộc chơi trên sàn chứng khoán.

Nghị định 55/2009/QD-TTg với mục đích bảo vệ các công ty nội địa đã không cho phép khối ngoại được sở hữu vượt 49% trong các công ty niêm yết hay công ty đại chúng. Quy định này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn sở hữu chi phối một công ty Việt Nam phải đạt được thỏa thuận trước tiên để đưa doanh nghiệp rời sàn chứng khoán. Còn nếu doanh nghiệp vẫn muốn niêm yết thì giới hạn của nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn ở mức 49%, khiến giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các cổ phiếu “nóng” này phần nhiều chỉ được thực hiện ở mức giá thỏa thuận cao hơn giá trên sàn.

Như vậy, sự cản trở ở room khối ngoại có thể khiến những doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng nhưng chỉ tìm được nguồn vốn ngoại bắt buộc phải “hy sinh” cuộc chơi trên sàn chứng khoán. Mặt khác rõ ràng khối ngoại cũng chỉ muốn tăng sở hữu ở những doanh nghiệp có tiềm năng, nghĩa là những doanh nghiệp phải rời sàn cũng nhiều khi là những doanh nghiệp thuộc nhóm trên.

Liệu dòng vốn ngoại có chảy mạnh vào TTCK thời gian tới đây hay không?

Chúng tôi tin rằng sẽ có làn sóng vốn ngoại vào TTCK. Gần đây phía báo chí cũng đã đề cập làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài từ Thái Lan sang Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử có thể thấy các nhà đầu tư này đã nhảy vào các thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Thái Lan và Indonesia sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997. Và suốt hơn 14 năm qua, 2 thị trường Thái Lan và Indonesia đã cho mức sinh lợi khoảng 20% mỗi năm cho họ.

 Sẽ có làn sóng vốn ngoại vào TTCK.
Hiện thời lợi suất trái phiếu của Việt Nam đã hạ xuống rất nhiều với kỳ hạn 1 năm lợi suất còn 6.7%-6.8%, 5 năm là 7.5%, 10 năm là 8.5%-9%; đường cong lãi suất trở về dạng bình thường và thậm chí là đang có độ dốc sâu hơn. Đây là tín hiệu rõ nhất về nới lỏng chính sách kích thích kinh tế trong nước.

Trong khi đó, đối với con mắt các nhà đầu tư nước ngoài, lợi suất trái phiếu này ở các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn đầu tư so với các thị trường như Mỹ khi Fed phát tín hiệu ngừng nới lỏng khiến lợi suất trái phiếu Mỹ xuông thấp hơn nữa.

Riêng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, Jim Rogers, người đồng sáng lập Quantum Fund với George Soros, đã từng phát biểu rằng lựa chọn thời điểm đầu tư của ông đôi khi rất đơn giản.

"Khi mà chính phủ một quốc gia làm mọi cách có thể để kích thích nền kinh tế, thì đó là dấu hiệu nền kinh tế đã ở đáy và đó là thời điểm mua vào chứng khoán. Việt Nam có lẽ đang ở đúng thời điểm đó".


Khá nhiều cổ phiếu tốt đang gần cạn room ngoại, theo bà, khối ngoại sẽ hành xử ra sao?

Chúng tôi thấy hiện khối ngoại đang rất quan tâm đến đề án nới thêm room ngoại của UBCKNN. Trước mắt là thông qua các hình thức cổ phiếu/chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Sau đó có lẽ họ sẽ tiến tới vận động để được tăng tỷ lệ sở hữu NN ở các ngành nghề cần được mở cửa theo lộ trình hòa nhập WTO hay các ngành nghề không có ảnh hưởng trọng yếu đến an ninh quốc gia (khối năng lượng, viễn thông, ngân hàng). Đây cũng là con đường mà rất nhiều quốc gia trong quá trình mở cửa đã và đang trải qua để gia tăng nguồn lực phát triển kinh tế trong nước.

Ngành nào có thể sẽ nhận được sự quan tâm của khối ngoại thời gian tới? Vì sao?

 

Các ngành bất động sản, xây dựng, năng lượng, một số lĩnh vực sản xuất sẽ nhận được sự quan tâm của khối ngoại.

Chúng tôi nghĩ là các ngành bất động sản, xây dựng, năng lượng, một số lĩnh vực sản xuất sẽ nhận được sự quan tâm của khối ngoại.

Với bất động sản thì sẽ xoay quanh chủ đề đầu tư vào các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thu nhập thấp, các dự án thiếu vốn triển khai (distressed assets) và các dự án có vị trí đắc địa mà chủ đầu tư có thể chấp nhận một phần chiết khấu nhỏ để phục vụ nhu cầu thanh khoản hiện thời.

Với ngành xây dựng sẽ là để phục vụ cho sự hồi phục của phân khúc bất động sản giá thấp và gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là các tỉnh miền Trung và phía Nam.

Với ngành năng lượng sẽ là để phục vụ nhu cầu về điện, nước cho hoạt động sản xuất và kéo theo đó của các ngành cung cấp nguyên vật liệu là khí và than v.v...

Các ngành sản xuất nhận được sự quan tâm sẽ là các ngành có tỷ trọng nhân công cao là lợi thế của Việt Nam hay các ngành được chính phủ ưu đãi thuế.

Khá nhiều midcaps có mức độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận không ổn định nhưng vừa qua cũng nhận được sự quan tâm khá lớn của các quỹ như Mutual Fund Elite, Asean Small Cap Fund....Việc mua vào của các quỹ này khiến thị giá không ít midcaps tăng cao hơn giá trị thực. Theo bà, những quỹ ngoại có đầu tư bền vững vào những midcaps này không? Bà có lời khuyên nào để NĐT tránh bẫy "đua" theo khối ngoại?

Chúng tôi cho rằng định giá là một nghệ thuật. Chúng tôi không nghĩ các quỹ này mua đuổi một cổ phiếu nào nếu bản thân họ nghĩ giá trị thực của cố phiếu ấy thấp hơn giá họ mua vào. Quan trọng là mức độ chịu đựng rủi ro và thời gian chờ đợi là bao nhiêu.

Định giá là một nghệ thuật. Các quỹ đang chọn các doanh nghiệp đang đứng trước giai đoạn khó khăn nhất, chờ đợi kinh tế phục hồi.


Các quỹ này chọn các doanh nghiệp đang đứng trước giai đoạn khó khăn nhất. Nếu các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ngắn hạn hơn thì có thể không chờ được tới lúc các doanh nghiệp này phục hồi trở lại và có lãi.

Còn với các quỹ mua vào các doanh nghiệp midcap như thế này, chúng tôi tin quan điểm của họ là dài hơi, chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế trước hết và sau đó là của doanh nghiệp. Thêm vào đó, mức độ chấp nhận rủi ro của họ cao hơn nên họ sẵn sàng chấp nhận một tỷ lệ đầu tư trên tổng số thương vụ thành công nhỏ hơn nhưng ở những thương vụ họ thành công thì mức độ sinh lời sẽ cao hơn rất nhiều.

Bà còn điều gì muốn chia sẻ với nhà đầu tư?

Chúng tôi nghĩ rằng nhà đầu tư nên xem xét chiến thuật đầu tư phù hợp ở giai đoạn đặc biệt này – lướt những con sóng nhỏ hay nắm giữ những cổ phiếu tốt ở chân một con sóng dài…

Trân trọng cảm ơn bà vì những chia sẻ rất hữu ích cho nhà đầu tư!

Thanh Hiên (thực hiện)

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên