MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu caosu: Cổ tức cao, triển vọng thấp

Mặc dù kinh tế khó khăn, giá bán caosu giảm mạnh nhưng các DN sản xuất caosu vẫn ghi nhận KQKD ổn định, tỉ lệ cổ tức cao 30-50%, lợi suất theo thị giá giao dịch 6-10%.

Thậm chí nếu giá caosu tăng trưởng trở lại thì tỉ lệ cổ tức nhiều khả năng sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn triển vọng đầu tư vào các CP cao su khá thấp.

Việt Nam là nước sản xuất caosu tư nhiên đứng thứ 5 thế giới nhưng lại chỉ chiếm 9% sản lượng toàn cầu, vì vậy các DN sản xuất caosu trong nước không tạo ảnh hưởng đến giá caosu. Theo đánh giá, thặng dư caosu năm 2012 là 322 ngàn tấn giảm xuống còn 240 ngàn tấn trong năm 2013, nhưng sẽ tăng lên 450 ngàn tấn trong năm 2014.

Dự báo thặng dư của năm 2014 chủ yếu do Thái Lan và Indonesia, 2 quốc giá chiếm 60% sản lượng thế giới. Năm 2013, sản lượng caosu tự nhiên tăng nhẹ 3,9% so với năm 2012 và tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng này trong năm 2014. Cũng vì sản lượng tăng nên mặc dù thặng dư 2013 caosu thấp hơn so với năm 2012, nhưng giá caosu vẫn giảm giá 20% tính từ đầu năm.

Các DN sản xuất caosu tự nhiên niêm yết giao dịch trên sàn chủ yếu là DN thuộc Tập đoàn Caosu Việt Nam – VRG. Các CTCP Caosu Phước Hòa (PHR), CTCP Caosu Đồng Phú (DPR), CTCP Caosu Tây Ninh (TRC) đều có cấu trúc tài chính lành mạnh, tương tự nhau vì đều được VRG đặt ra giá bán mục tiêu và quỹ lương của từng Cty ngay từ đầu năm.

Do giá bán mục tiêu đã được VRG quy định nên các Cty không thể hưởng lợi nhuận lớn khi giá caosu tăng. Còn khi giá caosu giảm mạnh, VRG đưa ra giá bán sàn và điều chỉnh quỹ lương nên các Cty này cũng không bị thua lỗ. Đảm bảo biên lợi nhuận ổn định để chia cổ tức cao. Như vậy, có thể thấy mặc dù cổ tức chia cho cổ đông có tỉ lệ tốt nhưng các DN sản xuất caosu tự nhiên niêm yết vẫn hoạt động kinh doanh theo cơ chế kế hoạch, ít yếu tố thị trường.

Một đại diện khác của VRG là CTCP Caosu Hòa Bình (HRC) có hơn 50% diện tích vườn cây quá thời hạn khai thác, trên 24 năm so với mức trung bình là 20 năm. Các cây caosu già có năng suất khai thác thấp nên biên lợi nhuận của HRC cũng thấp hơn DN cùng ngành. DN caosu tự nhiên duy nhất không thuộc VRG là CTCP Caosu Thống Nhất (TNC) có quy mô khiêm tốn, chỉ 2.200ha nên triển vọng doanh thu trong 2-3 năm tới không cao. Triển vọng chỉ đến khi vườn cây 7.600ha của TNC tại Campuchia đi vào khai thác.

Với chỉ số P/E trung bình 6 lần đối với ngành caosu, theo phân tích của CTCP Bản Việt thì giá mục tiêu của PHR, DPR, TRC lần lượt là 30.000 đồng/CP, 54.000 đồng/CP và 50.000 đồng/CP. Với giá đang giao dịch hiện tại thì chỉ có DPR và TRC, cơ hội đầu tư vẫn còn.

Còn PHR đang giao dịch trên 30.000 đồng/CP. Riêng với TNC, CTCK VietinbankSC nhận định giá mục tiêu đầu tư là 13.000 đồng/CP còn hiện tại giá giao dịch vẫn quanh ngưỡng 14.000 đồng/CP, chưa phải là mức giá hợp lý mua vào. Hơn nữa, theo quy luật các CP caosu thường giảm giá vào tháng 11 và 12 do điều chỉnh theo giá trị cổ tức nhận được. Còn lại giá thường đi ngang trong biên độ 10%.

Như vậy, CP caosu tuy có cổ tức cao nhưng ít biến động, lợi suất đầu tư chỉ tương đương lãi suất gửi tiết kiệm. Sự phụ thuộc lớn vào VRG vừa là yếu tố hỗ trợ nhưng cũng vừa là rào cản phát triển của DN. Đây là những yếu tố làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của CP sản xuất caosu tự nhiên trong dài hạn.

Theo Thanh Sơn

thanhhuong

Lao động

Trở lên trên