MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày càng nhiều doanh nghiệp tỷ đô nhập cuộc chơi Nông nghiệp nhưng cũng có kẻ phải ra đi

Ngày càng nhiều doanh nghiệp tỷ đô nhập cuộc chơi Nông nghiệp nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp rời khỏi cuộc chơi. Việc ra đi, theo chuyên gia Trần Hải Yến, là phản ứng nhất thời của một vài doanh nghiệp trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản thế giới giảm sâu, chưa chắc chắn về thời điểm tăng trở lại.

Sáng ngày 21/11, Diễn đàn "Đầu tư Nông nghiệp thời TPP" do Kênh Thông tin Tài chính - Kinh tế hàng đầu Việt Nam CafeF phối hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của chuyên gia Trần Hải Yến, số lượng các doanh nghiệp hoạt động thuần túy trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán còn khá khiêm tốn (chỉ khoảng 20 doanh nghiệp), quy mô vốn hóa của cả ngành cũng khá nhỏ (khoảng 3% vốn hóa toàn thị trường).

Trong đó, doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay (khoảng 18.000 tỷ đồng) là Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) với hoạt động trải rộng từ trồng cao su, mía đường, dầu cọ, bắp đến chăn nuôi bò thịt và bò sữa.

Đứng thứ hai là ngành mía đường với các tên tuổi lớn như Thành Thành Công Tây Ninh (mã SBT), đường Ninh Hòa (NHS), đường Biên Hòa (BHS). Đứng thứ ba là ngành thủy sản, nổi bật là các doanh nghiệp như Tập đoàn Minh Phú (MPC), CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Vĩnh Hoàn (VHC).

Tiếp đến là ngành giống cây trồng, vật tư kỹ thuật nông nghiệp, đại diện là CTCP Giống cây trồng Trung Ương (NSC), giống cây trồng miền Nam (SSC), Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần thơ (TSC); còn lại là một vài doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi như Tập đoàn Dabaco (DBC), CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF).

Ngoài HAGL tương đối thành công với sự chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp thì một số doanh nghiệp lớn khác niêm yết trên TTCK cũng đã và đang liên tục rót vốn vào lĩnh vực này. Như trường hợp Tập đoàn Vingroup đã đầu tư 2.000 tỷ đồng thành lập công ty VinEco chuyên sản xuất rau sạch tại khắp các tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai.

Ở mảng thức ăn chăn nuôi, hai cái tên đáng chú ý là Masan và Hòa Phát. Với việc mua lại 52% cổ phần của Proconco và 70% cổ phần của Anco, Masan được kỳ vọng sẽ là công ty sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất đồng thời là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai ở Việt Nam (chỉ đứng sau CP).

Trước Masan, Tập đoàn Hòa Phát cũng chính thức tham gia thị trường thức ăn chăn nuôi với số vốn đầu tư ban đầu là 300 tỷ đồng. HPG đặt thị phần mục tiêu sau 10 năm là 10% với quy mô vốn đầu tư có thể lên đến 8-10 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, thị trường cũng chứng kiến một vài doanh nghiệp nhanh chóng rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp chỉ sau một thời gian ngắn. Điển hình như trường hợp của CTCP Gemadept đang có kế hoạch bán hết dự án trồng cây cao su sau hai năm đầu tư vào lĩnh vực này.

Năm 2013, Gemadept được Campuchia cấp sổ đỏ với quyền sử dụng đất trong 70 năm cho gần 30.000 ha và công ty cũng đã trồng được gần 8.000 ha cao su. Tuy nhiên, phải sớm nhất cuối năm 2016 Gemadept mới có thể tiến hành khai thác mủ.

Thời gian hoàn vốn dài trong khi lợi nhuận lại là ẩn số (giá cao su thế giới chưa biết khi nào mới phục hồi) là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này mất kiên nhẫn. Một trường hợp khác là CTCP Liên doanh đầu tư Quốc tế (mã KLF) cũng đã đột ngột rút hết 24,5% vốn khỏi CTCP Nông dược H.A.I chỉ sau 5 tháng hai bên ký hợp đồng hợp tác chiến lược.

Song số lượng các doanh nghiệp đầu tư mới vào nông nghiệp vẫn đang nhiều hơn đáng kể so với số doanh nghiệp ra đi. Việc rút khỏi nông nghiệp được đánh giá là phản ứng nhất thời của một vài doanh nghiệp trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản thế giới giảm sâu, chưa chắc chắn về thời điểm tăng trở lại trong khi các dự án nông nghiệp thường “chôn vốn” lâu.

Ngoài ra, một vài công ty tài chính chuyển hướng vào nông nghiệp với mục đích thu lời ngắn hạn nhưng diễn biến thực tế không thuận lợi nên các công ty này đã nhanh chóng rút ra. Điều này càng cho thấy mức độ sàng lọc cao của các dự án đầu tư vào nông nghiệp.

Chỉ những doanh nghiệp nào cam kết đầu tư lâu dài, bài bản và chuyên tâm vào lĩnh vực nông nghiệp mới có khả năng tồn tại trong giai đoạn khó khăn của thị trường nông sản hiện nay cũng như chờ đợi cơ hội tăng trưởng trong tương lại khi giá thế giới phục hồi trở lại.

Do vậy, theo bà Yến, để tập trung đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới cần ba giải pháp:

Thứ nhất là cần phải đầu tư nông nghiệp trên quy mô rộng, triển khai cánh đồng mẫu lớn.

Thứ hai, với nhóm doanh nghiệp muốn đầu tư theo chuỗi thì phải thành lập công ty liên kết và xây dựng nguyên liệu ổn định.

Thứ ba, M&A là con đường để doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, không yêu cầu doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư bài bản ngay từ đầu, song đòi hỏi lớn về vốn.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên