MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp niêm yết rụt rè!

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sắp đi qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã trình kế hoạch kinh doanh vẫn còn rụt rè, thận trọng.

Một số DN năm trước lãi lớn, nhưng cũng không dám trình kế hoạch đột phá mà chỉ đề ra chỉ tiêu ở mức thận trọng nhằm giảm bớt áp lực kinh doanh.

Theo đánh giá chung, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức vừa phải, các khối sản xuất, xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ các loại dịch vụ chưa cao. Thị trường BĐS mới bắt đầu nhen nhúm về tiêu thụ tăng, hàng tồn đọng giảm, nhưng đi vào đúng nhu cầu thực của khách. Trong bối cảnh mọi thứ còn ngổn ngang, các DN đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng chứ không tăng trưởng mạnh mẽ như TTCK kỳ vọng.

Ông lớn cũng thận trọng

Theo tài liệu ĐHCĐ, năm 2014 của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đặt mục tiêu doanh thu tăng 14,9%, nhưng lợi nhuận sau thuế 5.993 tỷ đồng, giảm 8,3% so với năm trước.
Với kế hoạch trên, Công ty vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư các nhà máy, dự án, nhưng vẫn lo ngại biến động bất lợi về giá cả nguyên vật liệu, ảnh hưởng đến lợi nhuận sụt giảm. VNM sẽ nỗ lực sản xuất và bán ra nhiều hàng hơn những thành quả thì lại không bằng năm trước.

Thực tế qua các năm, Vinamilk hầu như đều đạt lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Các CTCK luôn kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2014 của Vinamilk tăng 12,5%; CTCK Phương Nam (PNS) dự báo tăng 17%.

Công ty CP Container Việt Nam (VSC) hoạt động trong lĩnh vực Logistics đề ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2014 gần như không có điều chỉnh: doanh thu đạt 785 tỷ đồng (giảm 1,4%) còn lợi nhuận kế hoạch giữ nguyên ở 240 tỷ đồng như năm trước. Với vị thế lớn đang niêm yết, VSC đặt kế hoạch quá thận trọng, mà thực tế cho thấy nhiều DN ngành này vẫn đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí thua lỗ nặng.

Một "ông lớn" trong lĩnh vực dầu khí cũng đề xuất kế hoạch giảm mạnh trong năm 2014, đó là PVGas. Theo đó, kế hoạch kinh doanh giảm trên 30%, chỉ còn 8.616 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều cổ đông cho rằng kế hoạch này không tương xứng với tiềm lực của đơn vị.

Ông Đỗ Khang Ninh, Tổng Giám đốc PVGas, khẳng định mục tiêu trên là hợp lý, do nền kinh tế vẫn chưa thực sự khởi sắc, hoạt động các DN trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng. Nhiều dự án lớn đồng loạt triển khai với tiến độ gấp, nhu cầu vốn cao, cần tập trung và huy động nguồn lực lớn mới đảm bảo tiến độ. Hơn nữa, năm 2014 Công ty không có thêm khách hàng mới, giá khí lại tăng cao, không có mỏ khí bổ sung vào hệ thống. Do vậy, sau khi xem xét nhiều yếu tố, Công ty mới thống nhất đặt kế hoạch như trên.

Tại ĐHCĐ của Công ty CP Khí hóa lỏng miền Nam (PGS) vừa qua, HĐQT Công ty trình kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2014 lần lượt là 6.785 tỷ đồng và 163,7 tỷ đồng, thấp hơn các con số 6.902 tỷ đồng và 237,7 tỷ đồng thực hiện trong năm 2013.

Điều này khiến nhiều cổ đông bức xúc, cho rằng DN chẳng cần cố gắng cũng có thể đạt được. Bởi riêng I/2014, công ty mẹ PGS ước lãi 42 tỷ đồng, con số hợp nhất sẽ lớn hơn nhiều, vì các công ty con là CNG Vietnam, VT Gas và PVGas Saigon đều đang hoạt động hiệu quả.
Theo cổ đông, năm ngoái, PGS đã mua lại 100% cổ phần của PVGas Cylinders và chuyển công ty này thành chi nhánh của PVGas Saigon (công ty con của PGS), đồng thời mua lại 45% phần vốn góp của Ủy ban Dầu khí Thái Lan (PTT) tại VT Gas thì không có lý gì mà kế hoạch kinh doanh năm nay lại thấp hơn năm trước.

Ban lãnh đạo PGS vẫn khẳng định doanh thu vẫn tăng ổn định và có triển vọng bứt phá trong những năm tới nhờ sự hồi phục của kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Giảm tới một nửa

Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) lại có mục tiêu lợi nhuận giảm hơn 50%, xuống còn 1.219 tỷ đồng, khiến cổ phiếu bị bán tháo ra mạnh nhất. Tổng Giám đốc Đạm Phú Mỹ, ông Cao Hoài Dương, cho biết việc đặt chỉ tiêu lợi nhuận được tính theo giá khí 6,69 USD trên một triệu BTU. Kế hoạch này là một thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh kinh tế được dự báo tiếp tục khó khăn, ông Dương bày tỏ.

Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (DQC) cũng được coi là đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng khi mục tiêu lãi ròng năm nay là 62,4 tỷ đồng, giảm 49% so với năm ngoái, trong khi quý I/2014, DQC đã lãi trước thuế 26 tỷ đồng.

Lý giải cho việc đặt kế hoạch giảm mạnh, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT DQC, cho biết con số đưa ra dựa trên những yếu tố có thể làm chủ được và tuy đặt kế hoạch thận trọng, nhưng Công ty sẽ cố gắng thực hiện được nhiều hơn.

Các công ty khác đặt kế hoạch thận trọng như Tổng Công ty Vận Tải dầu khí (PVT), đặt kế hoạch lợi nhuận 2014 giảm 53% so với năm 2013 do nhận định kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục khó khăn, khủng hoảng nợ công của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, bất ổn chính trị ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến thị trường vận tải dầu khí thế giới và tác động đến đội tàu của PVT tại thị trường quốc tế.

Trên thực tế, kế hoạch đặt ra chỉ mang tính dự báo, nếu đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra, đa phần lãnh đạo các DN đều được nhận thưởng lớn từ lợi nhuận. Theo nghị quyết đã được cổ đông thông qua, trong trường hợp hoàn thành nhiệm vụ, các lãnh đạo PVGas sẽ được thưởng 2 - 6 tháng lương tùy theo chức danh đảm nhiệm. Còn tại Công ty Cơ điện lạnh, các lãnh đạo như Tổng Giám đốc hay Giám đốc điều hành có thể nhận khoản tiền thưởng tương đương 15% phần lợi nhuận sau thuế vượt so với thực tế.

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên