MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo mua gom cổ phiếu có còn là việc cá nhân?

Dù không có một thông tin chính thức nào được công bố, quan sát diễn biến giao dịch cổ phiếu CII, người ta có cảm giác rằng, đang có một cuộc đua ngầm trong việc gom cổ phiếu của công ty này

Trên thị trường chứng khoán, không ít doanh nghiệp do các cá nhân nắm giữ phần lớn cổ phần và gần như là những ông bà chủ thực sự của doanh nghiệp đó. Vì vậy, mọi biến động về hoạt động kinh doanh cũng như về cổ phiếu của công ty trên thị trường chứng khoán – đều ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cổ đông, mà trước tiên là các ông/bà chủ của công ty đó.

Chẳng phải thế mà nhà đầu tư cá nhân nhìn chung đều dõi theo diễn biến giao dịch của cổ đông nội bộ - đồng thời đó là thông tin bắt buộc phải công khai theo quy định của pháp luật.

Cứu giá – chạy đua?

Thời gian gần đây, động thái mua vào một số lượng lớn cổ phiếu HAG (Hoàng Anh Gia Lai) của bầu Đức trong tình hình thị giá cổ phiếu công ty sụt giảm được giới đầu tư đặc biệt chú ý. Có phân tích cho rằng, việc mua cổ phiếu HAG sẽ giúp ông chủ Đoàn Nguyên Đức “cứu giá” cổ phiếu công ty mình – qua đó có thể ngăn được việc bổ sung tài sản đảm bảo cho các khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai mà ông Đức lấy tài sản cá nhân (là cổ phiếu mà ông Đức nắm giữ) ra để đảm bảo. Phân tích này tỏ ra hợp lý hơn, khi Hoàng Anh Gia Lai cũng chính thức đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ.

Sau khi bầu Đức giao dịch thành công, “một cách tình cờ” – trái phiếu Temasek chính thức được gia hạn thêm 2 năm nữa. Áp lực trả nợ của HAG vì vậy cũng giảm đi đáng kể.

Một cổ phiếu cũng thu hút được nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây là CII (CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM) với khối lượng giao dịch trong 9 phiên gần đây đều ở mức hàng chục triệu cổ phiếu với dư mua có phiên lên tới con số 109 triệu đơn vị. Tình hình trở nên nóng bỏng hơn, khi ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc công ty đăng ký mua vào tới 15 triệu cổ phiếu. Trong lúc giá cổ phiếu CII liên tục tăng trần, ước tính ông Bình đã phải bỏ ra khoảng 350 tỷ đồng để mua số lượng cổ phiếu nói trên – và chính thức đứng trong Top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán hiện tại.

Dù không có một thông tin chính thức nào được công bố, quan sát diễn biến giao dịch cổ phiếu CII, người ta có cảm giác rằng, đang có một cuộc đua ngầm trong việc gom cổ phiếu của công ty này – và điều đó đã kéo ông Lê Quốc Bình “vào cuộc”. Nếu chỉ để tăng tỷ lệ sở hữu, cá nhân ông Lê Quốc Bình chắc đủ khôn ngoan để “tránh” giai đoạn tăng nóng của cổ phiếu CII để “gom hàng”.

Quả vậy, sau khi ông Bình công bố đã gom đủ 15 triệu cổ phiếu CII, giao dịch cổ phiếu này đã hạ nhiệt vào phiên giao dịch tiếp theo (12/6) với việc dư bán gần 1 triệu cổ phiếu công ty này. Từ 3/6 đến 11/6, CII liên tục dư mua từ hàng triệu đến hàng tram triệu cổ phiếu. Hiện tượng tăng trần, dư mua ồ ạt của cổ phiếu CII không còn nữa.

Nhắc đến TMT (Công ty cổ phần Ô tô TMT) – chắc hẳn không ai không nghĩ đến cam kết “mang tính cờ bạc” của HĐQT công ty, rằng sẽ đưa cổ phiếu TMT lên mức giá 5x. Lúc bấy giờ (năm 2013), cổ phiếu TMT đang ở mức giá xung quanh 6.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thực hiện được lời hứa này, Ban điều hành TMT sẽ được thưởng 1,5 triệu cổ phiếu, lúc đó sẽ có giá trị tới 51,5 tỷ đồng.

Từ bấy đến nay, ông Bùi Văn Hữu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty đã liên tục mua vào cổ phiếu TMT. Với tình hình kinh doanh khả quan cùng những thông tin thuận lợi, cổ phiếu TMT đã tăng giá một mạch, và hiện đã đạt mức giá 45.500 đồng/cổ phiếu – một con số cách đây 2 năm ít ai dám ngờ tới.

http://cafef4.mediacdn.vn/20150616/TMT/3years.png

Biến động giá cổ phiếu TMT 3 năm gần đây

Việc mua vào cổ phiếu của ông Hữu có thể không thực sự tác động mạnh mẽ đến giá cổ phiếu TMT. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sở hữu có thể giúp ông Hữu chủ động hơn khi kế hoạch của TMT về đích (đã được “nới” sang năm 2017 thay vì 2016).

Chỉ là gom?

Đầu tháng 6 vừa qua, cổ phiếu RDP đón nhận tin ông Hồ Đức Lam (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) đăng ký mua vào hơn 40% cổ phần công ty, nâng tỷ lệ sở hữu lên 64,74%. Việc mua vào của ông Lam không cần chào mua công khai, theo điều khoản đã được ĐHCĐ thường niên thông qua. Mục đích sở hữu phần lớn cổ phần RDP không được ông Hồ Đức Lam nêu trong tờ trình ĐHCĐ

Tuy nhiên, đã không ít trường hợp, việc gom cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ là “việc cá nhân” của lãnh đạo đó, mà nhằm mục đích lâu dài của doanh nghiệp, ví dụ chuyển nhượng cho đối tác chiến lược, hoặc gom nhằm mục đích hủy niêm yết tự nguyện…

Một trường hợp cá biệt khác là Hòa Phát (HPG) với việc đăng ký mua vào 10 triệu cổ phần của ông Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long. Số tiền bỏ ra ước tính lên tới 270 tỷ đồng.

Sau khi đăng ký mua vào 10 triệu cổ phần, Hòa Phát cũng ra thông báo về việc ông Trần Đình Long lấy cổ phiếu cá nhân để thế chấp cho khoản vay của công ty con vừa thành lập ( Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát). Tài sản cá nhân của ông Trần Đình Long, đến đây, cũng không hẳn là việc cá nhân của riêng ông nữa. Quyết định mua vào của ông Trần Đình Long được đưa ra trong tình hình cổ phiếu HPG đang có xu hướng sụt giảm đáng kể. Sau thông tin đó, HPG đã có những phiên tăng điểm khá tích cực.

Hoàng Long

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên