MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên cổ phần hóa doanh nghiệp đường sắt bằng mọi giá?

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, cổ phần hóa doanh nghiệp không quan trọng bằng việc quản trị nó như thế nào cho hiệu quả.

Ngành Đường sắt nằm trong số hơn 400 doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước phải cổ phần hóa, sắp xếp lại trong năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay đang được dư luận quan tâm là làm thế nào để xóa bỏ tình trạng độc quyền và trì trệ của ngành Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Sự độc quyền đi liền với tiêu cực khiến cho người dân rất bức xúc.

Có nên cổ phần hóa ngành đường sắt bằng mọi giá hay không? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận về vấn đề này.

Cổ phần hóa phải thực chất

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, “cổ phần hóa ngành đường sắt là bài toán muôn thủa và gặp rất nhiều khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước trên thế giới đều gặp phải”.

Ông Kiên dẫn chứng: Nhìn ra thế giới, chẳng hạn như New Zealand, ngành đường sắt của họ vừa tư nhân hóa vừa doanh nghiệp nhà nước. Còn ngành đường sắt ở Anh, Đức và Pháp, vẫn có một phần sở hữu nhà nước trong đó.

Còn đối với Đường sắt Việt Nam, “cổ phần hay không không quan trọng bằng việc quản trị nó như thế nào để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra và đã giao cho ngành đường sắt thực hiện”.

Còn nếu muốn cổ phần hóa, theo ông Kiên, “phải thật hiệu quả và thực chất hơn. Đó là phải xác định thật rõ ràng, tách bạch việc gì Nhà nước làm, việc gì thuộc về thị trường. Nếu xác định được rõ ràng như thế, việc cổ phần hóa ngay bây giờ hay mai sau không thành vấn đề”.

Cho nên, ông Kiên cho rằng, việc đầu tiên đối ngành đường sắt là phải đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, xem doanh nghiệp đó hoạt động có lãi không. Phải đặt câu hỏi và trả lời vì sao những doanh nghiệp nhà nước làm việc trong lĩnh vực này không có lãi trong khi các doanh nghiệp thuộc phần thành kinh tế khác lại có lãi?

Một trong những nguyên nhân, ông Kiên chỉ ra là: Các doanh nghiệp có lãi vì áp dụng hệ thống quản trị hiện đại. Khi có lãi, chắc chắn bán cổ phần ra thị trường sẽ thu được nhiều lợi nhuận. Tức là khi doanh nghiệp đường sắt mà làm ăn có lãi, bán cổ phần sẽ thu lợi cho nhà nước nhiều hơn là đi bán một doanh nghiệp xập xệ, thụt lùi và lạc hậu.

Không nên cổ phần hóa bằng mọi giá

Theo ông Kiên, các doanh nghiệp không nên cổ phần hóa bằng mọi giá để rồi hiệu quả lại không cao và kết quả không được như mong muốn. Thay vào đó, cần làm theo một lộ trình, không chỉ riêng ngành đường sắt mà ngay cả các ngành khác trong số hơn 400 doanh nghiệp, các tập đoàn và các tổng công ty Nhà nước dồn dập cổ phần hóa trong 2 năm (2014 & 2015).

Bởi vì, cổ phần hóa phải từ từ với từng bài toán cho từng doanh nghiệp và phải có phương án cổ phần hóa cụ thể.

Hiện nay, cái khó đối với những người làm công tác điều hành trực tiếp hay quản trị doanh nghiệp, theo ông Kiên là cứ bị đưa ra hạn định thời gian để cổ phần hóa. Vì quá trình đổi mới của doanh nghiệp là quá trình đổi mới không ngừng. Nếu doanh nghiệp nào không đổi mới là tự chết. Cho nên, “khi khoa học công nghệ đổi mới thì phải đổi mới quản trị không ngừng, tiếp thu được đổi mới của KHCN mới đảm bảo được hiệu quả kinh doanh”- ông Kiên nhấn mạnh./.

Theo Thu Thủy

thunm

VOV

Trở lên trên