Khối ngoại rút vốn cũ: Không quá lo
Sự tham gia của khối ngoại vào các ngân hàng đang giảm. Nhiều cổ đông chiến lược đã tiến hành thoái vốn.
Rút vốn cũ
Trên TTCK, tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn đang giữ trạng thái bán ròng. Thống kê giao dịch của CTCK Rồng Việt cho thấy, trong tháng 3/2014, khối ngoại bán ròng hơn 2.123 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Trong số những mã chứng khoán bị loại ra khỏi danh mục đầu tư, đối tượng bị bán ròng thuộc phần nhiều về nhóm ngành Ngân hàng.
Ở trường hợp góp vốn, sau một thời gian ồ ạt nhảy vào lĩnh vực ngân hàng, gần đây, hiện tượng rút vốn khỏi các ngân hàng của khối ngoại diễn ra khá nhiều. Mới nhất là trường hợp Công ty Đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH), đơn vị thuộc Tập đoàn Tài chính Temasek Holdings (Singapore), đang sở hữu 20% cổ phần của NHTMCP Phát triển Mekong (MDB). FFH thông tin sẽ thoái toàn bộ vốn khi MDB sáp nhập vào Maritime Bank.
Còn trong ĐHCĐ của Techcombank, tương lai rút vốn của HSBC khỏi ngân hàng này, kết thúc những thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật giữa hai bên cũng mờ mờ xuất hiện, khi HSBC không có thành viên nào ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới dù vẫn nắm giữ tỷ lệ sở hữu 19,4%. Nếu không ngoài dự đoán, tháng 6 tới, HSBC sẽ bán cổ phần cho đối tác khác. Dự báo này đưa ra vì, theo các cổ đông của ngân hàng, trước đây kịch bản này đã được sử dụng bởi Công ty HSBC Insurance Holdings Limited (Asia-Pacific) - công ty con 100% vốn sở hữu gián tiếp của HSBC. Sau khi không đề cử ứng viên vào HĐQT của Bảo Việt, công ty này đã bán toàn bộ 18% cổ phần sở hữu cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sumitomo (Nhật Bản).
Trước đó, tháng 11/2013, OCBC, cổ đông lớn của VPBank có trụ sở tại Singapore, đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ 14,88% cổ phần sở hữu tại VPBank cho NĐT cá nhân trong nước. Hay IFC, ANZ cũng đã lần lượt thoái vốn khỏi Sacombank…
Khi được hỏi, tất cả đều đưa ra lý do: họ cơ cấu lại danh mục, hoặc các khoản đầu tư đã đến thời điểm kết thúc. Theo một chuyên gia, ngoài áp lực rút vốn khỏi các quỹ ETF trong thời gian gần đây, một số quỹ đầu tư cũng đang có nhu cầu chốt lời và tái cơ cấu danh mục, tương ứng với rủi ro từ việc thu hẹp gói nới lỏng định lượng (QE3) của Fed trong thời gian tới; trước tín hiệu suy giảm của kinh tế Trung Quốc; đặc biệt là bối cảnh TTCK Việt Nam trải qua một nhịp tăng trưởng nóng trong 2 quý trước.
Còn đối với những trường hợp rút vốn góp khỏi một ngân hàng nào đó, theo vị chuyên gia trên, NĐT ngoại làm vậy để đầu tư vào tổ chức tài chính khác, nếu nhận thấy khoản đầu tư đã đến lúc phải kết thúc, bất chấp thời điểm thoái vốn đang lỗ hay lãi. Nói như ông Han Tay Chong, Tổng giám đốc Mekong Bank, mỗi thương vụ hợp tác đều có một khoảng thời gian nghỉ để cả hai nhìn lại và đánh giá kết quả đạt được.
