MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới room cho khối ngoại: Không phải là phép màu!

Trong bản báo cáo chiến lược mới đây, CTCP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng việc nới room tối đa cho khối ngoại sẽ sớm được thông qua nhưng vẫn còn nhiều giới hạn.

Trên các phương tiện truyền thông, Chính phủ đã cho biết Thủ tướng có thể sẽ thông qua dự thảo luật gần đây nhất trước khi kết thúc năm 2013. Tuy nhiên, theo VCSC, vẫn còn một số vấn đề cần thảo luận nên khả năng này vẫn còn chưa hoàn toàn chắc chắn về mặt thời gian, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Nội dung của đề xuất là tăng room tối đa cho khối ngoại lên 60% (cổ phiếu có quyền biểu quyết).

Hiện đã có một dự thảo để hướng dẫn các doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền thực hiện quy trình tăng room tối đa cho khối ngoại. Điều này sẽ góp phần giảm bớt thời gian thực hiện, nhưng VCSC cho rằng dự thảo trên có thể sẽ còn được sửa đổi. Như vậy, việc thực hiện chưa phải ngay lập tức, nhưng có thể chỉ cần vài tháng nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. VCSC không biết quy trình áp dụng sẽ như thế nào, nhưng do thủ tục hành chính tại Việt Nam vốn thường phức tạp, VCSC giữ thái độ thận trọng nhưng một mặt vẫn hy vọng quy trình sẽ đơn giản.

Theo đề xuất trình lên Thủ tướng quy định rằng các doanh nghiệp phải tự mình nộp đơn xin tăng room tối đa cho khối ngoại, điều này đòi hỏi sự đồng thuận của cổ đông tại ĐHCĐ thường niên hoặc bất thường, và sau đó cần được UBGDCK và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tăng room tối đa cho khối ngoại.

Ngoài ra, có khả năng các doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực mà hoạt động của khối ngoại bị hạn chế sẽ buộc phải ngưng hoạt động trong các lĩnh vực này nếu cổ phần của khối ngoại vượt trên 50%.

Thuận lợi trong dài hạn – M&A

Nếu điều luật này được thông qua mà không sửa đổi, tác động chính trong trung hạn là có thể mở đường cho các thương vụ M&A đối với những doanh nghiệp có ý định bán cổ phần chi phối cho khối ngoại. VCSC cho rằng điều này nhiều khả năng xảy ra hơn đối với các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa nhỏ và vừa. VCSC cũng cho rằng sẽ khó có doanh nghiệp nào sẽ tăng room tối đa cho khối ngoại mà không cân nhắc xem bên nào sẽ có thể thâu tóm mình trước khi nộp đơn.

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước nhiều khả năng sẽ không tăng room tối đa cho khối ngoại trong ngắn hạn. Có thể trong dài hạn, nhà nước sẽ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp được xem là không cốt lõi, nhưng VCSC cho rằng điều này khó có thể xảy ra đối với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt vượt bậc (như VNM, DHG, VNR, GAS) trong một thời gian dài, như thể hiện trong phát biểu của SCIC.

Những dự thảo luật trước đây không nói rõ doanh nghiệp chỉ được phép tăng room tối đa cho khối ngoại bằng phát hành cổ phiếu mới, hay cũng có thể tăng room tối đa cho khối ngoại mà không cần phải có nhu cầu tăng vốn.

Theo nguồn tin của VCSC, việc tăng room tối đa cho khối ngoại được dự định sẽ áp dụng cho cả cổ phiếu hiện hành lẫn cổ phiếu mới, và dự thảo luật mới nhất có quy định rõ về vấn đề này.

Theo Bình Minh - Người Đồng Hành

phuongmai

NDH

Trở lên trên