MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy để UPCoM phát triển tự nhiên

Năm 2015 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của UPCoM cả về quy mô lẫn chất lượng. Vì vậy, việc các cơ quan quản lý thị trường tiếp tục có những chính sách, giải pháp thúc đẩy UPCoM là rất cần thiết, nhưng làm như thế nào lại đòi hỏi tầm nhìn và cả sự thận trọng.

Chất riêng

Cách đây chưa lâu, một chuyên gia CK nổi tiếng trên thị trường đã đặt vấn đề về những quy định yêu cầu các công ty đại chúng phải đưa CP lên UPCoM giao dịch (từ 30 ngày cho đến 1 năm) có giống với việc “ép” phải niêm yết hay không, vì niêm yết là quyền của doanh nghiệp. Ở đây có 3 vấn đề cần phải làm rõ:

Thứ nhất, không tồn tại khái niệm “niêm yết UPCoM” mà chỉ có “niêm yết tại HOSEHNX”, còn với UPCoM là “giao dịch”.

Thứ hai, một trong những mục đích quan trọng của quy định công ty đại chúng phải đưa CP lên UPCoM là để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Về lý mà nói, CP không cần lên UPCoM, NĐT vẫn có thể mua bán CP trên thị trường OTC bằng hình thức ghi nhận sở hữu trên sổ cổ đông. Nhưng thị trường OTC được ví như “ôm tới chết”, đồng thời một số công ty cũng không đảm bảo quyền lợi giao dịch. Chẳng hạn muốn mua-bán CP phải có chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp trên sổ cổ đông, nhưng có công ty liên tục khất lần cổ đông vì “sếp đi công tác”.

Thứ ba, các công ty trên UPCoM không phải chịu những ràng buộc khắt khe về công bố thông tin (CBTT) như công ty niêm yết. Ngoài quy trình về giao dịch, không có nhiều ràng buộc khác cho các DN trên UPCoM và chính những điều này đã tạo nên những nét rất riêng của sàn này.

Có thể ví UPCoM như… “chợ trời” với đủ loại CP, từ giá vài chục ngàn cho đến vài ngàn đồng, từ hàng chất lượng cao cho đến những công ty chưa bao giờ nghe tên, có cả những CP thanh khoản cao hơn cả trên sàn niêm yết và cũng có những mã CK triền miên không có giao dịch. Còn về CBTT, có những DN đáp ứng khá tốt nhu cầu của NĐT, cũng có những đơn vị công bố cho có.

Những ngày gần đây, GEX (Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam) trở thành CP hot bậc nhất trên UPCoM khi tăng giá từ 1.8 lên 2.4, tương đương 33% chỉ trong chưa đầy 1 tháng cùng với KLGD cực khủng tính bằng hàng triệu CP mỗi phiên. Hay NT2 hiện là CP có vốn hóa cũng như thanh khoản vào loại lớn tại HOSE, nhưng những “fan” của CP này vẫn nhớ như in cách đây 1 năm, NT2 vẫn còn làm mưa làm gió tại UPCoM.

Một thống kê đáng chú ý, cho đến trước tháng 12-2015, UPCoM có khoảng 240 công ty giao dịch CP, nhưng kết thúc năm, con số này đã tăng lên thành 256. Tức chỉ trong 1 tháng, số mã CK hiện diện tại UPCoM đã tăng đến 6%. Nếu thống kê bằng % chưa đủ “ép phê”, thì con số GTGD trung bình trong tháng cuối cùng của năm đạt gần 141 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 6 lần so với tháng trước đó. Khi tốc độ tăng trưởng được tính bằng lần, nghĩa là tiềm năng của UPCoM vẫn còn rất lớn. Và một điều cần phải khẳng định: Sự phát triển của UPCoM rất đa dạng, trên nhiều tiêu chí, khi số lượng CP trên sàn này còn tăng sẽ còn nhiều điều bất ngờ.

Đừng “niêm yết hóa”

Chính những quy định khá thoáng của cơ quan quản lý đã giúp nhiều công ty có thể mạnh dạn hơn trong việc lên UPCoM, đơn giản chỉ là làm một số thủ tục, lưu ký CP và giao dịch, còn CBTT rất bình thường. Nhưng thông tin về việc “phân bảng trên UPCoM” lại tạo ra bất ngờ. Dựa vào 3 tiêu chí quy mô vốn, quản trị công ty, hiệu quả sản xuất kinh doanh, các cơ quan quản lý có thể chia UPCoM thành bảng UPCoM 1 với khoảng 60-100 công ty đáp ứng tốt nhất các tiêu chí, các DN còn lại sẽ giao dịch trên các bảng khác.

Rõ ràng, các cơ quan quản lý, đặc biệt là HNX đã dày công chăm bẵm cho UPCoM từ năm 2009 để đến năm 2015 đã thu về trái ngọt. Việc phân bảng có thể hiểu giúp NĐT sàng lọc được những CP tốt nhất, qua đó giải ngân hiệu quả hơn, thu hút nhiều dòng tiền và tăng thanh khoản cho thị trường.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây có nên triển khai việc phân bảng nói riêng hay phân loại CP trên UPCoM nói chung? Như đã nói ở trên, sự phát triển của UPCoM luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ, và chính điều đó mới tạo nên sự hấp dẫn cho sàn này. Nhìn ở góc độ tích cực, nhóm những CP tốt được chọn lọc có thể giúp NĐT giải ngân chuẩn hơn, nhưng cũng có thể làm giảm đi tính bất ngờ, thậm chí cảm giác thú vị của nhiều người.

Dẫn chứng cụ thể, hiện tại có một số nhân viên môi giới ngoài chuyện tư vấn CP trên HOSE hay HNX cho khách hàng, còn thường xuyên “săn hàng độc” trên UPCoM để tư vấn cho khách như kiểu… săn kho báu. Và tất nhiên, CP càng tốt nhưng chìm sâu, khi được “khai quật” thường đem lại lợi nhuận cực lớn.

Đến đây cũng cần đặt ra câu hỏi, dưới góc nhìn của NĐT, họ có thực sự cần phân loại CP trên UPCoM hay không? Chính NĐT, CTCK và thị trường sẽ làm điều này, dòng tiền thông minh sẽ có cách phân loại tốt nhất. Nhìn dưới góc độ của DN, chưa hẳn việc được phân loại và xếp vào nhóm “tốt” mà đã thích. Thông thường có những DN không muốn niêm yết vì sợ bị dòm ngó (bởi nhiều lý do khác nhau) nên giải pháp là lên UPCoM, nhưng nếu được phân loại, ít nhiều sự chú ý của thị trường cũng sẽ tăng thêm và như vậy việc lên UPCoM cũng “gần giống” với niêm yết.

Cuối cùng cũng cần nhắc lại, khi HNX lập ra HNX30 với những tiêu chuẩn về vốn hóa, thanh khoản… đã có những ý kiến cho rằng con số 30 là quá nhiều. Đơn cử, NTP hiện đang nằm trong rổ HNX30 nhưng KLGD trong phiên 8-1 chỉ đạt 1.800 CP, có thể nói là thấp mà vẫn nằm trong nhóm “hàng đầu”. HNX và rồi HNX30 với những CP có tiêu chuẩn cao hơn UPCoM còn xảy ra tình trạng “so bó đũa chọn cột cờ” với 30 CP như vậy, liệu một sàn như UPCoM sẽ lựa chọn được bao nhiêu CP đủ chuẩn? Ở đây nếu hiểu hàm ý của cơ quan quản lý muốn bảo vệ NĐT nâng cao chất lượng hàng hóa, cũng không thiếu các giải pháp khác để thực hiện điều này. Thí dụ: HNX có thể tăng cường các chương trình kết nối giữa NĐT với các công ty đang giao dịch CP trên UPCoM thông qua các buổi hội thảo.

Nếu đã xem HOSE hay HNX là “siêu thị” thì UPCoM giống như… chợ trời, mà như vậy đừng “siêu thị hóa” hay “niêm yết hóa” UPCoM làm UPCoM giống với niêm yết. Thị trường vốn dĩ đa dạng, nên cũng cần những giải pháp khác nhau để phù hợp trên nền tảng thỏa mãn nhu cầu của bên bán, bên mua cũng như định hướng dài hạn từ cơ quan quản lý.

Theo Trần Lê Ngọc châu

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên