MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 12/8: HPG, VCB kéo lùi thị trường

Trái ngược với diễn biến không mấy tích cực từ các Bluechips như HPG, VCB… thì VND đã có phiên giao dịch đi ngược xu thế giảm điểm của thị trường.

VCB: Giảm 1.500đ (3,1%) xuống 45.500đ

Thông tin giao dịch:

Sau khi tạo đỉnh 56.000đ vào đầu tháng 7, cổ phiếu VCB đã có đợt điều chỉnh khá mạnh kéo dài hơn 1 tháng. Đóng cửa phiên giao dịch 12/8, thị giá VCB chỉ còn 45.500đ, tương ứng mức giảm gần 19%.

Phiên giao dịch hôm nay, VCB đã “dẫn dắt” nhóm ngân hàng giảm điểm, kéo theo sự giảm mạnh của thị trường chung.

Áp lực điều chỉnh đè nặng lên VCB ngay từ những phút mở cửa đã khiến cổ phiếu giảm khá mạnh. Dù khoảng thời gian 10h30’- 11h, lực cầu bắt đáy tại hiện diện tại VCB nhưng dường như không đủ mạnh và cổ phiếu ngay lập tức quay trở lại xu hướng giảm điểm ngay sau đó.

Kết thúc phiên giao dịch, VCB giảm về 45.500đ, gần như mức giá thấp nhất trong phiên. Thanh khoản VCB ở mức khá với hơn 1 triệu đơn vị.

Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo cho VCB ứng với vùng 45.000đ.

Thông tin đáng chú ý:

Trong 6 tháng đầu năm nay, VCB đã đạt lợi nhuận trước thuế 3.400 tỷ đồng. Năm nay, VCB sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 17%. Cả năm 2015, VCB ước đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 6.000 tỷ đồng, nợ xấu dưới dưới 2,5%.

Từ năm 2016, hoạt động của ngân hàng Việt Nam sẽ tốt hơn, VCB tính toán ROE ở mức 12-15%, tăng tín dụng 17-18%/năm, tăng thu nhập ngoài lãi hiện 31%-32% sẽ được tăng lên, nợ xấu giảm. Năm 2016, VCB tiếp tục bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Về việc tăng vốn chủ sở hữu 4,5 tỷ USD vào 2020, VCB sẽ lấy nguồn từ phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài, từ nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu, từ nguồn phần từ M&A. Năm 2015, VCB sẽ tiến hành bán vốn cho cổ đông nước ngoài để giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ 77% xuống còn 70% và tiếp tục giảm xuống mức 65% trong thời gian tới.

 

VND: Tăng 200đ (1,4%) lên 14.700đ

Thông tin giao dịch:

Trong bối cảnh thị trường có phiên giảm điểm khá mạnh hôm nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã xuất hiện một số cổ “gương mặt” giao dịch khá tích cực khi đi ngược dòng thị trường, tiêu biểu như HCM, VND…

Những phút đầu phiên, diễn biến giao dịch tại VND không có nhiều điểm nổi trội, thu hút sự chú ý từ giới đầu tư khi chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu. Tuy vậy, kể từ thời điểm 10h10’ trở đi, VND bắt đầu lấy được sắc xanh và điều này được duy trì cho đến hết phiên giao dịch.

Mức tăng 200đ (1,4%) không phải là mức tăng quá mạnh, tuy vậy với việc thị trường chung đã điều chỉnh mạnh thì đó vẫn là tín hiệu hết sức tích cực so với mặt bằng chung.

Điểm đáng chú ý với VND là khối ngoại mua ròng khá mạnh trong phiên giao dịch với gần 580 nghìn đơn vị và đây là cổ phiếu được mua mạnh nhất sàn Hà Nội. Sự ủng hộ từ khối ngoại đã góp công không nhỏ vào phiên tăng điểm của VND.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu của VND đạt 221 tỷ đồng tăng 11% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ tương đương cùng kỳ năm trước kỳ, đạt 76,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến cho lợi nhuận sau thuế không đạt được bằng tốc độ tăng doanh thu là do chi phí quản lý doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đã tăng 34% so với cùng kỳ. Đại diện VNDirect cho biết việc chi phí quản lý tăng nằm trong chiến lược tăng thị phần do tăng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ. Sau 6 tháng của năm 2015, giá trị giao dịch qua VNDirect đã tăng trưởng 15% trong khi thị trường giảm 10%.

Trong quý 2, VND đứng thứ 2 về thị phần môi giới chứng khoán tại HNX, trong khi đứng thứ 5 về thị phần môi giới tại HSX.

 

HPG: Giảm 1.200đ (3,5%) xuống 33.300đ

Thông tin giao dịch:

Trong phiên giao dịch hôm nay, HPG là một trong những cổ phiếu Bluechip có mức giảm điểm mạnh nhất trên thị trường. Dù mức ảnh hưởng không lớn như VCB nhưng việc giảm mạnh của HPG đã gây nhiều tác động tiêu cực lên thị trường.

Cũng như nhiều cổ phiếu lớn khác trên thị trường, HPG đã chịu áp lực điều chỉnh mạnh ngay từ những phút đầu phiên giao dịch và càng về cuối phiên, lực bán càng tăng mạnh và khiến HPG đóng cửa phiên giao dịch tại 33.300đ.

Thanh khoản HPG tăng lên đôi chút so với những phiên gần đây, đạt gần 2,9 triệu đơn vị.

Hiện HPG đang giao dịch trong vùng giá 30.000đ- 36.000đ và 2 mức giá này sẽ đóng vai trò hỗ trợ/ kháng cự cho HPG.

Thông tin đáng chú ý:

Theo KQKD được công bố, HPG lãi sau thuế 1.902 tỷ đồng 6 tháng đầu năm với đóng góp 1.251 tỷ đồng của riêng quý 2, tăng 29,8% so với kêt quả quý 2 năm 2014.

Phần LNST dành cho cổ đông công ty mẹ riêng quý 2 của HPG đạt 1.239 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng HPG lãi ròng 1.888 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), tăng nhẹ 4,1% so với 6 tháng đầu năm 2014.

HĐQT Hòa Phát đã thông qua nghị quyết nới kế hoạch lợi nhuận năm 2015 từ mức 2.300 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng và cổ tức 2015 từ 20% lên 30%. Tuy nhiên tỷ lệ cổ tức chính thức năm 2015 sẽ được thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2016.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên