Khi Upcom “thức giấc”
Hàng loạt chính sách hỗ trợ đang giúp thị trường Upcom giao dịch hết sức sôi động sau một thời gian dài “ngủ sâu”.
- 24-03-2016Ông vua thị giá Coteccons vẫn không đắt?
- 24-03-2016Ngày 24/03: Giá trị giao dịch của Upcom vượt qua sàn Hà Nội
- 24-03-2016Vicostone chia thưởng bằng cổ phiếu quỹ: Nhất định phải điều chỉnh giá tham chiếu!
Khác với sự trầm lắng của 2 sàn niêm yết thời gian gần đây khi VnIndex dao động quanh vùng 570- 580 điểm hay Hnx-Index quanh ngưỡng 80 điểm thì Upcom-Index, chỉ số mà không nhiều nhà đầu tư quan tâm đã lầm lũi tăng 21% kể từ đầu tháng 3.
Không chỉ tăng mạnh về điểm số, giao dịch trên Upcom cũng hết sức sôi động với những phiên giao dịch hàng trăm tỷ đồng. Những tín hiệu tích cực từ thị trường Upcom đến từ hàng loạt các chính sách hỗ trợ.
Tiêu biểu là thông tư 180 quy định tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên SGDCK thì sẽ phải đăng ký giao dịch trên Upcom trong vòng 1 năm.
Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016, thời hạn để đăng ký giao dịch là trong vòng 30 ngày kể từ khi UBCK có công văn hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ khi diễn ra đợt IPO.
Điều này đã khiến số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên Upcom tăng mạnh. Tính tới lúc này, số lượng cổ phiếu trên Upcom đã lên tới 273 mã, gần bằng với số lượng cổ phiếu trên Hose và HNX.
Upcom hiện không còn là sân chơi của những doanh nghiệp nhỏ, bị hủy niêm yết như trước mà là nơi hiện diện của rất nhiều “ông lớn”, vốn hóa nghìn tỷ. Có thể kể tới như Sasco (SAS), Masan Resources (MSR), May Việt Tiến (VGG), Gelex (GEX), TCT Thép (TVN), Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF), TCT Chăn Nuôi (VLC), Viglacera (VGC),…..
Bên cạnh đó, việc nới biên độ giao dịch từ ± 10% lên ± 15% càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của thị trường Upcom với nhà đầu tư.
Sôi động như cổ phiếu Upcom
Thời gian gần đây, khi mà 2 sàn niêm yết tăng trưởng chững lại, thiếu vắng “nguồn hàng” cổ phiếu mới thì dòng tiền dường như có sự xoay chuyển sang Upcom. Điều này giúp các cổ phiếu trên Upcom tăng phi mã.
Có thể kể tới như May Việt Tiến- VGG bắt đầu giao dịch từ 10/3/2016 với giá tham chiếu 40.000đ. Từ đó đến nay, cổ phiếu của doanh nghiệp may lớn nhất Việt Nam này liên tục trong tình trạng “cháy hàng” và thị giá hiện xấp xỉ 70.000đ.
Một cổ phiếu “nóng” khác trên Upcom là GEX của TCT Thiết bị điện Việt Nam- Gelex. Tính tới hết phiên 24/3, thị giá GEX đã tăng 76% so với giá khởi điểm là 15.000đ.
Không những thế, GEX còn là cổ phiếu có giao dịch sôi động bậc nhất Upcom với những phiên giao dịch hàng triệu đơn vị. Thậm chí, vào cuối năm 2015, GEX còn có phiên khớp lệnh kỷ lục trên TTCK Việt Nam với hơn 122 triệu cổ phiếu do Bộ Công Thương thoái vốn.
VEF dù chỉ mới giao dịch vào cuối năm 2015 với nhưng hiện đã tăng gấp 7 lần hay MSR tăng gần 3 lần kể từ đầu tháng 3 tới nay nhờ hưởng lợi từ giá Vonfram hồi phục cũng là những trường hợp hết sức đáng chú ý.
Mới đây, những thông tin từ HNX cho biết sẽ tiến hành cấp margin cho một số cổ phiếu trên Upcom đã được thị trường hưởng ứng tích cực và nếu điều này được thực hiện thì Upcom sẽ còn sôi động hơn rất nhiều.
Thời gian tới, số lượng các doanh nghiệp tiến hành giao dịch trên Upcom chắc chắn sẽ còn tăng mạnh và khi đó, nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lựa chọn đối với thị trường này bên cạnh những cổ phiếu quen thuộc trên 2 sàn niêm yết.
Trí Thức Trẻ