MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ tức èo uột lại còn khất

TTCK đi xuống cổ tức tiền mặt trở thành “cần câu” để NĐT vớt vát. Thế nhưng, niềm hy vọng về cổ tức đối với NĐT đang trở thành nỗi buồn khi nhiều doanh nghiệp hiện đang chi trả cổ tức thấp chưa từng thấy.

Trước đây, khi TTCK đi xuống cổ tức tiền mặt trở thành “cần câu” để NĐT vớt vát lại những khoản đầu tư thua lỗ. Thế nhưng, niềm hy vọng về cổ tức đối với NĐT đang trở thành nỗi buồn khi nhiều doanh nghiệp hiện đang chi trả cổ tức thấp chưa từng thấy.

Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ nét, các gói hỗ trợ triển khai còn chậm chạp, thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn là gam màu tối. Chính vì vậy, hoạt động chi trả cổ tức của doanh nghiệp cũng èo uột hơn.

Nếu như trước đây, mức chi trả cổ tức 10% đã bị cổ đông và NĐT “chán chê” thì nay mức chi trả này trở thành “hàng hiếm”. Trong các thông báo được doanh nghiệp niêm yết công bố gần đây, mức chi trả cổ tức của rất  nhiều doanh nghiệp chỉ xoay quanh mức 5%.

Chẳng hạn, CTCP Dệt lưới Sài Gòn (SFN) trả cổ tức tiền mặt đợt 3 năm 2012 với tỷ lệ chỉ vỏn vẹn 2% (200 đồng/CP), CTCP Kỹ thuật và Ôtô Trường Long (HTL) tạm ứng cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 5%, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) trả cổ tức đợt 2 năm 2012 với tỷ lệ 4%, CTCP Xây dựng số 3 (VC3) trả cổ tức đợt 1 năm 2012 với tỷ lệ 5%, CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) trả cổ tức đợt 2 năm 2012 với tỷ lệ 5%, CTCP Muối Khánh Hòa (KSC) trả cổ tức đợt 1 năm 2013 với tỷ lệ 7,4%. Thậm chí như trường hợp CTCP Thương nghiệp Cà Mau (CMV) trả cổ tức cho phần còn lại của năm 2012 và đợt 1 của năm 2013 cũng chỉ có 5%.

Cổ tức thấp đã đành, nhiều doanh nghiệp còn chây ì trong việc chi trả cổ tức cho cổ đông và NĐT. Mới đây, HOSE đã nhận được công văn của CTCP Chương Dương (CDC) xin gia hạn thời gian trả cổ tức đợt 1 năm 2011 đến tận năm 2014 với lý do nguồn tiền tập trung cho các dự án nên chưa thể thu xếp đủ tiền để thanh toán cổ tức vào ngày 15-8 như kế hoạch.

Ngay sau đó, HOSE đã có công văn nhắc nhở vì đây là lần xin gia hạn trả cổ tức lần thứ 3 của CDC. Tuy nhiên, kỷ lục về khất nợ đến thời điểm hiện nay chính là trường hợp của CTCP Sông Đà 7 (SD7). Sau nhiều lần xin lùi thời hạn trả cổ tức của năm 2010, doanh nghiệp còn muốn chẻ nhỏ để trả thành 2 đợt. Trong lần khất nợ mới nhất, SD7 tiếp tục lấy lý do chưa thu xếp được nguồn tiền và hứa sẽ thanh toán thành 2 đợt, trong đó đợt chi trả thứ 2 sẽ thực hiện vào tận cuối quý II-2014.

Thống kê của một tổ chức tài chính vừa được công bố cũng cho thấy sự suy giảm rõ rệt về mức chi trả cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể, nếu xét riêng trên HOSE trong năm 2007, số lượng doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt chiếm đến 67% lượng doanh nghiệp niêm yết, hơn 30% còn lại là các doanh nghiệp hoặc trả cổ tức CP, hoặc vừa cổ tức CP vừa trả cổ tức tiền mặt và chỉ có 2% doanh nghiệp không trả cổ tức.

Thế nhưng, đến cuối năm 2012, số lượng doanh nghiệp trên sàn tăng lên 286 đơn vị, tỷ lệ doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt và không trả cổ tức đã gần tương đương nhau với tỷ lệ 47% và 45%.

Không những số lượng doanh nghiệp chi trả cổ tức giảm mà tỷ lệ cổ tức trên thu nhập mỗi cổ phần (D/E) cũng giảm theo. Năm 2007, số lượng doanh nghiệp có D/E dao động trong khoảng 40-60% (chiếm ưu thế lớn nhất), kế đó là khoảng 20-40% và trong khoảng từ 0-20% chỉ chiếm 9,2%.

Đến cuối năm 2012, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ D/E trong khoảng 0-20% đã chiếm tới 47,5% tổng doanh nghiệp niêm yết toàn sàn. Diễn biến trên HNX còn bi đát hơn với số lượng doanh nghiệp không chi trả cổ tức chiếm 54% trên tổng số doanh nghiệp niêm yết trên sàn tính đến cuối năm 2012.

Theo Hải Hồ

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên