MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Andy Ho: Tôi ủng hộ chính sách tỷ giá mới

Theo ông Andy Ho, NHNN khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư khai thác các hợp đồng tương lai để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ phát sinh, với mục đích chuyển đổi thị trường ngoại hối từ các hoạt động vay-mượn sang mua-bán.

Kể từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng quy chế tỷ giá trung tâm. Theo nhiều chuyên gia thì cơ chế tỷ giá mới này sẽ tác động khá nhiều đến các quỹ đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp.

Chúng tôi trao đổi với ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư, tập đoàn VinaCapital để giúp nhà đầu tư hiểu thêm về tác động của quy chế tỷ giá mới này.

Thưa ông, việc áp dụng tỷ giá trung tâm sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động đầu tư của quỹ?

Tôi tin là hoạt động đầu tư của VinaCapital sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể do chúng tôi đã có kinh nghiệm xử lý biến động của tỉ giá hối đoái trong suốt thời gian qua.

Với cơ chế tỷ giá trung tâm hay có thể nói là cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát hiện nay, nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin về định hướng điều hành tỉ giá của NHNN thông qua mức dao động nhỏ mỗi ngày và có thêm thời gian để chủ động thích ứng.

Với VinaCapital và các nhà đầu tư, đây là một bước tiến tích cực, đáng hoan nghênh trong chính sách quản lý tiền tệ.

Ông nhận định ra sao về xu hướng dòng vốn ngoại vào Việt Nam khi cơ chế tỷ giá mới được áp dụng?

Theo cơ chế mới, biên độ tăng giảm nhỏ, từng ngày của tỷ giá sẽ khiến nhà đầu tư yên tâm hơn là những đợt phá giá tiền đồng đột ngột. Họ có thể chủ động điều chỉnh chiến lược đầu tư của mình.

Chúng tôi tin rằng các dòng vốn đầu tư nước ngoài  sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách tỷ giá trung tâm vừa được áp dụng.

So với các nước khác trong khu vực thì môi trường đầu tư của Việt Nam hiện ra sao?

Môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn hấp dẫn. Bằng chứng là thị trường chứng khoán đã tăng trưởng 6.1% trong năm 2015, khả quan hơn hẳn các thị trường khu vực như Indonesia (-12,1%), Malaysia (-3,9%), Singapore (-14,3%) và Thái Lan (-14,0%).

Bối cảnh vĩ mô trong năm qua vẫn thuận lợi: GDP tăng trưởng 6,7%, đạt mức cao nhất 5 năm, lạm phát rất thấp (dưới 1%), tỉ giá hối đoái khá ổn định (chỉ mất giá khoảng 5% so với trung bình 8-12% đối với các đồng tiền của các nước Đông Nam Á). Nhìn chung, các số liệu vĩ mô cho thấy các điều kiện kinh tế của Việt Nam có nhiều cải thiện và rất có thể khả quan hơn nữa trong năm 2016, tạo nền tảng thuận lợi để thị trường tiếp tục phát triển trong tương lai.

Chiến lược ứng phó của quỹ ra sao khi mà tiền đồng mất giá là xu hướng tất yếu?

Chúng tôi luôn cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố tỷ giá khi hoạch định chiến lược đầu tư. Với chính sách tỷ giá mới, chúng tôi nghĩ là NHNN đã đưa ra những chỉ dấu rõ ràng hơn về biến động của tiền đồng cũng như lộ trình từng bước nhỏ để thực hiện việc này. Yếu tố minh bạch trong cơ chế tỷ giá trung tâm này giúp thị trường bình ổn vì giải tỏa tâm lý bất ổn do những biến động bất ngờ về tỷ giá trong tương lai. Bên cạnh đó chúng tôi đã và đang sử dụng các hợp đồng giao dịch ngoại hối kỳ hạn cùng một số biện pháp khác để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ dòng vốn.

Nếu nói về các biện pháp hỗ trợ khác như giao dịch kỳ hạn, bảo hiểm tỷ giá….song song với chính sách áp dụng tỷ giá trung tâm thì theo quan điểm của quỹ đã đủ để giúp nhà đầu tư phòng tránh rủi ro hay chưa? Cần thêm sản phẩm/ hỗ trợ gì mới?

NHNN khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư khai thác các hợp đồng tương lai để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ phát sinh, với mục đích chuyển đổi thị trường ngoại hối từ các hoạt động vay-mượn sang mua-bán.

Chúng tôi xem đây là một bước tiến mang tính xây dựng và loại hình giao dịch này nên được thúc đẩy trở thành một cơ chế toàn diện giúp giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cá nhân. Hơn nữa, khi lượng giao dịch tăng lên, điều mà các doanh nghiệp còn e ngại là mức phí cao sẽ dần dần giảm tương ứng và các đơn vị tham gia giao dịch nói chung đều được hưởng lợi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên