Nỗi lòng của Chủ tịch tự đứng ra lập quỹ đầu tư (Kỳ 3)
Thừa nhận luật pháp không có quy định về việc thành lập quỹ và phát hành chứng chỉ quỹ của các cá nhân, các "chủ tịch" công khai điều này với nhà đầu tư khi kêu gọi góp vốn
Không phải ai cũng là kẻ lừa đảo, nhất là khi muốn tồn tại lâu dài trên thị trường tài chính. Những Chủ tịch quỹ “chân chính” chia sẻ, họ thành lập quỹ trên tinh thần kiếm tiền có đạo đức. Thừa nhận luật pháp không có quy định về việc thành lập quỹ và phát hành chứng chỉ quỹ của các cá nhân, họ công khai điều này với nhà đầu tư khi kêu gọi góp vốn.
Việc “gọi vốn” không phải là dễ dàng khi hình thức này gây quá nhiều nghi ngại. Nhắc lại thêm, ngoài người thân dễ tin tưởng nhau thì để huy động được người ngoài, chủ tịch quỹ phải thực sự chứng tỏ được sự tin cậy và khả năng chơi chứng khoán của mình trong một thời gian không ngắn.
Trong quá trình đầu tư, các Chủ tịch quỹ, người quản lý quỹ sẵn sàng bỏ tiền, tự đi tiếp xúc với Doanh nghiệp để cập nhật thông tin, định hướng đầu tư.
Chủ tịch của một quỹ đầu tư dạng này cho biết, mặc dù đã thỏa thuận bằng văn bản với khách hàng về “quyền tối cao của Chủ tịch” nhưng tai nạn nghề nghiệp vẫn xảy ra. Khi thị trường tăng trưởng mạnh, cổ đông (dù chưa có kinh nghiệm đầu tư) cho rằng người khác kiếm tiền dễ dàng thì mình cũng có thể làm được. Hoặc là họ sẽ bán hết chứng chỉ quỹ, rút vốn ra hoặc là liên tục can thiệp vào hoạt động mua bán của Chủ tịch bằng những kiến nghị và yêu cầu giải trình.
Hay khi cổ phiếu giảm, tuân theo kỷ luật, Chủ tịch quỹ cắt lỗ. Không may sau đó, cổ phiếu bật tăng trở lại. Đây là điều bình thường trong hoạt động đầu tư nhưng với nhà đầu tư không chuyên, chỉ thấy việc cắt lỗ đơn thuần là “chơi lỗ”. Thế là xảy ra xung đột.
Nhu vậy, ngoài áp lực nhận định đúng xu hướng, chọn lựa đúng cổ phiếu, tuân thủ kỷ luật thì Chủ tịch quỹ, người quản lý quỹ còn bị áp lực tâm lý bởi những cổ đông “gây nhiễu” như trên.
Để hạn chế những rủi ro này, trong hợp đồng giữa hai bên, Chủ tịch quỹ có quy định về mức phạt khi nhà đầu tư muốn rút vốn khi chưa hết thời hạn; quy định về thời gian báo trước khi nhà đầu tư muốn rút vốn; quy định mức phạt khi can thiệp vào chiến lược đầu tư của Chủ tịch…
Tuy nhiên, đã là những hợp đồng dân sự thì khi xảy ra mâu thuẫn, thông thường vẫn là người trong cuộc giải quyết với nhau sao cho hài hòa được lợi ích 2 bên, kết quả cuối cùng bi đát lắm là không hợp tác cùng nhau nữa. Thị trường cho đến nay chưa ghi nhận một vụ kiện nào có liên quan đến những trường hợp ủy thác đầu tư hay đầu tư vào quỹ như vậy…
>>> Nở rộ “mốt” cá nhân đứng ra lập quỹ đầu tư (Kỳ 1)
>>> Quỹ đầu tư do cá nhân tự lập: Rủi ro thấy ngay trước mắt cho “cổ đông” (Kỳ 2)