MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Con khỉ” trong chứng khoán

Bò tượng trưng cho thị trường giá lên và gấu là hình ảnh của thị trường giá xuống. Đây hiển nhiên là 2 con vật có nhiều liên quan với ngành CK. Nhưng thực ra, vẫn có những câu chuyện, hình ảnh cực kỳ thú vị giữa CK và… khỉ.

Câu chuyện nổi tiếng nhất chính là “Khỉ ném phi tiêu” trong cuốn sách “Bước đi ngẫu nhiên trên Phố Wall”, với đại ý là khi thị trường đang ở “trend” (xu hướng) tăng một con khỉ bị bịt mắt và ném phi tiêu vào danh sách CP cũng có thể chọn ra những CP tốt như các chuyên gia CK. Câu chuyện này không hàm ý so sánh khỉ với chuyên gia nói riêng hay dân CK nói chung, mà chỉ muốn nói đến hiệu ứng sóng lên thuyền lên, thị trường tăng, nhiều người (không phải tất cả) đều “có quà”.

Ngoài câu chuyện này, còn nhiều hình tượng khác trên TTCK cũng liên quan đến khỉ. Tôn Ngộ Không có lẽ là hình tượng con khỉ nổi tiếng và quen thuộc với rất nhiều người,từ đây người ta cũng luận, cũng ngộ ra nhiều chuyện liên quan đến CK. Một trong những phép thần thông được nhiều người yêu thích của Tôn Ngộ Không là “phân thân”, nghĩa là bứt lông trên người và thổi sẽ xuất hiện một loạt bản sao của mình.

Tính ra, phép phân thân này cũng khá giống với trò “in giấy” của nhiều doanh nghiệp (DN), không chia cổ tức bằng CP thì cũng phát hành CP vô tội vạ, vốn tăng, CP nhiều nhưng hoạt động kinh doanh của DN không cải thiện bao nhiêu. Nói đến đây, chắc nhiều người sẽ nhớ đến câu “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”, dù có mông má như thế nào, thông qua IR, quảng bá nhưng nếu DN không có nền tảng cơ bản, giá của CP cũng không lên mãi được, ngược lại còn giảm mạnh, cứ mãi đì đẹt. Và thực tế, năm 2015 những CP đầu cơ tăng giá ẩn chứa nhiều yếu tố bơm đẩy gần như không ngóc đầu dậy nổi.

Nếu như Tôn Ngộ Không chỉ nổi tiếng trong phạm vi châu Á, thì trên thế giới King Kong (khỉ đột khổng lồ) lại là một con vật nổi tiếng và xuất hiện trong nhiều bộ phim. Ấn tượng King Kong để lại là sự to lớn, hung dữ khi có thể tàn phá xe cộ, nhà cửa, trèo lên những tòa nhà cao nhất.

Những CP giá trị vốn hóa lớn, đầu ngành khi giảm giá cũng có thể ví như bị King Kong tàn phá, làm điểm số thị trường giảm và cả những CP khác cũng vạ lây. Khổng lồ, tàn bạo là vậy nhưng King Kong trong phim lại phải lòng người đẹp. Hầu như phần phim King Kong nào cũng có câu chuyện chú khỉ khổng lồ này kết thân với một mỹ nhân. Có lẽ đây là hàm ý đề cao cái đẹp, có khi được ví như cái thiện sẽ khắc chế được sự hung dữ.

Nhưng không phải lúc nào kết thúc cũng có hậu, trong một bản phim King Kong, hình tượng khỉ đột bế người đẹp chạy khỏi sự săn đuổi của loài người và cuối cùng lại bị rơi từ trên cao xuống chết tức tưởi vì cố bảo vệ người đẹp. Một chút liên tưởng đến hình ảnh của nhiều CP sau khi tăng mạnh, bước vào trend giảm, giá rớt liên tục, DN liên tục công bố tin tốt, những viễn cảnh đẹp đẽ, nhưng giá rớt vẫn rớt. Nhiều người lúc này chỉ ngậm ngùi nhìn CP và luyến tiếc về thời gian đẹp nhất của nó, đó là tăng liên tục, thanh khoản lớn, liên tục xác lập các đỉnh mới.

Những NĐT thường có tính mạo hiểm rất cao và điều này cũng tương đồng với những người thích đi đây đi đó để khám phá, cao cấp là các nhà thám hiểm, mà đại chúng hơn là dân “phượt”. Những người này thích đến những nơi chưa ai đặt chân, những vùng đất “khỉ ho cò gáy” ít ai biết đến. Dân CK cũng như vậy.

Cho đến trước năm 2014, sàn UPCoM cũng được ví như “chợ trời” - một nơi khỉ ho cò gáy mà không mấy dân CK quan tâm. Nhưng rồi lần lượt các công ty lớn xuất hiện tại UPCoM và số người tìm đến sàn này nhiều hơn. Nơi khỉ ho cò gáy bỗng chốc trở thành địa điểm ưa thích của các NĐT đến “đào vàng” với những CP tăng giá gấp đôi ba lần chỉ trong thời gian ngắn. Năm 2015, UPCoM đã không còn là nơi khỉ ho cò gáy mà trở thành một khu sinh thái được “quy hoạch” và “phát triển” rộng rãi hơn với nhiều du khách đến tham quan và có quà đem về. Nói đến đây, nhiều người chắc hẳn nhớ đến mô tuýp chủ đạo của phim “Sự nổi dậy của tinh tinh” (giống với khỉ), với nhiều phần khác nhau nhưng đại ý chung đó là khi con người muốn kiểm soát thiên nhiên, động vật quá mức sẽ nhận lấy những sự phản kháng rất tàn khốc của tự nhiên.

Và điều cuối cùng, nên ngẫm nghĩ về CK năm khỉ, đó là yếu tố tâm lý. Một cụm từ không phải ai cũng thích nghe nhưng vẫn xuất hiện trên TTCK, đó là “tâm lý bầy đàn”. Một tin đồn thất thiệt, hay một lực bán ra mạnh (có khi chỉ là đè giá) cũng có thể khiến đám đông các NĐT trở nên hoang mang. Khỉ là một loài có nhiều nét giống với người, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu nói khỉ giống người hơn là người giống khỉ.

Nhưng trong thực tế, áp lực từ thua lỗ, sức ép lợi nhuận, và sự quay cuồng trên TTCK có thể khiến con người đánh mất sự tỉnh táo. “Con khỉ” hay “khỉ khô” là từ thường được dùng để phủ định hay phản bác. Mong rằng, trong năm Bính Thân này, khi NĐT gặp nhau hỏi han rằng: Đợt rồi trúng lớn phải không? Thì người được hỏi sẽ đáp lại rằng “Ừ” hay “Kha khá”, chứ đừng nói theo kiểu “Trúng con khỉ” hay “Lời con khỉ khô”.

Giá của CP là do thị trường quyết định bởi cung-cầu của số đông, nhưng một số người đã lũng đoạn, làm giá quá mức và phải trả những cái giá rất đắt. Nếu không bị các cơ quan quản lý tuýt còi, xử phạt nặng, những đội lái cũng có thể bị “kẹp hàng”, TTCK bước vào trend giảm.

Theo Thái Ca

Sài Gòn Đầu Tư Tài chính

Trở lên trên