MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông nhỏ từ chối quyền làm chủ

Chưa năm nào, ĐHCĐ của Tổng CTCP Vinaconex lại bình lặng như phiên họp chiều 20/4 vừa qua.

Doanh nghiệp lớn, nhiều cổ đông dự họp, nhiều vấn đề nóng, ban lãnh đạo lại toàn người mới, song phần chất vấn chỉ có duy nhất một cổ đông nhỏ đặt câu hỏi rất hiền. Sự thờ ơ của chính các cổ đông với quyền lợi của mình đặt ra câu hỏi: họ chán đóng góp ý kiến bởi đóng góp cũng như “ném đá ao bèo”, hay vì cổ đông nhỏ toàn NĐT lướt sóng?

Nhìn vào các báo cáo của HĐQT và Ban Tổng giám đốc VCG có thể thấy, năm 2012, Tổng công ty sẽ gặp nhiều khó khăn. Nặng gánh nhất là “cục nợ” Xi măng Cẩm Phả khi đây là năm bắt đầu phải trích khấu hao, dự kiến cả năm khoản trích lập gánh từ Xi măng Cẩm Phả lên tới 960 tỷ đồng. Trong khi đó, hiện tổng nợ ngân hàng của VCG là 747,8 tỷ đồng, đến tháng 5 tới đây, TCT này có khoản đáo hạn trái phiếu 2.348 tỷ đồng. Việc thoái vốn tại Xi măng Cẩm Phả đã được đặt ra cách đây 3 năm, năm 2011 được coi như nhiệm vụ trọng tâm của Ban lãnh đạo doanh nghiệp, song đến thời điểm này, việc đàm phán đến đâu, báo cáo của Ban tổng giám đốc VCG chỉ ghi chung chung “có thể chưa thực hiện được”.

Cũng bởi gánh nặng Xi măng Cẩm Phả, trong kế hoạch năm 2012, VCG không đưa ra chỉ tiêu cổ tức. Còn năm 2011, với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 102,6 tỷ đồng, chỉ bằng 22% so với thực hiện năm 2010, HĐQT VCG cũng đề nghị không chia cổ tức. Không chỉ chịu sức ép về tài chính, thị trường BĐS khó khăn khiến nhiều dự án của Tổng công ty có thể bị ảnh hưởng tiến độ. Năm 2012, những dự án nào sẽ cho doanh thu, dự án nào triển khai mới? Nếu chỉ nhìn trong tài liệu in sẵn, cổ đông không thể tìm được câu trả lời.

Ban chủ tọa của Đại hội cũng khá ngạc nhiên với sự kín tiếng từ các cổ đông nên đã nhắc đi nhắc lại đề nghị cổ đông suy nghĩ và cho ý kiến, song cũng chẳng có thêm ý kiến nào ngoại trừ câu hỏi đầu tiên của một cổ đông nhỏ về quan điểm lựa chọn dự án hiệu quả để đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Vinaconex đã lý giải sự dễ chịu này có lý do một phần từ việc trước Đại hội TCT đã có văn bản trả lời chi tiết mọi thắc mắc của cổ đông lớn, còn cổ đông nhỏ, cứ đọc báo cáo, “nói nhiều, cổ đông nghe nhức đầu hơn”. ĐHCĐ VCG kết thúc sớm hơn dự kiến vào 16h30 với kết quả cổ đông thông qua tất cả các nội dung trong tờ trình, đồng thời thông qua phương án phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, ĐHCĐ của các doanh nghiệp khác như CTCP Tasco, các ngân hàng lớn mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối cũng diễn ra bình lặng, phần chất vấn vốn là mục HĐQT, Ban tổng giám đốc các công ty đại chúng “ngán ngại” nhất, nhưng chỉ có 1 - 2 cổ đông lên tiếng, hỏi những câu vô thưởng, vô phạt.

Có 3 lý do giải thích cho sự thờ ơ của cổ đông các DN niêm yết.

Thứ nhất, bởi tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, cổ đông Nhà nước đủ để quyết định mọi vấn đề, cổ đông khác có “nói nữa, nói mãi”, mọi chuyện vẫn y nguyên, nên cổ đông chẳng buồn góp ý.

Thứ hai, nếu như trước đây, các quỹ đầu tư tham gia vào doanh nghiệp rất tích cực đóng góp ý kiến, phát biểu và phản biện ban lãnh đạo doanh nghiệp thì nay họ hoặc âm thầm thỏa hiệp từ trước, hoặc đầu tư cũng vì mục đích “đánh nhanh, rút nhanh” nên cũng không cần phát biểu trước đại hội.

Bên cạnh những người biết không muốn nói, cũng phải kể đến tỷ lệ rất lớn cổ đông nhỏ lẻ của các doanh nghiệp niêm yết mua cổ phiếu theo phong trào, đầu cơ, lướt sóng, vì vậy, dù tiếng là ông chủ, nhưng không rõ doanh nghiệp mình bỏ vốn vào đang vận hành ra sao, có khó khăn, vướng mắc gì khi hoạt động.

Cũng vì không hiểu biết và cũng không chịu tìm hiểu, nhiều cổ đông khi bị ảnh hưởng đến quyền lợi mới lớn tiếng “kêu cứu”, dù trước đó, chính họ đã giơ tay biểu quyết thông qua những điểm phản lại chính lợi ích của mình.

Mùa ĐHCĐ năm nay rất đáng chú ý tình trạng HĐQT một loạt ngân hàng cổ phần, công ty đại chúng đề nghị cổ đông trao họ toàn quyền quyết định mọi vấn đề về đầu tư, bán mua tài sản, thay đổi kế hoạch kinh doanh với lý do “để thích ứng linh hoạt với diễn biến thị trường”.

Lãnh đạo Vụ Quản lý Phát hành - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cơ quan quản lý không thể can thiệp cảnh báo tình trạng này vì nó thuộc quyền tự quyết của cổ đông các doanh nghiệp, nhưng trao quyền lớn cho HĐQT như vậy là cổ đông đã tự tước đi quyền làm chủ và vô trách nhiệm với chính đồng vốn của mình.

Theo Anh Việt
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên