Không phải giá thuốc, lý do nào đã khiến cổ phiếu dược tăng phi mã?
Dù tăng trưởng có phần chững lại và được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, tuy nhiên cổ phiếu dược đã bứt tốc mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2016.
- 01-03-2016Đây có thể là lý do cổ phiếu Dược Hậu Giang tăng 40%
- 29-02-2016Nếu mua nhóm cổ phiếu này trước Tết, nhà đầu tư có thể yên tâm đi du xuân trẩy hội
- 22-01-2016Dược Hậu Giang: Sức mua giảm, lợi nhuận quý 4 tăng 38% nhờ ưu đãi thuế
Được đánh giá cao bởi tính ổn định nhưng có lẽ sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu dược trong khoảng thời gian gần đây vẫn khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ.
Tính từ đầu tháng 2 tới nay, hàng loạt cổ phiếu dược đã tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung. Có thể kể tới như DHG (tăng 36%), TRA (tăng 10%), DMC (tăng 39%), IMP (tăng 17%), DCL (tăng 41%), DHT (tăng 12%)….
Ngành dược chững lại
Nếu lấy KQKD để giải thích cho đà tăng của cổ phiếu dược thì hẳn không hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, ngoài Dược Cửu Long, Traphaco tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm qua thì phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đang cho thấy sự chững lại.
Tiêu biểu là trường hợp Dược Hậu Giang khi doanh thu năm 2015 giảm gần 8%, tuy nhiên lợi nhuận lại tăng vọt hơn 11% nhờ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Hay như trường hợp Domesco cũng chỉ tăng trưởng lợi nhuận nhờ việc tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp; Còn với Dược Bến Tre thì lợi nhuận chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng vốn góp.
Sự chững lại của nhóm dược có nguyên nhân không nhỏ từ việc các cơ sở y tế thực hiện đấu thầu thuốc theo thông tư 01 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Việc đấu thầu thuốc đã khiến cuộc cạnh tranh trong ngành dược trở nên hết sức khốc liệt khi các doanh nghiệp không chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn gặp khó với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ….
Mặc dù đã dần mở rộng thị trường sang kênh bán lẻ để bù đắp cho nguồn hụt thu từ bệnh viện, tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ giúp các doanh nghiệp dược lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước.
Theo thống kê, ROE (tỷ suất lợi nhuận/VCSH) bình quân của 4 doanh nghiệp dược lớn nhất đang niêm yết gồm Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Imexpharm đã sụt giảm từ mức 23% xuống dưới 20% trong 2 năm gần đây.
Rào cản từ TPP
Dù chưa tác động trực tiếp vào thời điểm hiện tại, tuy nhiên hiệp định TPP ký kết được dự báo sẽ gây không ít khó khăn cho ngành dược trong thời gian tới.
Theo lộ trình, dược phẩm sẽ giảm thuế từ 2,5% về 0%, ngoài ra thời gian bảo hộ đối với thuốc độc quyền cũng sẽ tăng lên.
Với mức thuế hiện đã rất thấp, khó khăn với ngành dược khi gia nhập TPP có lẽ đến từ câu chuyện tăng thời gian bảo hộ bởi Việt Nam vốn chỉ sản xuất chủ yếu dòng thuốc generic là loại thuốc có cùng công thức thuốc gốc nhưng chỉ được phát triển sau khi hết thời hạn bảo hộ độc quyền.
Việc kéo dài thời gian bảo hộ thuốc gốc sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều thời gian hơn để phát triển và thuốc ngoại sẽ chiếm ưu thế hoàn toàn trên thị trường.
Kỳ vọng nới room, thoái vốn?
Có thể thấy, mặc dù tăng trưởng chững lại trong những năm gần đây, cùng với đó là triển vọng ngành thời gian tới được dự báo sẽ gặp khó khăn khi gia nhập TPP, tuy nhiên cổ phiếu ngành dược lại đang là điểm sáng ngay trong những ngày đầu năm 2016.
Theo nhận định của một số CTCK cũng như nhà đầu tư trên thị trường, đà tăng của nhóm cổ phiếu dược có thể xuất phát từ việc thoái vốn của một số quỹ và kỳ vọng vào khả năng nới room của nhóm ngành này.
Nhận định trên là có cơ sở khi mới đây chủ tịch Traphaco, bà Vũ Thị Thuận đã lên tiếng xác nhận Mekong Capital sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp sau 9 năm nắm giữ.
Bên cạnh đó, câu chuyện nới room cũng đang là đề tài nóng trên TTCK từ đầu năm tới nay. Hiện tại, các cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm dược như DHG, TRA, DMC, IMP đều thuộc diện kín room 49%; Trong khi những nút thắt điều kiện nới room đang dần được gỡ bỏ và điều này không khỏi khiến nhà đầu tư kỳ vọng về việc doanh nghiệp sẽ mở room.
Các doanh nghiệp dược hiện đang thu hút sự quan tâm của khá nhiều quỹ đầu tư lớn như Deutsche Bank, Dragon Capital, Fraklin Templeton, J.P Morgan….hay “ông trùm” y dược thế giới- tập đoàn Abbott (thông qua công ty con là CFR International SPA nắm giữ 46% cổ phần DMC).
Trong trường hợp được phép nới room, không loại trừ sẽ xảy ra cuộc “chạy đua” giành cổ phần của các quỹ ngoại tại những doanh nghiệp đầu ngành như Dược Hậu Giang, Domesco, Traphaco….
Tuy vậy, việc nới room liệu có trở thành hiện thực hay không còn phải chờ vào động thái từ SCIC bởi tổ chức này đang nắm giữ lượng cổ phần không nhỏ tại các doanh nghiệp.
Trí Thức Trẻ