MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm doanh nghiệp tư vấn điện: Giá cổ phiếu tăng có tương xứng với khả năng sinh lời?

Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh là do con số kỳ trước quá nhỏ. So sánh với tài sản và vốn chủ sở hữu thì lợi nhuận này chẳng đáng là bao.

Bị nắm giữ cổ phần chi phối bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN với tỷ lệ 50% - 70% và các cổ đông lớn nội bộ, 4 doanh nghiệp thuộc ngành tư vấn điện có mã chứng khoán bắt đầu bằng “TV” giao dịch trên thị trường với thanh khoản rất thấp. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của nhóm này đã tăng không ít.

Giá cổ phiếu

19/08/2014

1/1/2014

Tăng

TV1

         12.0

           8.8

36.4%

TV2

         20.8

         15.0

38.7%

TV3

         15.2

         13.5

12.6%

TV4

         10.8

           8.8

22.7%

Sự tăng giá của các cổ phiếu trong thời gian qua bị ảnh hưởng mạnh bởi cơn hưng phấn chung của thị trường. Giá cổ phiếu nhóm “TV” cũng tăng cao, nhưng dường như sức mạnh của các doanh nghiệp này thể hiện trong 6 tháng đầu năm không được tương xứng như vậy.

Những doanh nghiệp siêu vay nợ

Vượt trội về quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu trong nhóm này là CTCP Tư vấn xây dựng Điện 1 (mã: TV1) với tổng tài sản hơn 1.800 tỷ và vốn chủ sở hữu hơn 300 tỷ tại thời điểm cuối quý 2/2014.

Khoảng cách rất lớn giữa tài sản và vốn chủ sở hữu đồng nghĩa với việc tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của nhóm này ở mức rất cao, trung bình là 64,3%. TV1 chính là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao nhất: 83,3%. Tại thời điểm 30/06/2014, doanh nghiệp này đang vay nợ ngắn hạn 533 tỷ và vay nợ dài hạn 676 tỷ, chủ yếu tại Ngân hàng công thương Vietinbank.

TV3 có tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản là 62% nhưng doanh nghiệp không vay dài hạn, không vay ngân hàng. Khoản lớn nhất trong nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là “người mua trả tiền trước”. Tương tự như vậy là TV2, tỷ lệ này là 78% nhưng khoản người mua trả tiền trước chiếm tới 96% nợ ngắn hạn.

Duy nhất CTCP Tư vấn xây dựng Điện 4 (mã: TV4) có tỷ lệ này dưới 50%, chỉ là 34,4%

2/4 doanh nghiệp giảm biên lợi nhuận gộp

Lớn nhất nhưng TV1 lại là doanh nghiệp duy nhất có doanh thu quý 2/2014 sụt giảm so với cùng kỳ. Quý 2/2014, TV1 đạt 107 tỷ doanh thu thuần – giảm 18,3%. Tuy nhiên nhờ kết quả từ quý 1, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 195 tỷ - tăng 10,7%. Trong đó doanh thu xây lắp tăng 51% lên 79 tỷ, doanh thu khảo sát thiết kế và sản xuất điện tăng 52,1% lên 105,2 tỷ.

Doanh thu quý 2/2014 của TV2, TV3 và TV4 đều tăng rất cao, đạt lần lượt là 72,5 tỷ, 35,3 tỷ và 17,2 tỷ - tăng lần lượt là 66%, 38% và 43%. Tuy vậy, doanh thu 6 tháng tăng khiêm tốn hơn, thậm chí TV4 bị giảm nhẹ do doanh thu từ hoạt động thiết kế giảm từ 25,1 tỷ xuống còn 19,2 tỷ.

Chỉ có TV4 bị giảm lợi nhuận gộp của 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ xuống còn gần 11 tỷ. Lợi nhuận gộp của TV3 tăng tới 61% lên gần 20 tỷ và của TV1 tăng 34,3% lên gần 75 tỷ.

2/4 doanh nghiệp bị giảm biên lợi nhuận gộp là TV2 (giảm từ 21,5% xuống còn 17,7%) và TV4 (giảm từ 41,2% xuống còn 30,8%)

Lợi ích từ tín dụng thương mại

Như đã nói ở trên, TV1 vay nợ rất nhiều. Vì vậy chi phí tài chính là một khoản không nhỏ trong khi doanh thu tài chính không đáng là bao. Chi phí tài chính của doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng 234% so với cùng kỳ lên 52,3 tỷ - tức gần bằng 70% lợi nhuận gộp.

Trong khi đó, 3 doanh nghiệp còn lại do chủ yếu vay tín dụng thương mại, phần lớn nợ phải trả là khoản người mua trả tiền trước nên chi phí tài chính rất thấp. Người mua ở đây đều là các đơn vị trong tập đoàn EVN.

Kết quả cuối cùng, có 3/4 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế 6 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ.

Đứng đầu là TV1, đạt 9,5 tỷ lợi nhuận sau thuế - tăng hơn 36% so với 6T2013 nhưng mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch. TV3 có mức tăng trưởng mạnh nhất. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 3,1 tỷ - tăng gần 65% nhưng chỉ hoàn thành 23% kế hoạch. TV2 đạt 4,7 tỷ lợi nhuận sau thuế - tăng 16% và cũng chỉ hoàn thành 23,5% kế hoạch.

TV4 là doanh nghiệp duy nhất bị giảm lợi nhuận sau thuế và giảm tới 46%, chỉ còn 2 tỷ đồng – tức chỉ bằng 9,3% kế hoạch.

Tỷ suất sinh lời tí hon

Có nhiều nhà đầu tư nhìn vào mức tăng trưởng “khủng” của doanh thu, lợi nhuận để lựa chọn cổ phiếu. Cũng không ít trường hợp chỉ dựa vào thông tin tăng trưởng này mà giá cổ phiếu vù vù đi lên. Nhưng có thể sự tăng trưởng này đến từ việc doanh thu, lợi nhuận kỳ trước quá nhỏ. Khi so sánh với tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp thì lợi nhuận này chẳng đáng là bao, và sẽ là rủi ro khi đầu tư vào những doanh nghiệp như vậy.

Các doanh nghiệp tư vấn điện đều có tỷ suất sinh lời khá thấp. 6 tháng đầu năm, ROA và ROE của TV2 và TV3 khả quan nhất so với 2 doanh nghiệp tư vấn điện còn lại.

Đó cũng là 2 doanh nghiệp có EPS và P/E hấp dẫn hơn.

>>> Series Review kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm theo ngành

Lan Nguyên

trangntm

Theo Infonet

Trở lên trên