Lình xình đầu năm
Sau 3 phiên giao dịch đầu năm 2016, VN Index đã có 2 phiên giảm, 1 phiên tăng; HNX Index cũng có diễn biến tương tự. VN Index kết thúc năm 2015 với 579,5 điểm và đóng cửa phiên 6-1 tại mức 574,6 điểm; HNX Index chốt năm 2015 đạt 79,96 điểm và đến ngày 6-1 đạt 78,68 điểm.
- 06-01-2016Sôi động cổ phiếu bất động sản, VnIndex bật tăng gần 5 điểm
- 06-01-2016TTCK Việt Nam đón nhà đầu tư cá nhân nước ngoài nhiều nhất trong 5 năm
- 02-01-20163 kịch bản cho TTCK Việt Nam 2016
- 31-12-2015VnIndex mất điểm phiên cuối cùng của 2015, STB, MBB thỏa thuận lượng lớn
Thiếu thông tin
Những số liệu trên đây chỉ ra một điều: TTCK Việt Nam vẫn đang diễn biến rất bình thường dù bao quanh bởi những lo ngại, mà cụ thể là hiệu ứng tiêu cực từ TTCK Trung Quốc (TQ) cũng như thế giới. Ngày 4-1, khi chỉ số CSI 300 giảm 5% khiến TTCK TQ phải ngừng giao dịch 15 phút, và sau khi giao dịch trở lại, chỉ số này chỉ mất thêm 7 phút để giảm từ 5% thành 7% và buộc phải đóng cửa sớm.
Nhiều khả năng trong khoảng 2-3 tuần tới, xu hướng sideway up sẽ tiếp tục phổ biến trên thị trường trước khi chờ đợi một đợt sóng mạnh hơn có thể xảy ra vào những ngày cuối tháng 1.
Trong khi đó, VN Index chỉ giảm nhẹ nhàng 4,6 điểm, tương đương 0,8% xuống còn 574,4 điểm; HNX Index giảm 0,51 điểm, tương đương 0,6%, xuống 79,45 điểm cùng ngày. Thông tin TTCK Hoa Kỳ giảm mạnh vào đêm 4-1 cũng không khiến mức độ điều chỉnh trên TTCK Việt Nam trầm trọng trong phiên 5-1. Rốt cuộc VN Index chỉ giảm 4,5 điểm, tương ứng 0,8% xuống còn 569,9 điểm; HNX Index giảm 1,02 điểm, tương đương 1,3% xuống 78,43 điểm. Tỷ lệ giảm khoảng 1% đổ lại của VN Index hay HNX Index là rất bình thường trên TTCK Việt Nam, nghĩa là TTCK vẫn đang hoạt động ổn định, có tăng thì phải có giảm.
Không thể phủ nhận, diễn biến tiêu cực từ TTCK quốc tế vào ngày đầu năm đã có những tác động nhất định đến thị trường trong nước, nhưng đến giờ chỉ mới dừng lại ở mức độ tâm lý. Sự đề phòng nếu có cũng là điều tốt, bởi cuối tháng 8, cũng từ diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới mà VN Index giảm từ 600 điểm xuống 520 điểm chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhưng lịch sử đã không lặp lại trong lần này khi thời thế của thị trường đã khác và NĐT cũng có sự thận trọng cao độ hơn. Điểm mấu chốt ở đây chính là việc TTCK trong những ngày đầu năm mới đang thiếu một số thông tin để tạo ra sự bùng nổ trong ngắn hạn. Trong những ngày cuối năm 2015, những thông tin vĩ mô tích cực và hiệu ứng chốt NAV của khối ngoại đã tạo ra sự hứng khởi cả ngắn lẫn dài hạn. Nhưng sang đến năm 2016, hiệu ứng NAV đã tắt, có chăng là thông tin T+2 được áp dụng nên chưa đủ để kích thích VN Index vượt ngưỡng 580 điểm.
Trong 2 phiên 4 và 5-1, khối ngoại đã bán ròng lần lượt 17 và 102 tỷ đồng tại HOSE. Và khi thị trường thiếu thông tin, xu hướng thường là tìm kiếm một điều gì đó nghe phù hợp, thuận tai để làm cơ sở, dù mức độ chính xác cần phải kiểm chứng lại.
Chờ sóng KQKD
Một chi tiết dễ nhận thấy qua 2 phiên điều chỉnh 4 và 5-1 chính là việc số CP “màu đỏ” (giảm giá) khá lớn. Nhiều CP giảm giá, trong khi điểm số thị trường mất không đáng kể (dưới 1%), chứng tỏ tỷ lệ điều chỉnh của từng CP khá thấp. Đơn cử, VNM khởi đầu năm 2016 ở mức giá 12.8 đến hết phiên 5-1 có giá 12.5; FPT chỉ điều chỉnh giảm 500 đồng từ 48.300 đồng/CP xuống 47.800 đồng/CP và sau đó đứng giá…
Trước khi năm 2015 khép lại, VN Index đã có 5 phiên tăng liên tiếp từ 24-12 đến 30-12 để từ 560 điểm tiến lên vùng 580 điểm, nên việc CP chững lại, điều chỉnh nhẹ là hệ quả tất yếu. Và diễn biến của phiên 6-1, VN Index phục hồi 4,6 điểm, tương đương 0,8% lên 574,5 điểm; HNX Index tăng 0,25 điểm, tương đương 0,32% đạt 78,68 điểm; cộng với thanh khoản trung bình (2.000 tỷ đồng trên cả 2 sàn) càng khẳng định xu hướng tích cực của thị trường.
Dù thanh khoản thấp một phần nào đó thể hiện sự rụt rè, thận trọng của NĐT, nhưng điều này đã được lý giải do thiếu thông tin ngắn hạn, nó cũng cho thấy bên bán không còn muốn ra hàng với giá thấp trong khi bên mua nếu thấy hợp lý cũng sẵn sàng giải ngân.
Xuyên suốt trong 3 phiên giao dịch đầu năm 2016, nổi bật 2 nhóm CP gồm blue chip vốn hóa lớn và nhóm CP cơ bản. Nhóm blue chip hiện giờ thiếu sức bật do hoạt động bán ra của NĐTNN tại một số mã, trong khi nhóm cơ bản (có pha cả yếu tố đầu cơ) lại đang ở trạng thái chỉ chờ cơ hội để tăng. Có thể kể ra đây một loạt CP được xem là hàng cơ bản, vốn hóa quy mô mid cap nhưng được ưa chuộng, những ngày qua đã có diễn biến tích cực như DGC, HAH, VSC, TTF…
Diễn biến của nhóm CP cơ bản này gợi mở về khả năng thị trường đang chờ đợi KQKD quý IV-2015 và cũng là cả năm 2015 sẽ tạo lực đẩy lớn. Trước tiên, vùng giá 560 điểm đã được kiểm định trong tháng 12 và có tính hỗ trợ khá mạnh, nên các CP đã và đang tạo được mặt bằng giá khá hợp lý cho mình. Cũng chính vì vậy, chỉ cần KQKD quý IV-2015 tích cực, kỳ vọng cũng như định giá dành cho CP sẽ tăng và qua đó đẩy giá CP tăng. Đối với những CP vốn hóa lớn, khi tăng giá đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến thiên của VN Index.
Tăng từ từ hay bùng nổ?
Nếu trong khoảng 5 phiên tới đây, vùng 570 điểm được giữ vững, nghĩa là VN Index đã thiết lập một đáy mới cao hơn đáy cũ, và khi KQKD của các công ty niêm yết đang dần lộ diện, 2 khả năng có thể xuất hiện. Thứ nhất, TTCK sẽ diễn biến theo xu hướng “sideway up” (tăng từ từ) cho đến Tết Nguyên đán (tháng 2), và điều này nếu có xảy ra thì nhóm CP có cơ bản tốt nhiều khả năng sẽ mang tính dẫn dắt.
Tuy nhiên, nếu đi theo xu hướng này, khả năng dòng tiền tham gia TTCK sẽ thiếu đi sức mạnh và đương nhiên cơ hội sẽ chỉ tập trung tại một số ít CP. Điểm khó nhất ở đây chính là giá của nhóm CP cơ bản nếu so với cách đây 6 hoặc 12 tháng đã tăng mạnh và NĐT trở nên nhát tay hơn khi mua vào. Tuy nhiên, để khả năng này xảy ra được trong thực tế, KQKD cả năm 2015 của nhóm blue chip sẽ phải không ấn tượng đồng loạt.
Cần nói rõ, ấn tượng ở đây không chỉ ở tương quan so với kế hoạch của doanh nghiệp và lịch sử đạt được mà ở sự tương xứng với kỳ vọng của thị trường thông qua việc tăng giá của CP. Chẳng hạn, với nhóm CP có dự định thoái vốn từ SCIC, đầu quý IV-2015 đã tăng giá rất mạnh và thị trường chờ đợi những CP “đắt có xắt ra miếng” hay không. Tuy nhiên, một số nhóm blue chip khác chẳng hạn như ngân hàng, một số CP bất động sản sau một thời gian lặng sóng có thể tích cực trở lại nhờ vào BCTC quý IV.
Khả năng bùng nổ của thị trường, tương đương với một đợt sóng mới cũng rất đáng xem xét. Vì tính đến thời điểm này đã gần nửa năm, TTCK chưa có một đợt sóng lớn thực sự nào như giai đoạn từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7-2015. Muốn có sóng lớn xuất hiện, phải có sự tích cực trên diện rộng từ một loạt CP và đặc biệt phải có nhóm CP dẫn dắt.
Nhóm CP SCIC thoái vốn có lực lượng khá mỏng, trong khi CP dầu khí vẫn chưa cho thấy khả năng trở lại những ngày hoàng kim thì ngân hàng, bất động sản có thể nhận được nhiều sự kỳ vọng. Nhưng ngân hàng cần phải có KQKD thực sự tích cực, trong khi việc lặng sóng quá lâu của CP bất động sản có thể làm giảm đi sự hứng khởi của NĐT. Cả 2 kịch bản vừa nêu đều dựa trên yếu tố ổn định của dòng tiền và thị trường tạm thời chưa có thông tin vĩ mô nào mới, nghĩa là dựa vào khả năng tự vận hành của thị trường.
Sài Gòn Đầu tư Tài Chính