"P/E đã rơi xuống vùng thấp nhất, TTCK Việt Nam đang vào vùng tạo đáy trung hạn"
Nếu so với các nước trong khu vực thì chỉ số PE của Vnindex và Hnxindex đã rơi xuống vùng thấp nhất và hiện tại còn thấp hơn của Shanghai và nằm trong top những nước Châu Á có PE thấp nhất.
Thị trường chứng khoán sắp sửa bước vào phiên giao dịch đầu tiên của năm 2015. Kỳ nghỉ lễ tết dương lịch dài 4 ngày cũng là thời gian cần thiết cho nhà đầu tư nhìn nhận lại thị trường chứng khoán 2014 cũng như chọn cho mình phương hướng đầu tư năm 2015 nói chung và những phiên đầu tiên của năm mới nói riêng.
Để giúp nhà đầu tư có thêm cơ sở lựa chọn, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Hồng Khanh-Trưởng phòng phân tích chứng khoán SacombankSBS.
Thưa ông, bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại so với thời điểm VnIndex tăng mạnh quý 1/2014?
Việt Nam vừa kết thúc một năm với nhiều biến cố và thử thách lớn nhưng tất cả đã được vượt qua một cách tốt đẹp. Nếu như đầu năm chúng ta còn đương đầu với bài toán xử lý nợ xấu các ngân hàng, cố gắng duy trì mức lạm phát thấp và giữ lãi suất ổn định thì cuối năm một số vấn đề lớn cơ bản đã được giải quyết.
Khu vực kinh tế trong nước đã có những cải thiện đáng kể dù vẫn còn khó khăn trong hội nhập kinh tế chung và chỉ đóng góp ½ kim ngạch xuất khẩu so với khu vực FDI. Vì vậy để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh có thể tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường thế giới và có sự cân bằng hơn giữa các khu vực kinh tế cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ trong thời gian tới.
So với thời điểm trước đợt sóng mạnh gần đây nhất thì P/E thị trường chứng khoán VN bây giờ thế nào?
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua cũng đã theo nhịp biến động chung kinh tế với hai đợt sóng tăng giảm lớn. Đợt sóng đầu tiên vào đầu năm đưa chỉ số Vnindex chạm mốc 600 và đợt sóng thứ hai dài hơn và nhờ nhóm ngành dầu khí đẩy chỉ số Vnindex từ 508 lên đến 640 chỉ trong 4 tháng. Tại đỉnh cao nhất vào tháng 9, PE thị trường gần chạm mức 17 và xấp xỉ các nước trong khu vực.
Sau khi đi vào đợt giảm trung hạn, chỉ số Vnindex đã mất hơn 100 điểm và PE thị trường đang quay về gần với mức đầu năm. Nếu so với các nước trong khu vực thì chỉ số PE của Vnindex và Hnxindex đã rơi xuống vùng thấp nhất và hiện tại còn thấp hơn của Shanghai và nằm trong top những nước Châu Á có PE thấp nhất.
Sau khi chạm đáy của đợt sóng giảm 2008 đến 2009 thì trong những năm gần đây PE thị trường VN đã ổn định từ mức 8-10 và luôn thấp hơn các nước khu vực và khi nền kinh tế trong nước tăng trưởng ổn định, PE cũng tăng dần với các vùng đáy thiết lập từ mức 10 lên 12 và với mức PE hiện tại đang xấp xỉ 12,5. Có thể xem thị trường Việt Nam đang vào vùng tạo đáy trong trung hạn nếu đánh giá tổng thể dựa trên sức khỏe nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Liệu, dòng vốn ngoại có lựa chọn thị trường Việt Nam năm 2015?
Về giao dịch của khối ngoại năm qua có thể thấy giao dịch mua bán hai chiều tăng trưởng hơn 60% so với năm trước. Đây cũng là năm khối ngoại có sự mua bán sôi động nhất từ trước đến nay.
Một trong những lý do khiến các quỹ đầu tư nước ngoài đang rót vốn ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam đó là do nền kinh tế VN vẫn tăng trưởng đều cùng hệ thống chính trị ổn định, tỷ giá được kiểm soát tốt và giá trị doanh nghiệp được định giá hấp dẫn hơn so với các thị trường mới nổi khác.
Hai biến cố lớn sự kiện biển Đông và đợt điều chỉnh giảm do ảnh hưởng giá dầu đã ảnh hưởng khá nhiều vào lòng tin nhà đầu tư trong nước nhưng đó lại là cơ hội cho khối ngoại gom cổ phiếu giá rẻ và bán ra khi đạt lợi nhuận kỳ vọng.
Hiện nay khối ngoại đang nắm giữ khoảng 23% tính theo tỷ lệ vốn hóa thị trường, đây là một tỷ lệ khá cao khi giới hạn room là dưới 49%. Các doanh nghiệp tràn room đều là nhóm bluechip và hàng thường khan hiếm và được lấp đầy mỗi khi hở room. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp chất lượng niêm yết sẽ mang lại nguồn hàng hóa dồi dào hơn cho thị trường từ đó dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn.