Dragon Capital “cuốn theo chiều gió”
Dragon Capital tiếp tục thể hiện chiến lược đầu tư mạnh mẽ hơn vào bất động sản và trước đó là ngân hàng. Liệu các khoản đầu tư này sẽ mang lại quả ngọt cho Dragon Capital?
Bất động sản dường như vẫn là lựa chọn của các quỹ đầu tư ngoại. Bên cạnh Creed Group đầu tư vào Phát Đạt và An Gia, quỹ đầu tư Pavo Capial đến từ Anh Quốc cho biết sẽ hợp tác với Thủ Đức House thì mới đây, quỹ đầu tư Dragon Capital đã nâng tỉ trọng sở hữu cổ phần trong Địa ốc Đất Xanh từ mức 7,87% lên 8,14%.
Đồng thời quỹ đầu tư này cũng giảm tỉ trọng trong công ty phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) từ mức 5,01% xuống còn 4,98%. Dường như viễn cảnh giá dầu thấp tiếp tục kéo dài đã khiến Dragon Capital phải cân đối lại danh mục đầu tư của mình và chuyển xu hướng đầu tư mạnh mẽ hơn bất động sản có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao hơn.
Dragon Capital thật ra đã có khẩu vị ưa thích lĩnh vực địa ốc từ lâu. Hiện tại, danh sách các công ty bất động sản mà quỹ này đầu tư khá nhiều, đơn cử như Dragon Capital đang là cổ đông lớn tại Kinh doanh nhà Khang Điền, bất động sản Phát Đạt, Tổng công ty Đầu tư Xây dựng (DIG) hay độ thị Kinh Bắc. Trên lĩnh vực hạ tầng, quỹ này đang nắm cổ phần trong Công ty đầu tư hạ tầng kĩ thuật TP.HCM (CII), CII lại là cổ đông lớn của Nhà Năm Bảy Bảy.
Cuối năm ngoái, Khang Điền cũng thâu tóm tổng cộng hơn 57% cổ phần của công ty đầu tư và xây dựng Bình Chính (BCI). Trước đó, Dragon Capital cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi Hoàng Anh Gia Lai khi tập đoàn này tái cơ cấu và tách gần như toàn bộ các hoạt động kinh doanh địa ốc trong nước ra khỏi công ty.
Cuối năm ngoái, theo Ông Vũ Hữu Điền, giám đốc quản lí danh mục đầu tư của Dragon Capital, thị trường bất động sản 2016 sẽ chưa có dấu hiệu bong bóng và vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư. “Trong một năm nữa thì chưa nên lo lắng thị trường có sụp đỗ hay không. Câu chuyện này có thể sẽ là câu chuyện của tương lai. Nếu qua 2 năm nữa thì có thể chưa biết vì tùy thuộc vào mức độ cung cầu trên thị trường lúc đó”, Ông Điền nói.
Bên cạnh các thương vụ đầu tư, mới đây Dragon Capital đã huy động được nguồn vốn ủy thác trị giá 50 triệu USD từ Công ty tài chính Quốc tế (IFC). Số tiền này sẽ được Dragon Capital đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp vừa đến lớn có mức tăng trưởng cao tại Việt Nam.
Có thể thấy rõ chiến lược đầu tư của Dragon Capital chủ yếu là đầu tư vào các doanh nghiệp địa ốc có thương hiệu, có quỹ đất lớn, cũng như có sản phẩm phù hợp với xu thế của thị trường, trải rộng từ phân khúc giá phải chăng đến cấp cao với nhiều sản phẩm đa dạng. Điều này giúp Dragon Capital đa dạng hóa rủi ro.
Ví dụ như ở trường hợp của Đất Xanh. Trong 2015, Đất Xanh là một trong số những doanh nghiệp địa ốc có hoạt động hiệu quả nhất thị trường. Lợi nhuận mà Đất Xanh thu được lên tới 336 tỉ đồng, gấp 2 lần so với năm trước đó. Đất Xanh là một trong những kẻ đi săn dự án nhộn nhịp nhất trong 2 năm qua với hàng loạt thương vụ M&A với các dự án dở dang của các chủ đầu tư khác. Giá cổ phiếu của DXG hiện cũng khá rẻ khi chỉ số PE vào ngày 5/4/2016 chỉ mới dừng lại ở mức 5,5x, thấp hơn gấp đôi so với toàn thị trường. Dường như thương vụ đầu tư vào Đất Xanh khá triển vọng cho Dragon Capital
Khang Điền cũng là trường hợp mang lại nhiều niềm vui cho Dragon Capital trong năm qua nhờ chuỗi nhà phố liền kề và biệt thự tại Quận 9 chứng kiến các đợt bán hàng khá tốt. Lợi nhuận sau thuế mà Khang Điền gặt hái lên tới 260 tỉ đồng, gấp 2,6 lần so với năm trước đó.
Bên cạnh địa ốc, ngân hàng cũng là lĩnh vực đầu tư mới của Dragon Capital. Đầu tháng 2, các quỹ do Dragon Capital đã chi ra hơn nghìn tỉ đồng để thâu tóm khoảng 4% cổ phần của Ngân hàng Quân Đội (MBB) – một trong những ngân hàng quy mô tầm trung nhưng có tiềm năng mở rộng nhanh và có chất lượng tài sản được quản trị tốt nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Dragon Capital hiện cũng là cổ đông lớn của ngân hàng Á Châu với tỉ lệ sở hữu 7,13% nhưng sẽ còn rất lâu để khoản đầu tư này sinh lợi.
Nhìn chung, việc chọn địa ốc và ngân hàng đầu tư là phù hợp trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi giá dầu thấp và thị trường bên ngoài đang khá yếu ớt. Tuy vậy, thách thức không phải là không có cho Dragon Capital.
Đáng kể nhất là Thông tư 36 sửa đổi gần đây đang mang tới rủi ro cho thị trường địa ốc khi tỉ lệ tối đa mà nguồn vốn ngân hàng được sử dụng để tài trợ các dự án trung và dài hạn đã được Ngân hàng Nhà nước giảm từ 60% xuống chỉ còn 40%.
Hiện các doanh nghiệp địa ốc vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng (kể cả người đi vay để mua nhà), việc siết chặt lại nguồn tài chính này sẽ khiến tín dụng cho thị trường co hẹp lại và một số chủ đầu tư vừa đến nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai và bán hàng trong năm nay. Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cũng như lãi suất đang có dấu hiệu tăng lên dần sẽ tác động đáng kể đến khả năng duy trì sức nóng trên thị trường địa ốc.
Trong khi đó, lĩnh vực ngân hàng dù có những dấu hiệu phục hội trong năm qua nhưng con đường phía trước vẫn còn rất gập gềnh, đặc biệt là việc xử lí nợ xấu vẫn chưa có nhiều tiến triển, như đánh giá của Credit Suisse mới đây.
Người đồng hành