Thủ thế chờ
Quả thật, xét trên nhiều yếu tố, không hẳn vì đạt được lợi nhuận nhất định mà khối ngoại rút vốn. “Thực tế, không phải khoản đầu tư nào cũng thu được lãi sau nhiều năm đầu tư”, một đại diện của Mekong Capital khẳng định và đưa ra ví dụ, khi đầu tư 1 triệu USD vào một DN, sau 5 -10 năm thu về được 1,2 triệu USD chưa hẳn là lợi nhuận. Nếu loại trừ những chi phí quản trị, đầu tư công nghệ, nhân lực… có những khoản đầu tư bị ăn cả phần vốn góp, nếu đơn vị đó làm ăn không hiệu quả. Đó là chưa kể tỷ giá chuyển đổi nhiều lúc bị trồi sụt.
Với tình hình hiện tại, nhiều ngân hàng vừa và nhỏ đang lên kế hoạch tìm vốn ngoại cảm thấy khó hơn do ngành tài chính đang mất nhiều vị thế đầu tư vì nợ xấu, vì tái cơ cấu còn kéo dài… Nhận định vấn đề này, ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho rằng, cũng có trường hợp trong chiến lược của ngân hàng nước ngoài, sau giai đoạn khủng hoảng họ tái cấu trúc và thấy cần phải đầu tư ở những lĩnh vực có tiềm năng khác.
Đơn cử như mới đây, thị trường chứng kiến sự đổ bộ của hai tổ chức từ Singapore đầu tư vào CTCP FPT là quỹ đầu tư GIC nắm 3% vốn điều lệ và Cashew Invesments sở hữu khoảng 3,6%. Trong giới đầu tư, GIC được biết đến là tổ chức thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore và đang quản lý danh mục đầu tư hơn 100 tỷ USD, còn Cashew Invesment là một nhánh của Temasek Holdings, một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore. Thương vụ mua bán trị giá hàng chục triệu USD. Nói như vị Tổng giám đốc này thì trước đây, hai tổ chức đầu tư của Singapore quan tâm nhiều hơn lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Hay như TAEL, một công ty đặt trụ sở tại Singapore và có mối quan hệ với Temasek (được tổ chức này rót vốn đầu tư) được sáng lập bởi ông Michael Sng, quản lý cao cấp của United Overseas Bank (UOB), ngoài đầu tư vào PAN, trong năm 2013 TAEL còn trở thành cổ đông lớn của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và sắp tới sẽ tham gia mua cổ phần của CTCP Hùng Vương, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam…
Tuy nhiên, ông Hee cho rằng, ngành tài chính Việt Nam vẫn có một vị thế rất tốt để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, đồng tiền Việt Nam ổn định, thặng dư thương mại, trong khi sức tiêu thụ ngày càng tăng. Việt Nam có một câu chuyện hay và đáng tự hào để kể cho thế giới. Theo đó, nhiều tổ chức cho biết họ vẫn chờ đợi và lựa chọn xem xét đầu tư vào những ngân hàng khác.
Một nguyên nhân khác cũng củng cố yếu tố vừa nêu đó là các ngân hàng nước ngoài có những nghiệp vụ không thể tự thực hiện tại lãnh thổ Việt Nam mà cần phải kết nối với một phần của ngân hàng nội địa, nên tổ chức nước ngoài sẽ phải hợp tác với các ngân hàng trong nước. Ngoài ra, lý do dòng vốn ngoại vẫn chảy vào ngành Ngân hàng là bởi song song với việc đầu tư họ còn được phép đưa đại diện vào HĐQT ngân hàng nội. Đây được xem là yếu tố quyết định, vì theo một số NĐT đã có mặt tại Việt Nam, việc đầu tư vào ngành Ngân hàng là con đường nhanh nhất cho phép NĐT nắm được mô hình quản trị kinh doanh của người Việt.
Từ đây, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng trong nước nếu đang có ý định tìm kiếm đối tác ngoại chỉ cần tăng cường sự minh bạch và hiệu quả hoạt động. “Những yêu cầu, câu hỏi và băn khoăn của họ trong quá trình tìm hiểu công ty nên được tôn trọng và đáp ứng một cách rõ ràng, nhanh chóng và có trách nhiệm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần thêm các công cụ để thu hút vốn từ các tổ chức nước ngoài”, đại diện Mekong Capital chia sẻ.
Theo Vũ Hoàng